Nhu cầu thay đổi

Những thay đổi lịch sử, những hoạt động lần đầu diễn ra sau nhiều năm khắc họa rõ thêm một thế giới đầy biến động và bất ổn. Điều này đòi hỏi các nước phải có những thay đổi chính sách linh hoạt và phù hợp.

Pháp có nữ Thủ tướng mới sau 30 năm.
Pháp có nữ Thủ tướng mới sau 30 năm.

1 Trong tuần qua, hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức xác nhận sẽ xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái mới đánh dấu bước chuyển quan trọng về chính sách của hai quốc gia vốn luôn duy trì quan điểm trung lập, tránh tham gia các liên minh quân sự.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thông báo về các kế hoạch gia nhập NATO và nhận được câu trả lời rằng quyết định này sẽ làm tổn hại quan hệ song phương. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc hai nước Bắc Âu không thể đưa ra lập trường rõ ràng về việc chống khủng bố. Tuy nhiên, các nước phương Tây đánh giá tích cực quyết định của Thụy Điển và Phần Lan. Mỹ, Anh, Pháp, Canada hoan nghênh hai quốc gia Bắc Âu tham gia liên minh quân sự, đồng thời khẳng định tin tưởng vào chính sách mở cửa của NATO cũng như quyền của từng nước được lựa chọn chính sách đối ngoại và những cam kết an ninh của mình.

2 Sau đúng 30 năm, nước Pháp có nữ Thủ tướng mới. Điện Elysee thông báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne làm tân Thủ tướng nước này, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị thủ tướng kể từ năm 1992.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron. Động thái của ông Castex đã mở đường cho một cuộc cải tổ chính phủ được trông đợi từ lâu của Tổng thống Macron, người sau khi tái đắc cử vào tháng 4 đã nói rằng chính phủ mới nên mang tính "tập trung" hơn, với ít bộ trưởng hơn. Trong bài phát biểu mới nhất, bà Borne đã đề cập tới một số ưu tiên trong chính sách sắp tới, như về thương mại hay chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bà cũng muốn truyền cảm hứng cho tất cả các trẻ em gái theo đuổi ước mơ của mình. 

3 Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng một số quy định, vốn được áp đặt dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump liên quan việc đi lại tới Cuba, cũng như hoạt động chuyển tiền giữa các gia đình ở hai nước. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ việc nới lỏng lệnh cấm vận đối với La Habana cũng bao gồm việc tăng mạnh lượng thị thực được cấp cho người dân Cuba.

Bên cạnh đó, Washington cũng cho biết sẽ tạo điều kiện kết nối giáo dục giữa hai nước, cũng như hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu, trong đó có việc hỗ trợ mở rộng quyền tiếp cận internet cũng như các công ty giao dịch chuyển tiền. Để thúc đẩy dòng kiều hối, Chính phủ Mỹ sẽ dỡ bỏ quy định mỗi người chỉ được gửi tối đa 1.000 USD/quý, cũng như cho phép những người không cùng một gia đình hỗ trợ các doanh nhân tư nhân Cuba. Đây được coi là những thay đổi quan trọng nhất trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Cuba kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Ngay sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố trên, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là "bước đi nhỏ đúng hướng".

Nhu cầu thay đổi -0
Hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động. 

Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em đã chính thức khai mạc tại thành phố cảng Durban của Nam Phi. Đây là lần đầu hội nghị được tổ chức tại một nước châu Phi nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, đồng thời, cũng đánh giá lại những tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan lao động trẻ em. Hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động, trong khi hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11. 

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 20/5 với việc thông qua Kêu gọi Hành động Durban về xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm mục đích tạo ra một cam kết mới và tăng tốc giữa các chính phủ và các bên liên quan khác hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Đây cũng là sự kiện chuẩn bị cho ngày 12/6, Ngày nhận thức toàn cầu về lao động trẻ em.