Nộp lệ phí tòa án trực tuyến

Tòa án nhân dân tối cao vừa có quyết định triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc thu, nộp trực tuyến tạm ứng án phí, lệ phí tòa án sẽ được thí điểm từ ngày 1 đến 31/10 tại tòa án nhân dân 5 quận của Hà Nội gồm Long Biên, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Gia Lâm và Hai Bà Trưng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân sắp được nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Người dân sắp được nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, Chánh án các tòa án nhân dân chọn thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Vụ Tổng hợp, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai dịch vụ tại đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện nghiêm việc thí điểm dịch vụ thu, tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các lợi ích khi sử dụng dịch vụ thu, tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cổng Dịch vụ công quốc gia được Văn phòng Chính phủ đưa vào vận hành chính thức tại địa chỉ từ ngày 9/12/2019. Đây là đầu mối kết nối các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án là một trong những dịch vụ công được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022, cùng với các dịch vụ thanh toán khác như thanh toán viện phí, thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân.

Tính từ khi khai trương đến hết tháng 8, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.856 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đã có hơn 2,63 triệu tài khoản đăng ký, hơn 127,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 6,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, hơn 4,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng và hơn 1,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2.587 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tính đến cuối tháng 8, có khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến (tăng 10% so 30% cuối năm 2021), nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Số liệu thống kê được ghi nhận từ hệ thống giám sát, đo lường tự động cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến gần cuối tháng 8, ở khối các bộ, ngành thì Bộ Công thương, Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông đang dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, với các tỷ lệ đạt được lần lượt là 100%, 100% và 97,67%.

Tính trên quy mô cả nước, hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ của các bộ, ngành, địa phương đã đạt 51,49%, gấp 1,6 lần so cùng kỳ năm 2021 và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 39,82%, tăng gần 1,3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã nêu rõ mục tiêu đến cuối năm nay các bộ, ngành, địa phương cần phải nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến lên đạt 80% và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 50%.