Tết Giáp Ngọ này, tròn một năm về làng mới, nhưng nhiều hộ Khmer vẫn chộn rộn niềm vui dù ước mơ đã thành hiện thực.
Được cấp nhà mới, cấp đất sản xuất, người dân chấm dứt cảnh hàng chục năm phải sống tạm bợ, trong những căn chòi dập nát tại khu rừng phòng hộ ven biển của tỉnh mà nhiều người gọi đó là "làng mười không". Tại làng mới, mọi người được cấp nhà ở, có điện thắp sáng, nước sinh hoạt; được cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn, phương tiện, hướng dẫn cách thức làm ăn.
Chia sẻ với niềm vui của bà con, Bí thư Thành ủy Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: "Thực tế nhu cầu nhà ở, đất sản xuất cho bà con Khmer trong tỉnh, nhất là nhiều hộ Khmer sống trong rừng phòng hộ ven biển hiện rất lớn, trong khi khả năng của địa phương có hạn. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố Bạc Liêu trước mắt xây dựng dự án khu tái định cư trên diện tích gần 60 ha, với 1.000 căn hộ thuộc ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông". Hiện nay, bước đầu đã có hơn 40 căn nhà được xây dựng và trao tặng cho các hộ Khmer nghèo đến sinh sống. Mỗi gia đình vào làng mới, được cấp một căn nhà tường gạch, mái lợp tôn, trị giá hơn 45 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp một phần đất để sản xuất nông nghiệp, trồng hoa màu và chăn nuôi với diện tích gần 300 m 2 . Tổng kinh phí của Dự án Khu nhà Hữu Nghị này hơn 50 tỷ đồng, do thành phố Bạc Liêu huy động sự ủng hộ, đóng góp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh (Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng). Ông Hoàng Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Hoàng Phát, chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng khu dân cư làng Hữu Nghị cho biết, công ty còn hỗ trợ thêm tiền cùng chính quyền địa phương chung tay, góp sức giúp đỡ bà con Khmer nghèo của tỉnh...
Bà Thạch Thị Xịa, 76 tuổi, vừa được cấp nhà, phấn khởi nói: "Nhiều năm trước đây, gia đình tui và nhiều hộ người Khmer phải sống chui lủi trong rừng phòng hộ ven biển, không có nhà như thế này đâu. Chỉ lấy cây đước, cây mắm khô cất chòi ở tạm bợ, dột nát. Không có điện, không có nước, không đường sá, không chợ búa, không trường học... Bây giờ thì sướng nhiều rồi. Mọi người biết ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ địa phương lắm".
Chị Sơn Sâm Ban bộc bạch: "Sống hơn nửa đời người, tôi chưa bao giờ dám mơ ước có được căn nhà xây như thế này. Nhiều năm trước đây cả gia đình có tám miệng ăn, nhưng không có đất, không có nhà, không công ăn việc làm ổn định. Hàng chục năm qua, chưa Tết nào được sum họp ấm cúng. Giờ đỡ khổ nhiều. Tết năm nay gia đình tui và nhiều hộ trong khu làng Hữu Nghị này vui lắm. Chắc chắn năm nay sẽ ăn Tết, đón Xuân đầm ấm, vui tươi hơn nhiều...".
"Có nhà ở ổn định, nhất là nhà lại ở sát Trường tiểu học ấp Biển Tây A, năm tới gia đình tui sẽ đăng ký cho hai đứa con lên 7 và 9 tuổi đi học, vì trước đây ở trong rừng hoang vắng, nên tụi nó đâu được học hành gì...", chị Sơn Thị Hồng, một trong những hộ người Khmer được ở trong khu nhà Hữu Nghị bày tỏ.
Cùng với việc được cấp nhà ở miễn phí, cấp đất sản xuất, các hộ dân trong khu tái định cư còn rất yên tâm khi con em được đi học gần nhà, đi lại dễ dàng. Một ngôi trường mới vừa được xây dựng khang trang cạnh khu dân cư Hữu Nghị mang đến cơ hội học tập cho trẻ em nơi đây. Làng mới mang đến những ước mong, dự định mới. Một tương lai tươi sáng sẽ không còn xa với người dân tộc Khmer ven biển Bạc Liêu.