Những khoảng trống cần lấp đầy!

Sự tràn ngập sư tử đá Trung Quốc và những “linh vật” có nguồn gốc lai căng, không phù hợp văn hóa Việt Nam đã lên tới mức báo động. Sau công văn khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL), ngày 3-9, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự. Đâu là nguồn cơn của sự tiếp nhận văn hóa một cách méo mó như vậy?

Đôi sư tử đá canh cửa ở chùa Gia Quất, Long Biên (Hà Nội).
Đôi sư tử đá canh cửa ở chùa Gia Quất, Long Biên (Hà Nội).

Lời cảnh báo về sự tràn lan của sư tử đá từng được nhắc đến ngay từ tháng 9 năm ngoái, khi kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII sắp bắt đầu. Thời điểm đó, đại diện cho giới khoa học, ĐBQH Dương Trung Quốc chỉ rõ: “Với hình dạng gân guốc, dữ dằn và đầy đe dọa, mẫu sư tử đá này thường được sử dụng làm linh vật canh lăng, mộ tại phương Bắc - chứ không hề là biểu tượng của Phật giáo, hay là vật khước mang lại phúc, lộc như nhiều người thường tin”.

Vậy nhưng, sau gần một năm khiến báo giới và các nhà nghiên cứu... mỏi miệng, sư tử đá đến từ Trung Quốc ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc hơn bao giờ hết tại các cơ sở tín ngưỡng, di tích văn hóa hay trụ sở làm việc. Riêng đợt kiểm tra gần nhất của thành phố Hà Nội tại ba di tích, đã phát hiện gần chục đôi sư tử đá, thậm chí loại vật phẩm này còn được đặt ngay tại ban thờ! Một số hiện vật không phù hợp truyền thống đã, đang được di dời ra khỏi các di tích và Bộ VH,TT&DL quyết tâm từ nay đến cuối năm đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về Luật di sản, dẹp bỏ hết linh vật ngoại lai khỏi các di tích, đình, đền, chùa .

“Lỗ hổng” nhận thức

Ngay từ khi Bộ VH, TT&DL ra văn bản, dư luận lập tức chỉ ra hàng chục địa chỉ đang sản xuất và tiêu thụ khá lớn mặt hàng sư tử đá. Đơn cử mỗi tháng, chỉ riêng một xưởng sản xuất (tại những làng đá nổi tiếng thuộc Ninh Bình và Đà Nẵng) đã có thể gia công và tiêu thụ từ 15 đến 20 đôi.

Thậm chí, sự tràn ngập của những con sư tử đá tại các đô thị lớn đã dẫn tới một bài toán nho nhỏ, khi một số người còn mạn đàm về khả năng “tận dụng” những vật phẩm sẽ bị di dời trong tương lai. Theo ý tưởng ban đầu, toàn bộ số tượng này nên được chuyển về một công viên hoặc quảng trường lớn (có thể đặt tên là công viên Sư tử) để trở thành nơi mà cộng đồng tự chiêm ngưỡng và nhớ về những... ấu trĩ từng có của mình. Thế nhưng, với số lượng khổng lồ của loại vật phẩm này, kế hoạch trên xem ra khó thành hiện thực.

Theo giới nghiên cứu, sư tử đá Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trước. Đó cũng là thời điểm nền kinh tế của chúng ta đang phát triển mạnh, để rồi những nhu cầu về văn hóa và tâm linh cũng tăng dần. “Cũng rất khó giải thích rằng vì sao một sản phẩm như vậy khi vào Việt Nam lại được khoác lên mình những yếu tố trấn yểm, trừ tà, mang lại tài lộc... khác hẳn với chức năng gốc của nó” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế nhận xét. “Không loại trừ, có những cá nhân tự xưng là thầy đã tranh thủ tác động tới tâm lý nhiều người để thao túng, trục lợi bằng việc liên kết với những nơi sản xuất ra loại sư tử này”.

Nhưng dù vào Việt Nam theo con đường nào, rõ ràng sự xuất hiện của sư tử đá cũng diễn ra trên một “nền” chung: sự cảm tính, thiếu hiểu biết và có màu sắc đua đòi của một bộ phận lớn cộng đồng. Đáng ngại hơn, những hiện vật ngoại lai này lại lọt cả vào chùa chiền - nơi trên lý thuyết phải là không gian bảo tồn văn hóa bản địa tốt nhất của mỗi quốc gia.

“Đổ tội cho tâm lý a dua, học đòi hay nói rằng chùa chiền bây giờ được “thả nổi”, khách thập phương cúng tiến gì cũng nhận thì dễ quá. Thực tế, cái gốc của vấn đề nằm ở sự hiểu biết và nhận thức chung về văn hóa còn thấp” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét. “Sự phát triển quá nhanh của xã hội trên lĩnh vực kinh tế nhưng lại ít chú trọng tới văn hóa đã dẫn tới thực trạng như vậy. Nếu không khắc phục được điều này, những biện pháp xử lý về mặt hành chính đối với sư tử đá không thể có giá trị lâu dài”.

Và “khoảng trống” về vật phẩm văn hóa Việt

Cũng ngay sau khi công văn khuyến cáo về nạn sư tử đá được ban hành, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm đã lập tức có văn bản giới thiệu các mẫu linh vật Việt Nam cho hàng loạt sở văn hóa địa phương. Theo đó, hàng loạt mẫu tượng nghê, tượng sư tử Việt Nam, vốn phổ biến trong văn hóa dân gian từ thế kỷ XVII đến nay đã trở thành những “gợi ý” để thay thế cho mẫu vật ngoại lai đến từ phương bắc.

Thật ra, ngay trước văn bản này, các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật cũng đã lên tiếng khá nhiều về việc sử dụng những vật phẩm văn hóa thuần Việt như nghê, voi, rồng. Trong đó, hình tượng con nghê Việt Nam là “ứng cử viên” sáng giá nhất với những sáng tạo văn hóa độc đáo thuần Việt và các chữ Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh được ghi trong một số trường hợp.

Thậm chí, ngay với hình tượng sư tử đá, giới nghiên cứu cũng cho rằng các mẫu sư tử đá trong kiến trúc cổ Việt Nam hoàn toàn có thể là sự thay thế cho mẫu linh vật phương bắc. Theo PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ Việt Nam, những mẫu sư tử đá Việt Nam thời Lý - Trần thể hiện nghệ thuật điêu khắc tinh tế với phong cách khá “hiền lành”. Đặc biệt, tại thời Lý, sư tử thường xuất hiện với hình ảnh đội tòa sen, nâng bệ tượng Phật, được đặt tại Phật điện để biểu trưng cho sức mạnh của Phật pháp.

Thế nhưng, từ ý tưởng đến thực tế, khoảng thời gian để các “linh vật” thuần Việt bám rễ vào đời sống thường nhật rõ ràng còn khá dài. Đơn giản, cho tới trước khi những lời cảnh tỉnh về sự tràn lan của sư tử đá được đưa ra, gần như chưa có một mẫu nghê, lân, rồng, sư tử đá Việt Nam... nào từng xuất hiện trên thị trường theo cách ấy. Và dù có nhu cầu thật sự, người tiêu dùng sẽ phải mất một thời gian để chấp nhận những mẫu tượng này.

Sư tử đá đặt trước cổng đình Mộ Lao, Hà Đông (Hà Nội).

Thậm chí, theo một số chuyên gia mỹ thuật, những mẫu tượng thuần Việt có hoa văn đẹp, được chạm khắc cầu kỳ cũng cần được nghiên cứu để điều chỉnh sao cho dễ gia công và phù hợp tính chất của một sản phẩm ứng dụng. Điển hình, đầu năm 2014, một số tổ chức xã hội cũng đã nghiên cứu thiết kế để đưa ra các mẫu tượng của các danh nhân Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Võ Nguyên Giáp... nhằm phổ biến rộng rãi trong đời sống và thay thế cho những mẫu tượng Mozart, Voltaire, Napoleon Bonaparte hay Quan Công vẫn thường sử dụng. Tuy nhiên, nỗ lực này hiện vẫn dừng lại ở quá trình thử nghiệm - bởi các mẫu thiết kế nói trên đều được lấy theo những mẫu tượng đài có sẵn ngoài trời và ít nhiều cần tiếp tục điều chỉnh để có sự thích ứng với mọi không gian, từ tiền sảnh, phòng khách đến phòng làm việc.

“Đó là công việc của những chuyên gia tạo hình cũng như văn hóa nhằm tuyên truyền, giải thích và tác động dần dần tới nhận thức, giúp cộng đồng hiểu rõ và thay đổi. Bắt đầu từ bây giờ đã là muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không”, ông Dương Trung Quốc nhận xét. “Bởi về lâu dài, chúng ta cần xóa đi một thực tế buồn, rằng Việt Nam thường dễ dàng tiếp nhận ồ ạt những yếu tố văn hóa ngoại, nhưng lại không mấy thành công trong việc “xuất khẩu” sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt ra thế giới bên ngoài”.

“Đổ tội cho tâm lý a dua, học đòi hay nói rằng chùa chiền bây giờ được “thả nổi”, khách thập phương cúng tiến gì cũng nhận thì dễ quá. Thực tế, cái gốc của vấn đề nằm ở sự hiểu biết và nhận thức chung về văn hóa còn thấp” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.

Công văn số 2662 của Bộ VH, TT&DL gửi tới các cơ quan quản lý văn hóa với nội dung phản ánh hiện tượng nhiều địa phương “trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh”. Bên cạnh khuyến cáo không trưng bày, sử dụng và cung tiến những loại sản phẩm này, công văn trên cũng đề nghị gỡ bỏ các vật phẩm nêu trên tại những nơi đang sử dụng.

Có thể bạn quan tâm