Những kinh nghiệm nằm lòng

Khi bão số 4 tràn vào, do công tác di dời người dân, và yêu cầu dân tránh trú tại nhà được nhiều địa phương triển khai kiên quyết, cộng với ý thức tự phòng vệ của bà con được nâng cao, nên đã không xảy ra thiệt hại về người.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, với ảnh hưởng kéo dài của bão, gây mưa lớn, lũ quét, lũ ống, ngập lụt… ở một số tỉnh bắc miền trung, dẫn đến đã có nhiều nhà cửa, phương tiện bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Rất đau lòng là có một số người thiệt mạng, mất tích. Xác định ban đầu, thiệt hại về người là do có tình trạng người dân băng qua đập tràn lúc nước xiết, hay đánh bắt cá ở khu vực nguy hiểm…

Điều này lần nữa nhắc nhở các cơ quan chức năng địa phương, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai ở cơ sở trong việc bám sát địa bàn nhằm thông tin sớm, liên tục; ngăn chặn kịp thời những nguy cơ xảy ra thiệt hại đáng tiếc. Có thể với các hạng mục như đường sá, trụ sở, nhà cửa, thiết bị điện…, trong bối cảnh mưa, lũ, ngập dữ dội gây xói lở, sụt, đổ, bị cuốn, thì việc cứu chữa hay gia cố với sức người, sức phương tiện có hạn là khó khăn. Nhưng ở trường hợp người dân, là đối tượng có thể di chuyển, tự di chuyển, tiếp nhận thông tin thì việc bám sát để tuyên truyền đến tất cả mọi người, mọi gia đình là việc rất cần chú trọng mỗi ngày, mỗi lúc trong những đợt bão, lũ. Bởi thực tế cho thấy, diễn biến của thiên tai là rất nhanh, bất ngờ. Hôm trước thực hiện tốt, hôm sau chỉ lơ là một chút là hậu quả đã có thể xảy ra.

Tất nhiên, không thể không nói đến hạn chế trong nhận thức, ý thức chấp hành cũng như phòng vệ của một số người dân, hoặc một số trường hợp hy hữu, dẫn đến những hậu quả không đáng có về người. Bởi vậy, việc xảy ra tổn thất về người ngay sau khi những thành quả chống bão, giảm thiệt hại bước đầu đã được ghi nhận, rất đáng để tiếp tục rút ra những bài học đắt giá.

Đó là việc cần kiên quyết suốt từ đầu đến cuối đợt chống thiên tai, trong việc tuyên truyền, giám sát người dân nhằm giúp bà con chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng. Cũng như cần lường trước những khả năng có thể xảy ra trên địa bàn bị mưa, lũ, liên quan đến sự đi lại, làm việc, sản xuất của người dân, để giám sát, nghiêm cấm vãng lai, di chuyển ở những khu vực nguy hiểm; cũng như ngăn chặn những trường hợp cố tình.

Và việc không thể không làm tới đây, ở mỗi địa bàn, khu vực có thiên tai, bị thiệt hại về người và của, đó là vừa khắc phục hậu quả nhưng cũng cần tổ chức rút kinh nghiệm giữa chính quyền, cơ quan chức năng và người dân. Để nhận rõ, cụ thể cái được và chưa được ở mỗi bộ phận, thành phần khi đối mặt thiên tai. Sao cho những đúc rút, kinh nghiệm đó phải được nằm lòng trong mỗi người.