Lúa mì Ấn Độ trở thành cứu cánh nguồn cung toàn cầu

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và làm đảo lộn thị trường hàng hóa thế giới. Không chỉ dầu thô, lúa mì cũng là mặt hàng biến động mạnh về giá trước những thông tin xoay quanh chiến sự này.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Nga và Ukraine là 2 nước quan trọng đóng góp tới gần 30% tổng lượng xuất khẩu lúa mì cho thế giới. Con đường xuất khẩu chính là qua khu vực Biển Đen đã bị gián đoạn do các tàu phải dừng hoạt động khiến cho giá lúa mì trải qua mức tăng hàng tuần kỷ lục tới 40%. Tuy nhiên, sau khi thiết lập vùng đỉnh cao nhất và hạ nhiệt trong nửa sau tháng 3, thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến những biến động lớn của mặt hàng này.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 5/4, giá lúa mì được giao dịch liên thông với quốc tế đã nhảy vọt gần 3,5% lên mức 10,45 USD/giạ (~398 USD/tấn). Triển vọng nguồn cung không rõ ràng đã khiến cho giá trải qua các phiên tăng giảm đột biến.

Lúa mì Ấn Độ trở thành cứu cánh cho nguồn cung toàn cầu -0

Xuất khẩu ở Biển Đen vẫn đang gián đoạn

Theo số liệu được công bố bởi Bộ Kinh tế Ukraine, xuất khẩu các loại nông sản trong tháng 3 của nước này đã giảm 4 lần so tháng 2 do xung đột với Nga. Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 4 thế giới trong niên vụ 2020/21, với hầu hết các mặt hàng được vận chuyển qua biển Đen.

Tuy nhiên, với việc chiến sự diễn biến dọc theo bờ biển, các thương nhân buộc phải xuất khẩu nhiều ngũ cốc hơn bằng đường sắt sang các nước châu Âu. Dù vậy, việc vận chuyển qua đường sắt cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng tồn đọng các toa tàu ở biên giới phía tây. Mặc dù đã có 12 nhà ga đi vào hoạt động nhưng thời gian xử lý, dỡ hàng và vận chuyển tới người mua thường sẽ mất từ 2 đến 3 tuần vẫn khiến cho quá trình xuất khẩu bị chậm trễ và kém hiệu quả.

Không những thế, mùa vụ lúa mì sắp tới cũng gặp phải nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Apk-Inform, diện tích gieo trồng cho niên vụ tới có thể sẽ bị giảm xuống 55% và tiếp tục kéo theo nguồn cung thắt chặt hơn.

Diện tích gieo trồng của Mỹ không đạt kỳ vọng

Trong Báo cáo Triển vọng mùa vụ mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), diện tích gieo trồng lúa mì năm nay của Mỹ dự kiến sẽ đạt 47,35 triệu mẫu. Số liệu này đồng nghĩa với việc quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới này cũng sẽ không gia tăng diện tích gieo trồng như giới phân tích dự đoán trước đó. Theo MXV, sau hai năm khô hạn liên tiếp, và có khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với điều kiện thời tiết không thuận lợi trong năm nay, lo ngại tới từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại và chưa đủ mạnh để được phản ánh lên quyết định gieo trồng của nông dân Mỹ.

Nguồn cung Ấn Độ thay thế

Mặc dù nguồn cung ở cả Mỹ và Biển Đen đều đang thắt chặt nhưng với kỳ vọng chiến sự kết thúc sẽ giải quyết các vấn đề này trong dài hạn, cùng với việc Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu đã làm giảm bớt phần nào áp lực về nhu cầu trong giai đoạn hiện nay. Theo Reuters, xuất khẩu lúa mì niên vụ 2021/22 (kết thúc vào tháng 3) của Ấn Độ đang được ước tính ở mức 7,85 triệu tấn, mức cao nhất mọi thời đại và tăng mạnh so với mức 2,1 triệu tấn trong năm ngoái.

Lúa mì Ấn Độ trở thành cứu cánh cho nguồn cung toàn cầu -0

Đầu tháng này, một quan chức chính phủ Ấn Độ đã cho biết nước này sẽ xuất khẩu kỷ lục 7 triệu tấn lúa trong niên vụ 2021/22 do giá toàn cầu tăng tạo cơ hội cho quốc gia sản xuất lúa mì thứ 2 thế giới tranh giành thị phần. Theo chính phủ Ấn Độ, nước này đã đạt được mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn lúa mì tính đến ngày 21/3, và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh các nước nhập khẩu đang chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát.