Tham gia TPP - Cơ hội và thách thức

Nông nghiệp và “liều thuốc thử TPP”

Việc Việt Nam sắp ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình Dương (TPP), được đánh giá là một cơ hội lớn để nông nghiệp - ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam - tái cơ cấu một cách toàn diện, triệt để. Đây thật sự là một “liều thuốc thử” đủ mạnh để giúp ngành nông nghiệp tái định vị những giá trị của mình.

Giảm áp lực thị trường

Với ngành nông nghiệp Việt Nam, cơ hội lớn rõ ràng nhất là sẽ có thị trường rộng lớn hơn, với sự hiện diện của 11 quốc gia bạn hàng khác trong TPP mà rất nhiều trong số đó là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của nước ta. Đặc biệt hơn, những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi. Thí dụ như thị trường Trung Quốc hiện đang chi phối lớn tới Việt Nam cả hai đầu xuất - nhập. Ở chiều tiêu thụ, họ chiếm tới 35% tổng giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, chiếm 48% cao-su, chiếm tới 64% các mặt hàng rau quả xuất khẩu của nước ta. Ở chiều ngược lại, đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu tới 62,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp. Rõ ràng, đây là một bạn hàng lớn và quan trọng nhưng điều đáng nói là sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của họ luôn đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải linh hoạt, thậm chí “cảnh giác” trong những quyết sách của mình.

Trong bối cảnh như vậy, việc tham gia TPP sẽ giúp nước ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực, bởi 12 quốc gia trong TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, như đã biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế còn 0% và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ các mặt hàng sẽ còn 0%. Như vậy lợi thế cạnh tranh rất lớn. Trong đó, có mặt hàng Việt Nam sẽ duy trì lợi thế tốt như thủy sản và đồ gỗ. Cụ thể: Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản cũng chiếm 19%... Về thủy sản, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản 16%... Như vậy, lợi thế của Việt Nam là rất lớn so với các nước có cùng điều kiện sản xuất, nhất là với mặt hàng thủy sản của Ấn Độ, Thái-lan…

Chưa hết, một hiệu ứng tích cực khác sẽ xuất hiện với ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP là sẽ thu hút được vốn đầu tư của các quốc gia tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi một loạt thuế suất của lĩnh vực này bằng 0% sẽ mang lại nhiều cơ hội. Như đã biết, trong nhiều năm trở lại đây nông nghiệp là lĩnh vực rất èo uột về thu hút vốn đầu tư và đang ở trong tình trạng “giảm dần đều” đầy lo ngại: Cả năm 2014 chúng ta chỉ có khoảng 513 dự án FDI lớn, nhỏ đầu tư vào nông nghiệp và lượng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Đương nhiên, những dòng vốn quý giá này sẽ mở ra cơ hội để chúng ta có tiềm lực tài chính nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp - một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Khi tham gia TPP, một loạt những điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam đương nhiên không sớm thì muộn sẽ bộc lộ. Trước hết, nền sản xuất nông nghiệp mang đặc trưng “lúa nước” nhỏ và manh mún (sản xuất nhỏ, hộ gia đình) của Việt Nam sẽ gặp phải những áp lực khi ra “biển lớn”. Hãy thử điểm lại đội ngũ được xem là trụ cột hiện nay của nền kinh tế chủ lực này: đội ngũ doanh nghiệp. Theo ước tính, hiện có khoảng 35 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi là 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Điều đáng nói hơn, đây hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”, các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% cho nên rất khó trong cạnh tranh. Sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém cho nên sẽ có mặt hàng gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đánh giá trình độ chăn nuôi của các nước như Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Mỹ… phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu các doanh nghiệp ngành chăn nuôi của ta không nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi thì kết cục xấu như thua lỗ, phá sản là việc hoàn toàn có thể tiên liệu được. Còn theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Công Tuấn: “Đã là sân chơi chung, luật chung thì phải tuân thủ, ai mạnh người ấy thắng. Nếu coi TPP là “liều thuốc” thử thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy gồm cơ quan quản lý, nông dân và doanh nghiệp không linh hoạt, thay đổi thì chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”".

Rõ ràng, khi TPP đã gõ cửa, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực lớn, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp.

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 12 quốc gia với trình độ phát triển khác nhau, trong đó Việt Nam có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại. Với ngành nông nghiệp, cơ hội lớn là sẽ có thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, trong đó có những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại luôn thay đổi.

HÀ CÔNG TUẤN (Thứ trưởng Bộ NN và PTNT)