Toàn bộ các bài trong tập có thể đưa về bốn khu vực chủ đề: tình yêu thiên nhiên - cuộc sống, tình cảm quê hương - gia đình, tình bằng hữu huynh đệ và những bài thế sự nhân sinh.
Khu vực thứ nhất có các bài tiêu biểu như: Tháng Giêng, Hoa xoan, Tháng Ba, Vọng mùa, Thèm về ngồi cạnh tháng Tư, Hạ cảm, Tháng Sáu, Tháng Mười, Tháng Chạp… Đọng lại trong tôi nhiều hơn cả ở mảng chủ đề này là những câu lục bát mềm mại, ngọt ngào, đằm thắm. Giọng thơ chân thành mà vẫn phảng phất chút ngẩn ngơ lãng tử: “Dịu dàng Giêng chẳng mưa sa/Vẫn làn mưa mỏng như là không mưa/Vẫn là mưa của ngày xưa/Làm tôi ngơ ngác như vừa mới tôi” (Tháng Giêng).
Mảng chủ đề tình cảm quê hương - gia đình có nhiều bài thơ, câu thơ gây xúc động mạnh mẽ tới người đọc. Có thể kể đến một loạt bài như: Roi tre vẫn giấu hiên nhà, Mẹ, Thương vợ, Thư gửi vợ, Với các con, Với Khánh An, Hát ru con gái, Thư viết cho con… Có những câu thơ như tiếng vọng từ ký ức tuổi thơ, đầy khắc khoải miên man, hòa trộn vào đó một phức cảm nỗi niềm với quê hương, với thân phận, với chính mình: “Tôi lang thang tìm mình theo tiếng gọi tháng Mười/Muốn chạy đến tận cùng cơn gió/Bàn chân giẫm lên những vạt ruộng nứt nẻ/Chẳng còn lại gì/Ngoài nhoi nhói buốt đau/Có tiếng chuông bất yên rung lên từ rất sâu/Đánh thức trong tôi nỗi niềm Đông giá…” (Tháng Mười).
Những câu thơ viết cho cố thi sĩ Trần Hòa Bình đầy sâu lắng thiết tha, như thể từng con chữ còn đang rưng rưng, không muốn tin vào niềm ly biệt: “Trót thi sĩ đến tận cùng thi sĩ/Yêu cuộc đời với bất kể nguồn cơn/Đã xa khuất như xứ Đoài mây trắng/Anh vẫn gần như nỗi nhớ Thành Sơn” (Nhớ Trần Hòa Bình).
Trong mảng đề tài cuối cùng, thơ Phạm Nguyễn Toan phảng phất chất thiền cùng những suy tư triết học. Ta đọc được trong từng câu chữ sự từng trải và bình thản của một người đã đi qua nhiều sóng gió, nhiều cung bậc thăng trầm trong cuộc đời. Và anh kể với mỗi chúng ta, truyền tới mỗi chúng ta một niềm yêu sống, sự an nhiên tự tại nhưng cũng đầy những khát khao của một tâm hồn thi sĩ. Thơ Phạm Nguyễn Toan vì thế, dễ dàng thấm vào người đọc như những ngọn gió mát lành: “Đôi khi nhấp một chén trà/Thấy mình là hạt sương sa bên thềm” (Đôi khi), “Nào có ai níu trói/Tự mình trói mình thôi/Bỗng dưng thèm là cỏ/Thản nhiên xanh bên trời” (Bỗng dưng thèm là cỏ).
(“Và sẽ thành ký ức”, thơ Phạm Nguyễn Toan, Liên Việt & NXB Hội Nhà văn 2018).