Những ngày hè đỏ lửa

Châu Âu đang trải qua những ngày nóng lịch sử. Và không chỉ là thời tiết, sức nóng còn đang lan sang nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Cháy rừng đe dọa nhiều nước châu Âu.
Cháy rừng đe dọa nhiều nước châu Âu.

1 Các nước châu Âu đang trải qua mùa hè nóng nhất trong 20 năm. Nước Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất mọi thời đại là 40 độ C, thậm chí có thời điểm hơn 40 độ C. Vùng Brittany ở Pháp cũng ghi nhận mức nhiệt tương tự trong những ngày qua. Nhiều nơi ở châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức, nhiệt độ cao trái với quy luật, lên tới 40-43 độ C. Tuần qua, Tây Ban Nha có mức nhiệt cao kỷ lục 47,3 độ C tại thị trấn Montoro.

Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo: Hơn một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước có nguy cơ bị hạn hán, do thiếu mưa và nhiệt độ cao như thiêu đốt. Tình trạng nắng nóng được dự báo kéo dài càng gây khó khăn cho việc kiểm soát cháy rừng đang lan rộng tại nhiều nước, cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Mực nước sông Danube đo được ở một số điểm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm ở một số khu vực. Trong vài ngày qua, cháy rừng ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã buộc hàng nghìn người dân và khách du lịch phải đi sơ tán, hàng trăm người già đã tử vong do sốc nhiệt.

2 Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đệ đơn xin từ chức, do chính phủ không nhận được sự ủng hộ từ Phong trào 5 sao (M5S) trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dù M5S cũng là một đối tác trong chính phủ liên minh. Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức của ông Draghi và yêu cầu ông kêu gọi đồng thuận trong quốc hội, nhằm tránh nguy cơ phải tổ chức bầu cử sớm trong bối cảnh đầy bất ổn hiện nay.

Các tổ chức kinh doanh và lãnh đạo các nghiệp đoàn cũng kêu gọi Thủ tướng Mario Draghi cân nhắc. Các thị trưởng của 110 thành phố ở Italy, trong đó có 10 đô thị lớn nhất, cùng gửi thư ngỏ đề nghị Thủ tướng Mario Draghi tiếp tục nắm quyền điều hành, và nhấn mạnh: Sự ổn định quốc gia là điều thiết yếu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận xét: Việc chính phủ liên minh có thể vượt qua những hiềm khích nội bộ để tiếp tục vận hành bất chấp những mâu thuẫn là điều ngày càng trở nên khó khăn, dẫn tới khả năng Italy lại phải tổ chức bầu cử trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

3 Trong bài viết trên tờ The Guardian của Anh, chuyên gia kinh tế Philip Inman lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng mạnh lãi suất trong tháng 7 có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi toàn cầu. Theo đó, khi FED tăng lãi suất, Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Để có lợi nhất, các nhà đầu tư phải bán đồng nội tệ và mua USD, khiến giá trị USD tăng "chóng mặt". Việc USD tăng giá khiến giá cả hàng hóa và nguyên liệu thô được định giá bằng USD, trong đó có dầu mỏ, trở nên đắt đỏ, kéo theo giá nhập khẩu tăng và gây ra lạm phát.

Ông Inman dự báo: Các thị trường mới nổi và đang phát triển trên thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng, nguy cơ một số nước châu Á và châu Phi có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đồng quan điểm trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá triển vọng kinh tế thế giới "đã xấu đi đáng kể" từ tháng 4 vừa qua, và không thể loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu trong năm 2023.

Những ngày hè đỏ lửa ảnh 1
Báo động khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nơi trên thế giới.

4 Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định: Tình trạng bất bình đẳng ở khu vực Trung Mỹ đang ở mức báo động. Những tòa nhà sang trọng mọc lên cạnh những khu ổ chuột tạm bợ, đường phố hiện đại ở những khu dân cư giàu có cùng tồn tại với những con phố bẩn thỉu là nơi sinh sống của nhiều người vô gia cư. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát.

UNDP cảnh báo: Những tiến bộ đạt được đầu thế kỷ 21 là không đủ để giúp Mỹ latin và vùng Caribbe thoát khỏi vị trí bất bình đẳng thứ hai trên thế giới, và là nơi có những nền kinh tế kém năng suất nhất. Phó Đại diện thường trú UNDP tại Panama Aleida Ferreyra cho rằng tình trạng này là do tập trung quyền lực vào tay một nhóm thiểu số, các chính sách bảo trợ xã hội phân tán và kém hiệu quả. Trong giai đoạn 2019-2021, hầu như tất cả các quốc gia Trung Mỹ đều có hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) vào khoảng 40-50, mức rất cao so mặt bằng chung thế giới.