Các nước trong liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đều nhất trí rằng, điều quan trọng cấp thiết lúc này là tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến Xy-ri, một môi trường “nuôi dưỡng” khủng bố. Mặc dù cuộc chiến chống IS của liên quân đang có những bước tiến triển với việc giành lại 40% lãnh thổ mà IS chiếm đóng ở I-rắc và 20% ở Xy-ri, song mối đe dọa vẫn khôn lường khi IS tiếp tục tuyển mộ các chiến binh và cắm chân rết ở nhiều khu vực, quốc gia, trong đó có Áp-ga-ni-xtan và Li-bi.
Bị các cuộc không kích ở Xy-ri và các chiến dịch quân sự quyết liệt của quân đội I-rắc đẩy lui, IS đang muốn bù đắp tổn thất bằng các cuộc tiến công khủng bố quốc tế và mở rộng vùng lãnh thổ ở Li-bi, Y-ê-men, Áp-ga-ni-xtan… Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài có thể khiến Li-bi trở thành đại bản doanh mới của IS, đe dọa an ninh toàn khu vực Bắc Phi cũng như châu Âu, lục địa chỉ cách đó hơn 300 km. Lo ngại về một sào huyệt mới của IS đang được thiết lập tại Bắc Phi, các nước láng giềng của Li-bi gần đây gia tăng chiến dịch truy quét khủng bố. Lực lượng an ninh An-giê-ri vừa bắt giữ 32 thành viên của một nhóm khủng bố có quan hệ với IS. Tuy-ni-di, quốc gia có hơn 5.500 công dân đã gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan tại I-rắc, Xy-ri và Li-bi, cũng tiêu diệt và bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi là các phần tử thánh chiến.
Mỹ và I-ta-li-a đều cảnh báo IS đang mở rộng hoạt động chiếm đóng sang Li-bi và lên kế hoạch khủng bố nhằm vào phương Tây. Trước nguy cơ lớn ở Li-bi, I-ta-li-a chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng được giao trọng trách đứng đầu lực lượng can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma mới đây cũng tuyên bố sẽ hành động chống mối đe dọa từ IS ở Li-bi nếu cần thiết. Tình báo Mỹ đẩy nhanh việc thu thập thông tin về hoạt động của IS ở Li-bi. Chiến dịch quân sự có thể bao gồm không kích và việc triển khai lực lượng đặc nhiệm cũng đã nằm trong “kịch bản”.
Cuộc chiến chống IS đã buộc Mỹ phải đưa thêm binh sĩ tới Trung Đông sau khi rút quân hoàn toàn khỏi I-rắc hồi cuối năm 2011. Lầu năm góc mới đây cho biết, số binh sĩ Mỹ được triển khai tại I-rắc hiện tăng lên 3.870. Mặc dù Nhà trắng chủ trương không lún sâu vào “vũng lầy I-rắc” và mọi chiến dịch chỉ dừng lại ở các cuộc không kích, song những khó khăn trên mặt trận chống IS buộc Mỹ phải điều thêm hàng chục lính đặc nhiệm tới hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại. Với tổng chi ngân sách của Mỹ cho cuộc chiến chống khủng bố năm 2017 dự kiến là 7,5 tỷ USD, tăng 50% so năm 2015, Mỹ sẽ chi thêm 1,8 tỷ USD cho lĩnh vực quân sự nhằm đẩy mạnh hoạt động chống IS tại I-rắc, Xy-ri và ngăn chặn sự mở rộng của IS sang Li-bi. Chính phủ Anh cũng quyết định mở rộng quy mô các chiến dịch không kích từ I-rắc sang Xy-ri nhằm hỗ trợ tích cực cho đồng minh. Trong khi đó, tại hội nghị cấp cao hẹp giữa Bỉ và Pháp về chống khủng bố mới đây, hai nước tuyên bố sát cánh và quyết tâm đối phó chủ nghĩa khủng bố. Pháp từng chỉ trích Bỉ thất bại trong hỗ trợ ngăn chặn loạt vụ tiến công khủng bố đẫm máu làm 130 người chết ở thủ đô Pa-ri hồi tháng 11 năm 2015.
“Vòi bạch tuộc” của IS đã vươn tới nhiều nơi và trở thành mối đe dọa lớn. Việc chính quyền B.Ô-ba-ma để ngỏ khả năng mở thêm mặt trận thứ ba chống IS cho thấy cuộc chiến này đã diễn biến khó lường và vượt khỏi những tính toán của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, bất cứ hành động quân sự nào cũng có thể là “dao hai lưỡi” nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, khi mà vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bạo lực, xung đột chính là thủ phạm để IS có đất phát triển.