Triển vọng nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn tới khá tích cực

NDO -

Trong quý I/2022, xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, từ đó các mặt hàng ngũ cốc thiết lập vùng giá mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù vậy, các cuộc đàm phán gần đây của 2 quốc gia tham gia xung đột đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, do đó các thông tin liên quan đến căng thẳng địa chính trị không còn tác động mạnh lên giá như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, nguồn cung nông sản vẫn đang là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm do nước ta nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nhìn lại suốt giai đoạn kể từ cuối năm ngoái cho tới nay, nguồn cung vẫn luôn là yếu tố tác động chính đến giá nông sản khi liên tiếp các sự kiện như hạn hán ở Nam Mỹ, xung đột ở Biển Đen khiến cho nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới trở nên thắt chặt hơn.

Thậm chí, đà tăng này còn mạnh mẽ hơn so với thời điểm mà cụm từ “siêu chu kỳ” tăng giá hàng hóa trở nên phổ biến vào năm ngoái. Chính vì thế nên Báo cáo Triển vọng gieo trồng được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào 23 giờ tối thứ 5 cho thấy ý định của nông dân về gieo trồng dự kiến năm nay sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với xu hướng sắp tới của thị trường nông sản thế giới và ngành chăn nuôi của nước ta.

Giá nông sản biến động mạnh mẽ ngay sau báo cáo

Ngay sau giai đoạn giá nông sản bật tăng mạnh mẽ do ảnh hưởng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường lại có xu hướng bình ổn hơn trong tháng 3. Đà tăng của 2 mặt hàng không thể thiếu trong thành phần thức ăn chăn nuôi là ngô và đậu tương đều đang chậm lại. Điều này một phần đến từ việc lo ngại về nguồn cung ở Biển Đen đang dần được xoa dịu và cũng đến từ tâm lý chờ đợi của thị trường nông sản trước Báo cáo Triển vọng gieo trồng - Prospective Plantings.

Và không nằm ngoài dự đoán, ngay sau thời điểm Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành báo cáo, thị trường nông sản đã chứng kiến những biến động và thay đổi đáng chú ý. Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên 31/3, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 5 của đậu tương đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Ngược lại, giá ngô lại bật tăng và có thời điểm đã gần chạm tới mức kịch trần nhưng đến cuối phiên lại thu hẹp đáng kể mức tăng này.

Báo cáo nông sản được chờ đợi nhất trong tháng 3 phát hành, gợi mở triển vọng sắp tới cho nghành chăn nuôi nước ta -0

Mỹ vẫn không đẩy mạnh gieo trồng ngô trong năm nay

Theo số liệu trong báo cáo lần này, diện tích gieo trồng ngô trong năm 2022 của Mỹ được dự báo ở mức 89.49 triệu mẫu, nằm dưới kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, diện tích gieo trồng đậu tương được dự báo đạt 90.96 triệu mẫu, cao hơn so với số liệu dự đoán được tổng hợp bởi hãng tin Reuters. Nếu thời tiết năm nay không quá tiêu cực, năng suất mùa vụ ổn định hơn thì sản lượng đậu tương của Mỹ có thể sẽ đạt mức kỷ lục.

Báo cáo nông sản được chờ đợi nhất trong tháng 3 phát hành, gợi mở triển vọng sắp tới cho nghành chăn nuôi nước ta -0

Ngô và đậu tương là 2 loại nông sản được trồng xen canh ở hầu hết khu vực Midwest, Mỹ nên thường sẽ được nông dân xem như 2 lựa chọn thay thế khi quyết định gieo trồng cho mùa vụ tới. Theo Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc thường trực MXV, hai mức dự báo diện tích này không phải quá bất ngờ khi mà chi phí phân bón liên tục tăng và ngô lại là mặt hàng phụ thuộc nhiều hơn vào phân bón.

Các số liệu này có ý nghĩa gì với thị trường chăn nuôi trong nước?

Mặc dù các số liệu đối với 2 mặt hàng nông sản chính là ngô và đậu tương đem lại tác động trái chiều cho giá, triển vọng nguồn cung trong giai đoạn tới lại đang khá tích cực. Ở Nam Mỹ, tiến độ thu hoạch ngô ở Argentina đang được đẩy mạnh và triển vọng tích cực của ngô vụ 2 ở Brazil có thể bù đắp cho phần diện tích bị cắt giảm ở Mỹ cũng như giảm bớt áp lực về nguồn cung trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do thời gian chờ hàng tại cảng Argentina bị kéo dài nên dự kiến lượng ngô nhập khẩu của nước ta trong tháng 4 vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Theo MXV, giá thế giới có thể sẽ bước vào một đợt điều chỉnh giảm trong thời gian tới, và các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa sẽ “dễ thở” hơn khi chi phí nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt sau chuỗi tăng liên tục kể từ năm ngoái.