Dự báo, năm 2024, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường bên cạnh những cơ hội và thuận lợi. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc xác định phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Qua đó thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh hằng năm và giai đoạn 5 năm 2021-2025, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Những kết quả nổi bật

Phóng viên: Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã có đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Theo Chủ tịch, đâu là những kết quả nổi bật của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu trong năm vừa qua?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh: Năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, kinh tế-xã hội của cả nước vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, có xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu xác định năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2023, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đồng hành cùng các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội; tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Nhờ đó, các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2023, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Có 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Về sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so cùng kỳ năm 2022.

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về đầu tư phát triển, năm 2023 có một số dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông được khởi công xây dựng, điển hình là 2 gói thầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; cùng với đó, một số dự án khác được hoàn thành đưa vào sử dụng đã đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế đất nước như Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Ngoài các dự án nêu trên còn có nhiều dự án năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện như các dự án Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động tháng 4 năm 2023; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1…

Phối cảnh Sân bay Long Thành.

Phối cảnh Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Phối cảnh Sân bay Long Thành.

Phối cảnh Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Phóng viên: Với vai trò là đầu mối của Ban Chỉ đạo xử lý những tồn tại của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, xin Chủ tịch cho biết tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ này?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh: Về tiến độ xử lý các dự án kém hiệu quả ngành Công thương, đến cuối năm 2023 có 8/12 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể.

Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, có đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị-xã hội tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Đối với 3 dự án, doanh nghiệp còn lại giao Ủy ban chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý (gồm: dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên-Tisco 2, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), dự án Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)), Ủy ban đã hoàn thiện phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và báo cáo Thường trực Chính phủ.

Ủy ban sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để hoàn thiện phương án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Sát cánh cùng doanh nghiệp bứt phá

Phóng viên: Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới có vai trò quan trọng của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban sẽ làm gì để sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp bứt phá và phát triển bền vững trong chặng đường tiếp theo, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh: Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đối với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong những năm tiếp theo rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các chiến lược của Đảng và Nhà nước đề ra.

Do đó, Ủy ban sẽ hết sức nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị.

Phối hợp các cơ quan quản lý khác để chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp; nghiên cứu, góp ý, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của Luật số 69/2014/QH13 nhằm đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Ủy ban và các doanh nghiệp để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nội bộ bảo đảm thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, đầu tư về Ủy ban để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Tăng cường phối hợp các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong quá trình chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các doanh nghiệp nhà nước; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các tập đoàn, tổng công ty theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022 cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022 cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Ủy ban dự báo thế nào về những thách thức đặt ra trong năm 2024 và chủ động xây dựng những giải pháp gì để có thể vượt qua những thách thức đó?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh: Dự báo, năm 2024, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác của năm tới, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty xác định phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Các vấn đề trọng tâm được Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc đặc biệt chú trọng triển khai trong thời gian tới là quyết liệt triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 19/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị về Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bloomberg dự báo, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I/2024 và 6,5% trong quý II/2024. Ảnh: thitruongtaichinhtiente.vn

Bloomberg dự báo, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I/2024 và 6,5% trong quý II/2024. Ảnh: thitruongtaichinhtiente.vn

Phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát các vướng mắc pháp lý khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban để kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách để làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với tổ chức, hoạt động của Ủy ban.

Chỉ đạo quyết liệt 19 tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư hằng năm cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm.

Cùng với đó, Ủy ban tích cực và chủ động phối hợp các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án khó, phức tạp, chậm được xử lý, kéo dài cũng như những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Ủy ban sẽ chỉ đạo quyết liệt 19 tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt.

--- Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ---

Tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ bảo đảm hoạt động thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty.

Trên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới tư duy, tiên phong, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năm 2024 Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nỗ lực hết sức mình để khẳng định vị thế và vai trò tiên phong, mở đường dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước, đưa đất nước ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Ngày xuất bản: 13/1/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: TÔ HÀ - GIANG KHÔI
Trình bày: NGÔ HƯƠNG