Những trưởng thôn thân thiện

Trải qua nhiều vòng thi, với sự tham gia của 2.000 trưởng thôn trên địa bàn Hà Nội, năm thí sinh đã lọt vào vòng Chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ 3 - năm 2022 để tranh tài. Điều đáng quý nhất của cuộc thi không phải là những giải thưởng, mà là những kinh nghiệm quý, là dịp các trưởng thôn rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực của mình trong thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục biểu diễn vòng Chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ 3.
Tiết mục biểu diễn vòng Chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ 3.

Trong ba phần thi của Chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Nhà văn hóa huyện Đông Anh, phần thi Thuyết trình thu hút sự quan tâm của khán giả nhất. Bởi ở phần thi này, các thí sinh thể hiện kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong thực hiện các nội dung của “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thí sinh Nguyễn Thu Hà (thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) đã gây ấn tượng về một trưởng thôn năng động và sáng tạo.

“Các nội dung về nếp sống văn minh được triển khai đến các trưởng đoàn thể. Từ đó, tuyên truyền thực hiện tới các hội viên, đặc biệt là Chi hội Người cao tuổi, Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh của thôn, trên Bảng tin, Zalo, Facebook, băng-rôn, khẩu hiệu để nhân dân đều nắm được nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chúng tôi còn tổ chức họp dân để lấy ý kiến, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước của thôn”. Theo bà Nguyễn Thu Hà, để cuộc vận động hiệu quả, bản thân trưởng thôn và các cán bộ phải gương mẫu đi đầu thực hiện nếp sống văn minh ngay tại gia đình mình.

Thí sinh Nguyễn Văn Dũng - Trưởng thôn Sài Khê (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) nói về kinh nghiệm của bản thân trong việc đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục, thể thao. Thôn Sài Khê cách khá xa trung tâm thành phố, nhưng các hoạt động thể dục, thể thao lại hết sức sôi nổi. Kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Dũng là phối hợp các đoàn thể để thành lập các câu lạc bộ như: Dưỡng sinh, dân vũ, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền hơi phù hợp với từng nhóm đối tượng theo sở thích, năng khiếu.

Thôn cũng thành lập Câu lạc bộ Gia đình thể thao với 30 gia đình, 154 thành viên tham gia, tập hợp các gia đình mà tất cả thành viên cùng tham gia tập luyện thể thao. Trong khi đó, thí sinh Đỗ Thị Chanh - Trưởng thôn Thuận Tốn (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) lại có phần thuyết trình xuất sắc về vai trò của trưởng thôn trong xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa…

Được khởi động từ tháng 6/2022, Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” đã thu hút sự hưởng ứng của hơn 2.000 trưởng thôn trên toàn thành phố. Các cuộc thi cấp cơ sở đã diễn ra sôi nổi tại 18 huyện, thị xã để chọn ra 18 thí sinh xuất sắc nhất dự vòng sơ khảo cấp thành phố. Từ 18 thí sinh đó, năm thí sinh tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo. Các thí sinh đã cùng tranh tài trong ba phần thi: Chào hỏi, Kiến thức và Thuyết trình.

Với phần thi Kiến thức, các thí sinh trả lời các câu hỏi với nội dung liên quan chủ trương, chỉ đạo về triển khai, tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; công tác tổ chức, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Trong khi đó, phần thi Chào hỏi thể hiện tài năng văn nghệ của những cán bộ cơ sở khi các thí sinh đã giới thiệu về huyện, xã, đặc biệt là thôn mình thông qua các tiết mục văn nghệ.

Điều đáng nói, các thí sinh không chỉ thể hiện tài năng trên sân khấu mà ngoài đời đều là những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, có nhiều thành tích trong công tác. Điển hình như thí sinh Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Thủ Trung (xã Thanh Mỹ, Sơn Tây), ngoài vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, ông còn cùng cấp ủy, Chi bộ, Ban lãnh đạo thôn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa những giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Ông Công đã cùng lãnh đạo thôn, các tổ chức giúp đỡ cho 12 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ việc vay vốn đầu tư chăn nuôi.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: “Cán bộ địa phương là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền, là nơi phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị ở cơ sở, đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trưởng thôn là người trực tiếp nhận và truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ.

Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” nhằm tuyên truyền giới thiệu về địa phương, kết quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; đồng thời là dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các thôn, các trưởng thôn để từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở”.