NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên:

Những quay cuồng của kép đẹp

Hội thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007, Nhà hát Cải lương Việt Nam tiến vào TP Hồ Chí Minh - mảnh đất yêu chiều cải lương bậc nhất bằng hai vở diễn Cung phi Điểm BíchDấu ấn giao thời, tự tin giới thiệu hai gương mặt ngày ấy còn đang lạ lẫm: Hoàng Quỳnh Mai và Triệu Trung Kiên.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa đạo diễn Triệu Trung Kiên của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa đạo diễn Triệu Trung Kiên của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Một nữ một nam đến từ đất bắc, gây ấn tượng lập tức với công chúng đất cải lương miền nam bằng sự mạnh mẽ quyến rũ, bằng tinh thần đương đại thổi vào một loại hình sân khấu trữ tình. Những định kiến về cải lương bắc - cải lương nam dần được thu hẹp lại bằng chính những tác phẩm máu lửa của những người trẻ khôn nguôi máu lửa cùng nghệ thuật dân tộc...

15 năm sau màn trình làng không gì mỹ mãn hơn, vừa là tác giả kịch bản, đạo diễn vừa đảm nhiệm vai diễn Lý Huệ Tông, vị vua tột cùng bi kịch của nhà Lý trong giai đoạn Dấu ấn giao thời, Triệu Trung Kiên đã đi được một hành trình quá dài. Không chỉ là liên tiếp những giải thưởng mà anh đạt được, không hẳn tấm bằng tiến sĩ và danh hiệu NSND, mà ở sự lăn xả, đương đầu cải cách cải lương. Ba tuổi bập bẹ những câu hát đầu tiên, bảy tuổi vào vai diễn đầu tiên Trần Quốc Toản trên sân khấu đoàn cải lương Trưng Vương, Triệu Trung Kiên đã từng là một kép đẹp bắt đèn, một giọng ca vọng cổ thần sầu. Làm gì cũng hết mình, rồi lại cũng thấy bức bối chưa thỏa mãn được mình, anh luôn muốn bứt tung khỏi những ràng buộc thâm căn cố đế để đeo đuổi xúc cảm sáng tạo của mình. Con nhà nòi, bố mẹ vốn là học trò của những nghệ sĩ cải lương tài danh miền nam tập kết ra bắc như NSND Tám Danh, nghệ sĩ Ba Du, Phi Điểu, Tấn Đạt, nhạc sĩ Út Du, Lê Dậu, Ba Bằng..., rồi các nghệ sĩ Liên đoàn ca kịch kháng chiến như Ái Liên, Hồng Liên, Nguyễn Lân..., Triệu Trung Kiên tự coi cải lương "là một dòng chảy mà tôi thấy mình trong đó" và luôn tự nhủ rằng: "sinh ra đã thấy, đã cảm được cải lương" rồi chẳng hề sáo rỗng khi đinh ninh "cải lương là một phần máu thịt"... "6, 7 tuổi đã được bố dựng cho sân khấu mini dưới gầm chiếc tủ ly cũ. Bố lấy những chiếc tã cũ khâu thành phông, phi, cả màn nhung đỏ kéo ra kéo vào được. Một vài chiếc đèn pin Trung Quốc rồi nến, dầu chiếu sáng. Những con thú nhựa, cao-su bố tặng hoặc tự tôi dành tiền ăn sáng để mua là những nghệ sỹ bất động được chú bé con thổi hồn và lồng tiếng ca, hát, múa diễn như ai. Lũ trẻ con trong xóm làm khán giả với vé vào rạp là trang giấy học trò khi ấy có mầu ngà như giấy bao xi măng. Các vở diễn mẹ tôi và các cô bác trình diễn trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trung ương được tôi tái hiện trên sân khấu của mình, NSƯT Triệu Trung Kiên hồi ức. Cái gien được truyền lại từ cha mẹ: NSƯT Triệu Quang Vinh và Lê Mai Phương, nền nếp gia đình đã thành lý do đương nhiên khiến anh chọn cải lương làm nghiệp hoặc đấy là cái cớ để chính cải lương đã nhắm Triệu Trung Kiên làm người truyền lửa, ngọn lửa đang lom rom nhưng âm ỉ, luôn chờ thời cơ bùng phát.

Ngấm và yêu, mà yêu với tâm thế của một người trẻ ăn học đàng hoàng, Triệu Trung Kiên luôn khát vọng cách tân cải lương, khiến loại hình nghệ thuật luôn linh hoạt này tiếp cận gần gũi hơn với công chúng đương thời. "Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sách văn minh", cải lương vốn dĩ đã luôn cục cựa, vận động, luôn có nhu cầu nội tại là bám sát cuộc sống để không bị lãng quên, ruồng bỏ. Từ tấm danh thiếp Dấu ấn giao thời, Triệu Trung Kiên thoải mái bứt phá, yên tâm sải bước trên con đường của mình. Có một chút mạnh mẽ bụi bặm ở vóc dáng bề ngoài, một chút ngang ngang phóng khoáng trong cách biểu đạt những ý đồ nghệ thuật và cả cách nhìn nhận rất thực tế, biết mình biết người của một cá nhân làm quản lý, anh đã xoay xở ngược xuôi đủ cách để đơn vị của mình - Nhà hát Cải lương Việt Nam và các đồng nghiệp trong guồng máy ấy được sống - được làm nghề - được tung hoành trong thế giới nghệ thuật. Đưa nhạc jazz vào cải lương, rồi thừa cơ xốc tới, kết hợp cải lương với xiếc, cái bắt tay của Nhà hát Cải lương Việt Nam với Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã hình thành nên những vở ca kịch xiếc như Cây gậy thần đã qua và Thượng thiên Thánh mẫu vừa xong. Nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ để hướng tới mục tiêu: cải lương tới gần hơn với công chúng trẻ. Nỗi đau đáu chung của những nghệ sĩ sân khấu yêu nghề mấy thập niên qua, là công chúng, nhất là giới trẻ đã hầu như không có thói quen, không còn nhu cầu tới nhà hát. Quá nhiều phương tiện nghe nhìn, quá nhiều tiện ích giải trí hấp dẫn đã níu chân công chúng ở lại nhà hoặc rẽ sang phía khác, phía những rạp chiếu phim được đầu tư mới tiện nghi mát mẻ..., chứ không phải những đơn vị có danh xưng nhưng bao năm qua, không hề có được nhà hát vật lý của riêng làm nơi sáng đèn thu hút khán giả.

Mới rồi trên kênh YouTube cá nhân, Triệu Trung Kiên xuất bản clip anh song ca cùng bạn diễn tài sắc Thanh Thanh Hiền bản vọng cổ nức tiếng một thời của soạn giả Linh Châu Hoa tím bằng lăng, đủ nhắc nhớ về mảnh ghép giọng ca, hoàn thiện nên chân dung đủ đầy của một Triệu Trung Kiên đang tràn trề năng lượng. Xoay ngang xoay dọc, không thụ động ngồi chờ, Triệu Trung Kiên đã nỗ lực tối đa làm mới cải lương, làm cho cải lương hiện đại, hấp dẫn hơn vốn có. Thành quả của những sự đày ải tự nguyện suốt những tháng năm dài, Triệu Trung Kiên và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã giành giải thưởng Mai vàng năm 2019 cho vở diễn Chuyện tình Khau vai - một giải thưởng được bình chọn từ khán giả - là những độc giả báo Người lao động ở phương nam. Sự ghi nhận của khán giả ở đất cải lương nam như liều doping kích hoạt thêm những ý tưởng luôn chực chờ trong Kiên, gặp thời cơ là bùng nổ. Vài năm qua, cú bắt tay giữa đạo diễn Triệu Trung Kiên và nhà báo - tác giả sân khấu Nguyễn Thế Kỷ đã góp phần làm nên nhiều vở diễn được đầu tư chỉn chu bề thế, nhiều đêm diễn thu hút sự chú ý của dư luận. Chuyện tình Khau vai, Mai Hắc Đế, Hừng đông... là những dấu ấn bảo chứng cho cái bắt tay hữu hảo này, một khích lệ lạc quan trong quá trình thực hiện xã hội hóa sân khấu. Năm 2018, kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương, Triệu Trung Kiên đã khởi xướng công trình tập hợp sự tham gia của các nghệ sỹ hai miền nam bắc. Thầy Ba Đợi, vở diễn hợp tác giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thành công hơn cả dự kiến. Không chỉ quy tụ các nghệ sĩ uy tín thuộc vùng miền trên một sân khấu, trong một đêm diễn, Thầy Ba Đợi (kịch bản của nhà báo Nguyễn Thế Kỷ) còn là dịp gắn kết tình nghệ sĩ, giúp các nghệ sĩ tự xóa bỏ đi lằn ranh cải lương bắc cải lương nam. Sau những vật vã đã cho ra kết quả lạc quan, Triệu Trung Kiên trầm lại, lắng xuống, trau dồi tích lũy thêm năng lượng, chực chờ cơ hội bùng nổ mới. Tự nhủ rằng: "Nhìn lại quá trình sáng tạo và khát khao cống hiến, tôi thường nói vui với đồng nghiệp: Mình tiến bộ được vài bước, thực tại bỏ xa mình cả chục bước. Đấy là với đầu óc cách tân, còn bảo thủ thì không biết xã hội dời xa ta đến nhường nào". Đang ở độ tuổi sung sức, tràn đầy nhiệt huyết, lại đang tụ hội cả thiên thời địa lợi nhân hòa, Triệu Trung Kiên hứa hẹn sẽ còn nhiều bứt phá, những bước đi mạnh mẽ táo bạo hơn, không chỉ để sân khấu cải lương mà anh coi là lẽ sống sống đẹp hơn giữa đời thường, "sân khấu cải lương rực rỡ hơn giữa cuộc sống đương đại" mà để chính cuộc đời anh cũng đẹp hơn, đáng giá hơn gấp bội lần...