Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.

Chuyên đề “Dự báo năm 2023” gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.

Nhìn lại năm 2022, sự nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ủy ban), công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban với các cơ quan khác của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tham mưu để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương được giao trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và thực tiễn phát triển của đất nước.

Dịp đầu năm mới 2023, phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những kết quả, bài học kinh nghiệm vừa qua khi phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, kết hợp nhiều hình thức làm việc linh hoạt để thích ứng, phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phương hướng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phóng viên: Ông có thể đánh giá khái quát những kết quả, bài học kinh  nghiệm thực hiện công tác xây dựng pháp luật trong bối cảnh đặc biệt, đặc thù năm qua và những cách thức đổi mới trong phương thức hoạt động phù hợp bối cảnh mới?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và chặt chẽ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội; việc tiếp tục duy trì xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết, tính chủ động, khoa học và kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ cùng với tinh thần làm việc tích cực, chủ động, trách nhiệm cao, trong đó có những giai đoạn không kể thời gian (làm thêm giờ, làm đêm, làm việc cả ngày nghỉ) của cả tập thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban và bộ phận giúp việc, Ủy ban đã hoàn thành tốt chương trình công tác đề ra, cùng các cơ quan khác của Quốc hội đóng góp tích cực vào thành công chung của Quốc hội.

Năm 2022, Ủy ban Pháp luật được giao đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn (theo chương trình, kế hoạch công tác, các công việc được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội phân công và các nhiệm vụ phát sinh, đột xuất khác).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì một phiên họp của Ủy ban trong năm 2022. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì một phiên họp của Ủy ban trong năm 2022. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, thời điểm tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 cũng là giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, có những thời điểm gần một nửa các đồng chí trong Thường trực Ủy ban và quá nửa số công chức của Vụ Pháp luật là F0, F1, phải cách ly hoặc làm việc trực tuyến, từ xa trong một khoảng thời gian khá dài để bảo đảm thực hiện nghiêm túc yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, kế thừa các kết quả đã đạt được từ các năm trước, kinh nghiệm hoạt động trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban, Thường trực Ủy ban và từng thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời điều chỉnh kế hoạch công tác, thay đổi phương thức làm việc, linh hoạt triển khai thực hiện các công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Do đó, về cơ bản, các công việc theo Kế hoạch công tác năm 2022, các nhiệm vụ phát sinh đột xuất đều được hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Trong thời gian từ tháng 11/2021 đến nay, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức 7 phiên họp toàn thể (trong đó có 4 phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp) với số lượng thành viên tham gia từng phiên họp khá cao (thông thường đều đạt trên 70% tổng số thành viên) để xem xét, quyết định các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các nội dung có yêu cầu gấp thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhưng không kịp triệu tập họp toàn thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban chủ động tổ chức thẩm tra sơ bộ, gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban về dự thảo Báo cáo thẩm tra theo đúng Quy chế làm việc của Ủy ban Pháp luật để kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó báo cáo Ủy ban tại phiên họp toàn thể gần nhất.

Các tài liệu họp Ủy ban, tài liệu xin ý kiến thành viên Ủy ban đều được Thường trực Ủy ban tích cực đôn đốc, chuẩn bị và gửi đến các thành viên Ủy ban trong thời gian sớm nhất để các thành viên Ủy ban có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến tại phiên họp. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tâm huyết, có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc của Quốc hội.

Ý kiến phát biểu tại các phiên họp của Ủy ban Pháp luật đều tâm huyết, có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Ý kiến phát biểu tại các phiên họp của Ủy ban Pháp luật đều tâm huyết, có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Trên cơ sở Quy chế làm việc của Ủy ban, Thường trực Ủy ban tiếp tục duy trì việc ban hành Kế hoạch công tác tháng, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đến các nhóm và từng đồng chí trong Thường trực Ủy ban làm cơ sở giải quyết công việc một cách chủ động, từ sớm, từ xa theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt công tác giao ban lãnh đạo Ủy ban đầu tuần, giao ban Thường trực Ủy ban và lãnh đạo Vụ Pháp luật vào cuối tháng để kịp thời trao đổi, cập nhật tình hình và chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban thể hiện tính khoa học trong tổ chức, triển khai công việc, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành khối lượng lớn công việc của Ủy ban trong năm qua. Thường trực Ủy ban Pháp luật luôn tổ chức họp để trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng và quyết định theo đa số đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền và những nội dung trình Ủy ban Pháp luật xem xét, quyết định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tiếp tục quan tâm, giữ mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Ông cho biết những kết quả cụ thể của Ủy ban Pháp luật từ tháng 11/2021 đến kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) của Quốc hội được thể hiện rõ nét qua các nội dung nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Trong khoảng thời gian này, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thực hiện một khối lượng công việc lớn về xây dựng pháp luật, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban năm 2022 là đã chủ trì thẩm tra và tham mưu chỉnh lý, trình thông qua 4 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội, 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có các văn bản quan trọng, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), sửa đổi các nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính.

Năm 2022, Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra và tham mưu chỉnh lý, trình thông qua 4 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội, 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó là tham mưu triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 gắn với thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tham gia phối hợp thẩm tra, chỉnh lý, rà soát bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, nghị quyết do các cơ quan khác của Quốc hội chủ trì.

Ủy ban đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát thành công chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; tổ chức thành công 2 phiên giải trình về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; về hạn chế yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính. Đây là nội dung gắn với triển khai thi hành Luật Cư trú, các giải pháp thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tham gia xây dựng Đề án về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Trung ương về các nội dung trên và tham gia góp ý nhiều đề án, tờ trình, văn bản khác được Đảng đoàn Quốc hội phân công; hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan  đấu  thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán... theo kế hoạch được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao.

Phóng viên: Xin ông cho biết định hướng trọng tâm trong công tác, việc triển khai chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay của Ủy ban Pháp luật?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng:  Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2023, Ủy ban Pháp luật sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị đã được luật quy định và được Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội phân công.

Chúng tôi sẽ tập trung vào các nội dung sau: Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thẩm tra, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, trọng tâm là sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Lưu trữ.

Thứ hai, tiếp tục đôn đốc triển khai, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Pháp luật trong năm 2022. (Ảnh: DUY LINH)

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Pháp luật trong năm 2022. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đó, sẽ rà soát, cập nhật chủ trương, đường lối trong các nghị quyết, kết luận, văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới ban hành để kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp (nếu cần thiết); phối hợp nghiên cứu, đề xuất và thẩm tra các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng cao chất lượng, tính dự báo, khả thi trong việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nội dung thứ ba là chúng tôi sẽ tham gia phối hợp thẩm tra, phối hợp chỉnh lý, rà soát kỹ thuật văn bản đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tham gia có hiệu quả đối với các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Thứ  tư, tổ chức triển khai nghiêm túc Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Pháp luật, trong đó chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực có liên quan đến các luật do Ủy ban phụ trách. Tham gia có hiệu quả đối với các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Thứ năm, nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030; tổ chức thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với các đề án, tờ trình của Chính phủ về nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Trong năm 2022, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì thẩm tra và chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý đối 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 6 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phân công một đồng chí Phó Chủ  nhiệm và một Ủy viên Thường trực tham gia, phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo ngay từ giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến cũng như xây dựng, chỉnh lý dự thảo văn bản với tinh thần đây là công việc chung của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội và phương châm tiếp cận, giải quyết công việc “từ sớm, từ xa”...

Đối với những nội dung khó, phức tạp của các dự thảo luật, nghị quyết, Thường trực Ủy ban đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, họp cho ý kiến nhiều lần; phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp và một số cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát để tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động; tổ chức nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo để trao đổi, thống nhất về hướng hoàn thiện dự thảo.

Nhiều kiến nghị của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào các dự thảo luật và báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua với số phiếu tán thành rất cao.

Ngày xuất bản: 25/1/2023
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: VĂN CHÚC
Trình bày: VĂN TOẢN
Ảnh: DUY LINH