Những người con của thiên nhiên

Khu tự trị Khanty-Mansi ở vùng đồng bằng phía tây Siberia nổi tiếng là một trong những khu vực sản xuất dầu chính của Nga. Nhưng khi đến đây, những mỏ "vàng đen" chằng chịt đường ống không làm tôi tò mò như là văn hóa và con người hai dân tộc Khanty và Mansi bản địa, vốn vẫn được gọi là "những người con của thiên nhiên".
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả (bên phải) trong trang phục mùa đông của người Mansi.
Tác giả (bên phải) trong trang phục mùa đông của người Mansi.

Rừng là nhà, sông cũng là nhà

Từ xa xưa, người Khanty và Mansi đã sinh sống ở các khu vực giữa dãy núi Ural và sông Ob. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của hai tộc người phương Bắc này, song các nhà nghiên cứu nhất trí quan điểm, rằng văn hóa Khanty và Mansi tiếp thu truyền thống của các bộ tộc Taiga địa phương và các dân tộc đến từ phía nam.

Khu tự trị Khanty-Mansi đang có hơn 30 nghìn người Khanty, Mansi và Nenets sinh sống, chiếm khoảng 2% dân số khu vực nổi tiếng với ngành công nghiệp dầu mỏ này của Nga. Trong đó, khoảng năm nghìn người vẫn sống theo cách truyền thống.

Ngôi làng Tyamka cách thành phố Khanty-Mansiysk hàng trăm cây số. Cách đây ba năm còn khó tìm thấy địa chỉ này trên bản đồ, vì chỉ có hai gia đình Khanty định cư ở đó. Họ sống hòa vào thiên nhiên và học cách làm hàng xóm với những công nhân dầu mỏ. Những công nhân này ghé thăm họ, hỏi han, và đôi khi mang đến một vài món quà.

Tatyana là một trong ba chị em gái trong gia đình. Khi được hỏi rằng, cuộc sống có tốt hơn không khi trong vùng xuất hiện những công nhân dầu mỏ, cô cười bẽn lẽn: Chúng tôi từng sống mà không có những vị khách đó, nhưng họ tới cũng mang lại nhiều hỗ trợ, nhất là về xăng dầu. Trước đó, gia đình Tatyana chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Giờ thì họ có xe trượt tuyết và điện cũng thắp sáng khu làng.

Tatyana từng đến Khanty-Mansiysk, nhưng cô không ở lại đó, vì "ở nhà tốt hơn". Người Khanty bản địa như gia đình Tatyana săn bắt quanh năm, chăn tuần lộc, đánh cá, hái quả, tự nướng bánh mì... Khu nhà của gia đình Tatyana nhỏ bé, nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Căn nhà gỗ truyền thống giờ đã có mái kim loại và lắp cửa sổ kính. Cỏ được cắt xén, hoa mọc trước nhà. Họ như đang ở một nơi nào đó rất xa nền văn minh thường nhật. Sau nhà, quang cảnh mở ra như truyện cổ tích. Rẽ phải, đi vào rừng. Rẽ trái, là xuống sông. Với họ, rừng là nhà và dòng sông cũng là nhà.

Với những dân tộc bản địa phương Bắc, nhiều nhà nuôi chó để ngăn gấu đến khu vực họ sinh sống. Gấu có thể sợ đàn chó, nhưng các loài gặm nhấm thì không nên ngũ cốc, đường, muối được gia đình cất trong kho, nằm chễm chệ trên bốn chiếc cọc gỗ cao.

Lyudmila, một cô gái khác trong gia đình chỉ học đến lớp 7 song không hối tiếc chút nào: "Tôi biết đọc và viết. Thế là đủ". Lyudmila cố gắng duy trì truyền thống của tổ tiên mình. Cô biết tiếng mẹ đẻ, biết thêu trang phục bằng hạt cườm và đan giỏ bằng vỏ cây bạch dương. "Các cô gái đi học, nhìn thấy các thành phố lớn và không còn muốn trở về nhà. Và các chàng trai không còn ai để kết hôn", cô phàn nàn.

Lyudmila kết hôn năm 26 tuổi. Sau khi lấy chồng, cô vẫn thường xuyên về thăm bố mẹ. "Vào mùa đông, bão tuyết ập đến nhanh lắm. Ra khỏi nhà vào buổi sáng, có khi buổi tối mới đến nơi", cô nói. Cô không sợ cái lạnh dữ dội, cũng không cho phép nghĩ về những chuyện có thể xảy ra trên con đường mịt mù băng giá, khi cái lạnh có thể xuống dưới -60 độ C.

Những người con của thiên nhiên ảnh 1
Khu nhà mùa hè của dân tộc thiểu số phương Bắc.

Nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống

Nếu có mặt ở thành phố Khanty-Mansiysk mà không thể đến những ngôi làng như chỗ Tatyana sinh sống, thì có thể ghé Bảo tàng Dân tộc học "Torum Maa". Những người sáng lập bảo tàng là đại diện giới trí thức Khanty và Mansi, với mục đích giới thiệu văn hóa tổ tiên họ với công chúng. Bảo tàng tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi thiêng, không xa nơi hợp lưu hai con sông Ob và Irtysh hùng vĩ. Cái tên "Torum Maa" trong tiếng Mansi nghĩa là "Vùng đất linh thiêng".

Trèo lên những bậc thang gỗ hai bên phủ đầy thông xanh, chúng tôi dừng chân nơi khoảng trống dưới chân đồi. Sergey Konev, người đàn ông 38 tuổi, dân tộc Komi, đón chúng tôi. Từ nhỏ, ông S.Konev đã trải qua gần 20 mùa hè ở khu làng ông bà, nơi nhiều người Mansi và Khanty sinh sống. Chỉ vào lò nướng bằng đất với thành dày cả gang tay, ông S.Konev bắt đầu câu chuyện.

Lửa có vai trò quan trọng đối với các dân tộc sống quanh khu vực sông Ob. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, đối với người Khanty và Mansi, lửa được xem là sinh vật sống, trú ngụ trong nhà, giúp duy trì sự an lành và bảo vệ con người khỏi bệnh tật. Không được phép đùa giỡn hay ném rác vào lửa, đặc biệt không được dùng dao và vật bằng sắt chọc vào lửa.

- Thế những người thợ rèn thì sao?-tôi hỏi.

Ông S.Konev đáp: Thợ rèn thì khác. Họ có quyền làm điều này. Những người thợ rèn được tin là mạnh hơn cả pháp sư, vì anh ta có thể lấy đồ vật ra khỏi lửa.

Chúng tôi đến trước khu nhà mùa hè của người Khanty, với điểm nhấn là ngôi nhà gỗ lớn, mái phủ vỏ bạch dương. Không móng, không trần. Một chiếc lò đất sét ở góc. Nhà mùa đông của người Mansi ấm áp hơn. Trong nhà, bày các loại quần áo làm từ lông tuần lộc, các đồ dùng từ gỗ, vỏ cây, da, xương, sừng... Chỉ vào chúng, ông S.Konev nhún vai: Trông có vẻ dễ dàng, nhưng đòi hỏi sự quan sát và kiến thức tốt về bản địa cùng đôi bàn tay khéo léo.

Trong nhà, đàn ông và phụ nữ có vị trí riêng. Trên tường bày các biểu tượng tôn giáo. Hướng về các vị thần linh, những người đàn ông thường không cầu nguyện để săn bắn thành công và đánh được nhiều cá, mà họ xin sự tha thứ vì đã sát sinh. Họ thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên, vốn nuôi sống họ.

Chuyến tham quan bảo tàng kết thúc bằng việc đi dọc con đường săn bắn. Nơi đây trưng bày các loại bẫy khác nhau của người Khanty và Mansi, vốn được xem là một trong những loại bẫy "nhân đạo" nhất. Theo ông S.Konev, những dụng cụ này sẽ khiến con vật chết ngay, không phải chịu đau đớn. Con đường cũng dẫn đến một nơi linh thiêng. Trong một khu đất nhỏ bao quanh bởi rừng thông, có bảy tượng gỗ. Đây là nơi người Khanty và Mansi cầu nguyện các thần linh, cảm ơn về sự giúp đỡ và cầu xin sự che chở. Tại thánh địa có lưu giữ hài cốt một con gấu, loài vật mà họ dành sự tôn trọng đặc biệt. Cuộc đi săn gấu luôn đi kèm những nghi lễ riêng.

Ông S.Konev tỏ ra phiền muộn, khi đề cập tương lai. "Vẫn có người ở lại nhà của họ, sống cuộc sống vốn có của họ. Nhưng không ít người trẻ đang xa dần những chiếc nhà gỗ của mình".

Nỗi lo ấy không chỉ của riêng ông S.Konev, mà của cả khu vực, của toàn liên bang. Nhưng bản thân ông S.Konev và người dân cũng có thể yên tâm phần nào, khi những giá trị truyền thống của các dân tộc Khanty và Mansi vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nghiên cứu, trong đó có việc tập trung bảo tồn ngôn ngữ.

Khu tự trị Khanty-Mansi có các cuộc thi ngôn ngữ dân tộc bản địa phía Bắc. Lãnh đạo khu vực nhấn mạnh, để cứu những ngôn ngữ đang bị đe dọa, cần sự tham gia tích cực của chính người bản ngữ. Chính quyền cũng tăng cường hỗ trợ vật chất cho học sinh người dân tộc bản địa, thưởng cho giáo viên nghiên cứu ngôn ngữ, phát hành phương tiện truyền thông bản ngữ... Từ điển của các dân tộc bản địa cũng đang dày lên. Hơn 8.000 mục từ của ngôn ngữ Khanty, Nenets và Mansi được hệ thống lại. Kho lưu trữ điện tử hơn 2.000 tác phẩm văn hóa dân gian cũng đã được hình thành...

Tìm hiểu cuộc sống các dân tộc thiểu số ở khu tự trị đã mang đến cảm nhận rõ hơn về những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa đa sắc tộc của Liên bang Nga. Nhìn cuộc sống của người Khanty và Mansi, không quá khi nói rằng những tộc người này thật sự là những đứa con của thiên nhiên. Họ không chỉ biết nhận từ mẹ thiên nhiên, mà còn tỏ lòng biết ơn vì những thứ được trao tặng để sinh tồn.

Những người con của thiên nhiên ảnh 2

Trẻ em Mansi. Ảnh | RUSSIA.TRAVEL