Những giấc mơ héo úa…

Những năm gần đây, nhiều người coi Nhật Bản là nơi gửi gắm "ước mơ đổi đời". Ngoài lực lượng lao động đi theo con đường chính thống, rất nhiều bạn trẻ xuất ngoại bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có người "qua cửa" các công ty chưa được cấp phép. Và từ đó, nhiều hệ lụy đã diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động nước ngoài tại Nhật Bản thường phải làm những công việc nặng nhọc. Ảnh: NIKKEI
Lao động nước ngoài tại Nhật Bản thường phải làm những công việc nặng nhọc. Ảnh: NIKKEI

Như một cuộc đỏ đen

"Vất vả, lương thấp, mọi thứ chẳng như mong đợi!". Sỹ Đức - chàng trai trẻ đến từ Bắc Giang đã thốt như thế, khi sang Nhật Bản làm thuê với danh nghĩa "tu nghiệp sinh". Để chuẩn bị cho việc kiếm cơm ở xứ người, gia đình phải đóng số tiền cho công ty môi giới là 120 triệu đồng, chưa kể các chi phí ăn học trong thời gian chờ bay. Đức tâm sự: "Em được tuyển đi để làm công nhân cơ khí. Nhưng đến đây chỉ làm khuân vác đồ nặng, thời gian thường đến 15 giờ mỗi ngày, mà đồng lương eo hẹp, không đúng như trong hợp đồng".

Bạn của Đức là Phạm Minh Trung, đi theo sự môi giới của Công ty Tinphat (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), với đơn lái máy xúc. Nhưng đến Nhật Bản, Trung vô cùng thất vọng vì phải đi xách vữa, đổ bê-tông theo các công trình xây dựng. Trung giãi bày: "Chúng em phải dậy từ 5 giờ sáng để ra công trường. Đi làm nhiều hôm không được ăn trưa, nghỉ trưa và đến 8 giờ tối mới được dừng. Về đến công ty lại phải rửa đồ, rửa xe để hôm sau đi làm. Vậy là nhiều khi 11 giờ đêm mới được ngủ. Người lúc nào cũng mệt. Em ngày càng gầy tong teo. Đúng là hành xác. Một số anh đã bỏ ra ngoài, em vẫn cố làm vì gia đình vay tiền cho em sang đây".

Theo hợp đồng Trung ký với công ty là buổi sáng và buổi chiều được nghỉ 30 phút, có 60 phút để ăn trưa, nhưng thực tế các lao động Việt Nam phải làm thông trưa và chỉ nhận được mức lương 13 man (tương đương 26 triệu đồng tiền Việt Nam). "Thật ra đi lao động ở nước ngoài như đánh bạc vậy anh ạ. May mắn thì được công ty tốt, giám đốc tử tế. Nếu không thì gặp công ty xấu bóc lột đến giọt mồ hôi cuối cùng. Người gặp hoàn cảnh khó khăn bỏ trốn nhiều không kém số lượng người đi hợp pháp. Bây giờ thì em thấm thía, nhiều lúc nghĩ không biết mình đi để làm gì!", Trung tư lự.

Thu Hường, cô gái đến từ Nghệ An đã hơn ba năm nay ăn cơm xứ người. Suốt thời gian qua, cô phải làm việc cật lực với mức lương thấp. Hường chia sẻ: "Nếu ở Việt Nam em cố gắng 10, thì sang đây phải nỗ lực 100 lần. Ở nhà em có thể nói với mẹ: "Mẹ ơi, con mệt rồi!", thì ở Nhật Bản em không bao giờ dám kêu than mệt mỏi. Không một giây phút nào em cho bản thân nghỉ ngơi, bởi gia đình đang cần em gửi tiền về trả nợ…".

Nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn đi xuất khẩu lao động sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc) để kiếm tiền. Hầu hết là những người hoàn cảnh khó khăn, tin rằng nếu chăm chỉ làm việc vài năm sẽ có khoản tích lũy mà nếu ở Việt Nam phải làm việc cả đời mới tích cóp được. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là thiên đường như nhiều người nghĩ. Nghiêm Thị Hằng, quê ở Phú Xuyên (Hà Nội), lao động tại Nhật Bản chia sẻ: "Phần lớn tu nghiệp sinh Việt Nam đều được giao làm công việc chân tay vất vả. Nhiều người làm phu khuân vác và tháo dỡ ở công trường, thời gian đầu bị vẹo xương, kiệt sức phải đi truyền nước là chuyện bình thường. Nhưng ai cũng muốn tận dụng thời gian làm thêm, kiếm thêm tiền".

Theo tìm hiểu, tu nghiệp sinh là một hình thức thực tập kỹ năng, nơi mà các nghiệp đoàn lao động ở Nhật Bản giúp đỡ những người trẻ ở các nước đang phát triển như Việt Nam đến học hỏi kỹ năng làm việc tiên tiến trong các nhà máy hiện đại, để sau này về phục vụ đất nước. Thế nhưng, thực chất, bồi dưỡng tu nghiệp sinh chỉ là một thủ thuật "lách luật" để các công ty khai thác lao động (các nghiệp đoàn) trả lương người lao động ở mức lương tối thiểu theo luật pháp Nhật Bản, là cách tận dụng nhân công rẻ mạt từ nước ngoài.

Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?

Thời gian qua, có rất nhiều người xuất khẩu lao động "sập bẫy" của các công ty môi giới, hoặc công ty chưa được cấp phép hoạt động với mức chi phí cao. Nhiều người Việt Nam lao động ở nước ngoài gặp tai nạn lao động, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần. Theo quy định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản, doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ được phép thu phí với mức không quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm;không quá 1.200USD/người/hợp đồng một năm. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp thu gấp hai đến ba lần số tiền này.

Những vấn đề nhức nhối này các cơ quan chức năng có biết không? Trong Kết luận số 351/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm và sai phạm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho thấy chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản có rất nhiều thiếu sót.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Giai đoạn 2013-2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội "chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài"; "không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để có biện pháp đàm phán với nước ngoài nhằm giảm chi phí cho người lao động". Trong thời gian dài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội "không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến người lao động (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của thị trường tiếp nhận là không phải chi trả (Đài Loan-Trung Quốc, Nhật Bản)". Cục Quản lý lao động ngoài nước đã không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000-8.000USD/người). Cũng theo Kết luận thanh tra, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản; trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề tiền môi giới ở thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần rà soát, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường quản lý, bảo vệ lao động, cũng như siết chặt chế tài quản lý lao động bỏ trốn. Tại Hội thảo "Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp" diễn ra cách đây không lâu, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chỉ ra thực tế: "Lao động xa xứ nếu vướng rủi ro không biết nhờ cậy ai, chủ yếu tìm các hội đồng hương. Bởi vậy, cần có sự phối hợp giữa Công đoàn Việt Nam với công đoàn nước sở tại, tạo ra đầu mối nắm thông tin, để khi lao động gặp rủi ro là có người hỗ trợ".