Những câu chuyện hậu phương mùa dịch

NDO -

Chị em phụ nữ các cấp tại TP Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động trong những ngày qua nhằm góp chút sức lực vào công tác phòng, chống dịch của thành phố cũng như chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Dù nhỏ bé, nhưng ai cũng mong được đóng góp, chung tay để thành phố nhanh chóng trở lại những ngày tháng bình thường.

Phụ nữ An Hải Đông chuẩn bị các suất mì Quảng.
Phụ nữ An Hải Đông chuẩn bị các suất mì Quảng.

Ăn xong bữa trưa, cô Phạm Thị Minh Chỉ (72 tuổi) cùng con dâu nhanh chóng chuẩn bị đồ ăn, thịt, tôm để nấu 60 suất mì Quảng chiều cho lực lượng trực tại các khu phong tỏa. Cô là Chi hội phó Chi hội phụ nữ 6A, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà). Hôm nay tới phiên chi hội 6A thực hiện, nhưng không thể tập trung quá đông người nên cô huy động cả gia đình cùng vào bếp. 16 giờ, có thêm một số chị em hội viên có mặt phụ cô chia các suất ăn, bỏ vào thùng để kịp vận chuyển đến 12 điểm trực chốt trên toàn phường. “Cô có nghề nấu mì Quảng nên đã đăng ký làm ngay, từ những lần dịch trước đến nay rồi. Xưa còn trẻ thì mình xung phong đi trước, có hậu phương hỗ trợ phía sau, nay lớn tuổi rồi, không thể đứng trực chốt như các cháu thì mình lại lùi về làm hậu phương, hỗ trợ cho lớp trẻ để cùng chống dịch” - cô Minh Chỉ, người cựu chiến binh tâm sự.

Sau khi trên địa bàn phường có một số vùng cách ly tập trung, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường An Hải Đông đã đăng ký thực hiện những suất ăn cho lực lượng trực chốt. Mỗi ngày thực hiện một bữa ăn, tùy điều kiện của từng chi hội. Có khi là những suất bún ăn sáng, hoặc bữa cơm trưa, cơm tối; có ngày là những suất bánh bao, bánh mì, sữa cho ca trực xuyên đêm. Số kinh phí thực hiện được vận động từ các hội viên và các đơn vị. Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Đông Đinh Thị Sơn Ca cho hay: “Hiện tại chúng tôi đang thực hiện hỗ trợ suất ăn tại sáu khu cách ly với 12 chốt trực, mỗi bữa nấu trung bình 60 suất ăn. Hoạt động của chị em sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi các khu vực trên được dỡ phong tỏa và không có thêm vùng cách ly mới trên địa bàn phường”.

Những câu chuyện hậu phương mùa dịch -0
 Hỗ trợ suất ăn cho lực lượng trực chốt phong tỏa.

Còn tại Hội LHPN xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) vừa thực hiện mở hũ gạo tình thương và đập con heo tiết kiệm tại 13/13 chi hội. Với số tiền có được, các chị đã mua và vận động được 475 kg gạo, 370 con gà giống để trao cho 13 chị hội viên nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế.

Ngoài ra, 13/13 chi hội của xã Hòa Phong cũng đã tiếp tục phát động phong trào thu gom phế liệu gây quỹ “Ươm mầm trạng nguyên”. Kết quả lũy kế đến thời điểm này là hơn 10 triệu đồng, số tiền này sẽ được sử dụng nhằm động viên con em có thành tích học tập khá giỏi và học sinh nghèo vượt khó hiếu học năm 2021.

Tại thôn La Bông, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, cô Lê Thị Đắc đang vui mừng khi vườn bí đao năm nay của gia đình được mùa. Vậy nhưng, tới ngày thu hoạch thì dịch bệnh xuất hiện, những hộ buôn đặt mua bí của cô cũng dừng lại do khó tiêu thụ, cô cũng không thể ra chợ bán như trước. Hơn 500 kg bí đao của gia đình đứng trước nguy cơ tồn đọng, trong khi đây là công việc chính của cô. Chồng không may bị ung thư, gia đình sống vào thu nhập từ làm nông.

Những câu chuyện hậu phương mùa dịch -0
 Phụ nữ Hòa Phong mổ heo đất chia sẻ khó khăn cùng hội viên.

Không chỉ cô Đắc mà khoảng 10 hộ khác của xã cũng đang gặp tình trạng như trên với các nông sản như bí đỏ, bí đao, ớt xanh… Nắm bắt được tình hình trên, hội viên Hội LHPN xã Hòa Tiến đã phối hợp Hội Nông dân xã giải cứu nông sản, chia sẻ khó khăn cùng bà con nông dân. Chỉ trong mấy ngày, 400 kg bí đỏ, 700 kg bí đao và 65 kg ớt đã được kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ. Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến - Hồ Thị Lai cho biết: “Các hội viên của xã đều chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập chính mùa này cũng là những sản phẩm nông sản. Việc tồn ứ không chỉ làm hư hỏng các loại quả mà còn mất thu nhập của bà con, nên chúng tôi chỉ muốn giúp cho hội viên của mình vượt qua được giai đoạn này. Thời gian tới nếu tình hình dịch vẫn còn ảnh hưởng nhiều tới việc buôn bán, tiêu thụ thì hội vẫn tìm cách để gỡ khó cho bà con”.

Mỗi địa phương lại có những câu chuyện khác nhau xảy ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt này, dù lớn hay nhỏ, các chị em hội viên phụ nữ các cấp cũng đều nhanh chóng có mặt, đồng hành để chia sẻ cùng người dân, cùng thành phố vượt qua khó khăn này.