Nỗ lực hơn giữ di sản đô thị

Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc không chỉ là di sản mà còn là biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của không gian đô thị, các di sản này đang “oằn mình” xuống cấp cùng với sự lãng quên theo thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Long Biên nhìn về phía nội đô Hà Nội. Ảnh: KHIẾU MINH
Cầu Long Biên nhìn về phía nội đô Hà Nội. Ảnh: KHIẾU MINH

Già cỗi và lộn xộn

Được sử dụng từ năm 1902, cầu Long Biên không chỉ là di sản văn hóa của Hà Nội mà còn là nơi chứng kiến các dấu mốc lịch sử của Thủ đô. 120 năm qua, cây cầu vẫn ngày ngày “oằn mình” gánh một lượng lớn các phương tiện lưu thông mỗi ngày, thay vì cần được trở thành một biểu tượng văn hóa để bảo tồn. Sau sự xuống cấp vì thời gian, cầu Long Biên giờ đây chẳng khác gì một “tấm áo” cũ rách, hỏng đâu vá đấy.

Cầu Long Biên đang ngày càng “già” đi và sắp hết khả năng chịu đựng, nếu không muốn nói là đã hết hạn sử dụng, đã có nhận định trong giới kiến trúc sư về tình trạng này. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến có phần thương cảm cho một cây cầu nhiều tuổi, hiện trạng vẫn không có sự thay đổi là bao. Các nhà văn hóa, kiến trúc từng nêu ý kiến: nên chăng chuyển hóa cầu Long Biên sang một vị thế mới với nhiệm vụ mới, hoặc nên biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử để người dân Thủ đô có thể tham quan, chiêm ngưỡng. Cũng nên để cây cầu trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để người dân thư giãn mỗi dịp cuối tuần, khi mà Hà Nội đang rất “khát” các không gian công cộng.

Hiện nay nhiều di sản của Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng thiếu được quan tâm đúng mức. Như các công trình kiến trúc biệt thự Pháp cũng đang chịu sự bào mòn của thời gian. Nguyên nhân chủ yếu là do những công trình đó chưa được xếp hạng di tích nên phần lớn gặp khó khăn trong công tác cải tạo, sửa chữa, chuyển nhượng. Vì thế những công trình này đều bị biến đổi, biến dạng nhất định so thiết kế ban đầu, thậm chí có những hạng mục đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Vì lẽ đó, ở nhiều công trình dù có tuổi đời lên đến cả trăm năm nhưng bằng cách nào đó vẫn có cấp phép xây dựng sai quy định, dẫn đến sự xuất hiện ngang nhiên của những hạng mục mới rất tương phản, nằm xen lẫn trong khuôn viên tòa nhà kiến trúc Pháp cổ.

Chưa hết, không ít vấn đề liên quan bảo tồn khu vực phố cổ Hà Nội nhiều năm qua vẫn giẫm chân tại chỗ bởi chưa thể giải quyết hài hòa giữa các lợi ích. Do vậy, một phức hợp gồm 121 di tích tại khu vực phố cổ đang rất cần được bảo tồn, song vẫn chưa tìm được lời giải. Đáng nói là với sự gia tăng mật độ dân số, các công trình xây dựng mới, hoặc cơi nới đã tác động mạnh đến không gian sống, kiến trúc, cảnh quan của phố cổ Hà Nội.

Cần ứng xử tương xứng giá trị

Có lẽ đã đến lúc cầu Long Biên, khu vực phố cổ Hà Nội hay các công trình kiến trúc Pháp cổ cần được nhìn nhận và có những ứng xử xứng tầm với giá trị vốn có. Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là công tác bảo tồn di sản đô thị chưa theo kịp sự phát triển hạ tầng xã hội. Dù Hà Nội đã có một danh sách các công trình xây dựng trước năm 1954 để đưa vào kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, đồng thời cũng có danh sách các biệt thự được chấm điểm, xếp hạng để bảo vệ, duy tu. Tuy vậy, với công tác quản lý còn yếu kém đi kèm sự rà soát, kiểm tra chưa sát sao đã dẫn đến việc quản lý các công trình, di sản… thiếu sự thống nhất về công tác bảo tồn di sản.

Nhìn nhận một cách tổng thể, những biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế đang khiến quỹ di sản đô thị Hà Nội bị mai một ngày càng nặng nề. Chẳng thế mà trong những năm qua, số lượng các công trình di sản kiến trúc được bảo tồn chỉ “đếm đầu ngón tay”. Tại quận Hoàn Kiếm, nơi có Ban Quản lý phố cổ nhưng trong suốt thời gian qua mới chỉ tu bổ, gìn giữ được một số công trình văn hóa như phố Tạ Hiện, Hội quán Quảng Đông, đình Kim Ngân… Theo các chuyên gia đô thị, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá hủy, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, tuyến phố có giá trị. Ở đó, giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các tổ chức và chuyên gia về bảo tồn di sản để có sự đồng thuận, thống nhất. Để từ đó, việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và xây dựng được niềm tin về chính sách, quy chế bảo tồn cũng như các quy hoạch về dự án bảo tồn.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, trong quá trình đó buộc phải có những hy sinh, thay đổi cái cũ để tìm cái mới, từng bước thích ứng hơn với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn luôn có những giá trị mà phải gìn giữ, đó là bề dày lịch sử, nơi chứa đựng yếu tố văn hóa tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất. Đó là niềm tự hào đã được tích lũy từ những năm tháng hào hùng nên rất cần trân trọng và gìn giữ, không chỉ hôm nay mà còn cho mai sau.