Báo cáo nông sản được mong chờ nhất tháng 1 có đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao?

Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn luôn là sự kiện được các doanh nghiệp và nhà đầu tư chờ đợi mỗi tháng. Vào ngày thứ năm 13/1/2022, báo cáo đầu tiên của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong năm mới dự báo sẽ tiếp tục tạo ra nhiều biến động trên thị trường nông sản.

Thu hoạch đậu tương. Ảnh: Reuters
Thu hoạch đậu tương. Ảnh: Reuters

Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới cung cấp các số liệu tổng quát và chi tiết về cung-cầu các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như ngô, đậu tương, lúa mì,... Bên cạnh đó, các số liệu được chi tiết đến từng quốc gia xuất nhập khẩu lớn, tập trung vào số liệu của Mỹ, sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá được thực trạng cung-cầu của các loại nông sản và triển vọng trong thời gian tới.

Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới là báo cáo đặc biệt quan trọng đối với ngành nông sản toàn thế giới

Như thường lệ, cứ đầu mỗi tháng, các hãng tin lớn lại nối tiếp nhau đưa ra những số liệu dự đoán cho các báo cáo cung-cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Vào những giai đoạn, khi các số liệu thực tế được công bố có sự chênh lệch lớn so với dự đoán, thì thị trường nông sản sẽ xảy ra biến động rất mạnh mẽ. Thí dụ, ngày 9/11/2021, Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới tháng 11 đã gây hiệu ứng rất lớn trên bảng giá nhóm nông sản, đặc biệt là mặt hàng đậu tương. Trước khi báo cáo này được phát hành, giá đậu tương đã duy trì đà giảm liên tục từ cuối tháng 10 do dự đoán về nguồn cung sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, số liệu được Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra trong báo cáo đã cho thấy thực tế ngược lại: sản lượng sụt giảm ở nhiều vùng sản xuất lớn. Chính điều này đã khiến giá đậu tương tăng vọt hơn 30 cents/giạ chỉ vài phút sau khi báo cáo phát hành.

ảnh 1.jpg -0

Không chỉ khiến giá biến động lớn ngay trong phiên, Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới cũng đem lại các tín hiệu về triển vọng trong trung và dài hạn của các mặt hàng. Trong báo cáo tháng 7/2021, tồn kho ngô của Mỹ giảm về mức thấp nhất trong 8 năm đã khiến giá duy trì xu hướng tăng trong khoảng thời gian dài sau đó.

Báo cáo tháng 1 và các số liệu cần chú ý

Kể từ khi Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới tháng 12 được phát hành với những số liệu gần như giữ nguyên đối với ngô và đậu tương, tình trạng khô hạn đã diễn ra rất phức tạp tại khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là hai nước Brazil và Argentina. Đây cũng là 2 số liệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với xu hướng giá của nhóm nông sản trong tháng này.

Tại Brazil, thời tiết thiếu mưa ở miền nam và mưa rất lớn ở miền bắc đều dẫn đến chung một kết quả, đó là không thuận lợi cho mùa vụ đậu tương năm nay. Đậu tương là loại cây cần nhiều nước để phát triển tốt, nhưng lượng mưa quá lớn trong thời gian gần đây đã gây ra tình trạng ngập úng và cản trở nông dân phun thuốc diệt nấm, trừ sâu cho cây trồng.

Mới đây, hãng tư vấn StoneX đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Brazil xuống mức 134 triệu tấn, giảm mạnh gần 10% so dự báo trước đó. Ngoài ra, sản lượng ngô niên vụ 2021-2022 của nước này cũng bị hạ xuống mức 117,5 triệu tấn, thấp hơn so với mức 120,1 triệu tấn trong ước tính hồi đầu tháng 12.

Ngoài ra, hãng tin địa phương AgRural cũng đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021-2022 của Brazil xuống mức 133,4 triệu tấn, giảm 7,8% so mức 144,7 triệu tấn trong báo cáo trước. Điều này cho thấy giới phân tích đang có những đánh giá bi quan về mùa vụ năm nay của Brazil và nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng có chung xu hướng giảm dự báo sản lượng, giá đậu tương sẽ được hỗ trợ rất nhiều sau báo cáo.

ảnh 2.jpg -0

Tại Argentina, tình trạng cũng không tích cực hơn, khi những cơn mưa chưa đáp ứng đủ độ ẩm cho đất. Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp hơn mức trung bình vẫn đang ảnh hưởng xấu đến sản lượng tại các vùng gieo trồng chính ở phía đông và bắc của nước này. Theo Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), sản lượng ngô niên vụ 2021-2022 của Argentina đang ước tính ở mức 57 triệu tấn.

Tuy nhiên, đại diện từ cơ quan này cho biết, con số này có thể sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới nếu thời tiết khô nóng tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, Sở Giao dịch hàng hóa Rosario (BCR) cũng đã cảnh báo về ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán ở một số khu vực. Các vùng gieo trồng ở phía đông Argentina đã bị thiệt hại khoảng 20-40%, khiến tổ chức này dự báo sản lượng thu hoạch nằm trong khoảng 55-56 triệu tấn.

Mặc dù các nhận định ban đầu về mùa vụ năm nay ở Argentina và Brazil đều khá tích cực, nhưng thời tiết đang khiến các nhận định có chiều hướng xấu đi. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ giảm dự báo sản lượng đậu tương và ngô của 2 quốc gia Nam Mỹ này trong báo cáo tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều lực mua hơn và có thể đẩy giá tăng từ 3-5% trong tháng này. Đây sẽ là tin không tốt đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, khi giá đầu vào liên tục tăng mạnh, trong khi đầu ra vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.