Vượt lên thương tật, làm kinh tế giỏi

Lao vào thương trường nhưng ông Tạ Quang Uẩn, Giám đốc Công ty xây dựng Phong Cảnh vẫn vẹn nguyên cốt cách của anh Bộ đội Cụ Hồ, khảng khái, bản lĩnh vững vàng, không quản ngại khó khăn, gian khổ vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay và khối óc của mình.

Ông Tạ Quang Uẩn (phải) chỉ đạo nhân viên công ty triển khai hợp đồng với đối tác.
Ông Tạ Quang Uẩn (phải) chỉ đạo nhân viên công ty triển khai hợp đồng với đối tác.

Nhiều người biết đến ông Uẩn không chỉ là một thương binh, doanh nhân giỏi kinh doanh mà còn giàu lòng nhân ái.

Thời hoa lửa

Tròn 20 tuổi, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, chàng thanh niên Tạ Quang Uẩn từ quê nhà Thượng Giáp, Thống Nhất, Thường Tín (Hà Nội) xung phong đi bộ đội. Năm 1972, chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt nhưng không làm nao núng tinh thần hăng say chiến đấu, Uẩn cùng anh em xông pha, can trường đối mặt với bom rơi, đạn lạc. Nhiều chiến sĩ anh dũng ngã xuống, Uẩn là một trong số ít còn lành lặn sau những trận chiến vô cùng tàn khốc.

Đầu năm 1973, sau hai tháng hành quân, Uẩn vào tới chiến trường miền nam làm lính thông tin trung đoàn 1 Đồng Tháp anh hùng, đảm nhiệm việc bí mật rải dây thông tin trước mỗi trận chiến để bảo đảm thông tin thông suốt. Mảnh đất đồng khởi Bến Tre kênh, rạch chằng chịt, trên trời máy bay địch điên cuồng rải thảm chất độc da cam, trút mưa bom B52, dưới bộ binh càn quét. Chiến sĩ trẻ và đồng đội vượt mọi gian khó, sáng tạo nhiều cách đánh hay, tập kích đánh tỉa từng bốt khiến quân địch thiệt hại nặng nề, tiêu diệt hai tiểu đoàn địch nổi tiếng ác ôn. Lính chiến xa nhà, anh em thương yêu nhau như người một nhà, một điếu thuốc chia nhau hút.

Trên trận tuyến "một mất, một còn" cam go, bên cạnh chiến công còn không ít tổn thất. Mỗi lần nghe tin đồng đội hy sinh, lòng Uẩn như quặn thắt. Có những chiến sĩ mới tròn tuổi 20, vừa bổ sung vào đơn vị được mấy hôm đi chiến đấu đã vĩnh viễn không trở về. Đêm 31-12-1974, khi đang hành quân, tám người trong trung đoàn bị địch phục kích dính mìn ngay rìa lộ. Khi anh em mang xác về chuẩn bị đem chôn bỗng nghe tiếng ú ớ kêu đau. Giữa đêm tối, đồng đội soi đèn phát hiện duy nhất Uẩn còn sống vì bị thương nặng. Chiến sĩ Lê Văn Mỳ nhanh chóng cởi áo băng bó vết thương, đưa về dân y huyện Mỏ Cày sơ cứu tạm thời rồi chuyển sang trung đoàn bộ mổ cấp cứu, nối ruột, ba ngày sau mới tỉnh. Chỉ vào vết mổ đã thành sẹo lồi trên bụng, ông Uẩn phân trần hồi đó thiếu thốn trăm bề, phẫu thuật trên chiếu, nước dừa thay nước cất tiêm, truyền chống nhiễm trùng. Bốn tháng sau vết thương lành cũng vừa lúc đất nước toàn thắng. Ngày 2-5-1975, giữa Sài Gòn, ông và đồng đội ôm nhau khóc vì vui sướng tột độ.

Vượt khó làm giàu

Trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 38%, nhiễm chất độc da cam tỷ lệ 41%, vết thương ở bụng cùng viên đạn nằm trong cổ tay âm ỉ hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông Uẩn vẫn thấy mình may mắn bởi còn sống sót sau nhiều lần chết hụt. Thời bao cấp, gia đình đông anh em, cái đói, cái nghèo bủa vây, ông Uẩn hăng hái làm phó bí thư xã đoàn, rồi lăn lộn xoay xở, lam lũ sinh nhai. Để kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình, năm 1999 ông Uẩn xin xã nhận khoán làm lò gạch. Đóng gạch thủ công, đốt lò độc hại, vất vả, thu nhập chẳng nhiều nhưng ông chẳng nề hà. Vốn nhanh nhạy, năm 2009 ông Uẩn thành lập Công ty xây dựng Phong Cảnh chuyên cung cấp gạch, cát, đá bởi suy nghĩ người giàu hay nghèo đều cần có nhà, nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, nhất là khi kinh tế khấm khá hơn, không lo thất nghiệp. Dốc hết vốn liếng được hơn 600 triệu đồng mua sáu xe tải IFA chở hàng, ông Uẩn bàn với vợ con vay ngân hàng để kinh doanh. Sau khi ký được hợp đồng duy tu bảo dưỡng đường Tía Rấp, dư lãi hơn một tỷ đồng, thừa thắng xông lên, công ty dần tạo lập được uy tín, thu hút thêm nhiều dự án lớn, cung cấp nguyên vật liệu cho các tổng công ty, công ty trên địa bàn thành phố. Ông bán hết xe cũ, thay mới tám xe, mua máy xúc, máy ủi trả góp. Ông tự nhận mình là "con nợ chuyên nghiệp", tám sổ đỏ của gia đình đều nằm trong ngân hàng và nhẩm tính năm qua đã cung cấp khoảng 180 nghìn m3 cát, 200 nghìn m3 đá, hơn 2,5 triệu viên gạch xây.

Thương trường khốc liệt không kém chiến trường, có lúc lãi đỉnh điểm lên đến 20%, phải nuôi nợ, nuôi lãi nhưng ông Uẩn vẫn quyết tâm. Để cạnh tranh, giá thành phải rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, thế nên không ít đơn hàng ông cho xe đến tận nơi mua chở đến nơi đổ, chỉ lãi cước vận chuyển. Có lúc gặp đối tác làm ăn không sòng phẳng, "bùng" nợ cả tỷ đồng nhưng rủi ro đó càng khiến ông dạn dày kinh nghiệm, cứng rắn hơn. Thành công hôm nay là nhờ nhạy bén chọn trúng ngành nghề kinh doanh, cần cù, bền chí, trọng chữ tín và một chút máu liều, ông Uẩn đúc rút.

Bên cạnh được chính quyền các cấp tạo điều kiện đặt hàng một số công trình, ông Uẩn luôn năng động tìm mối hàng, áp dụng cả công nghệ cao để quản lý hành trình vận chuyển. 28 nhân viên (chiếm một nửa là con em cựu chiến binh) luôn được trả lương thỏa đáng nên toàn tâm, toàn ý với công ty. Nguyễn Văn Quang, nhân viên kỹ thuật công ty chia sẻ, luôn thán phục sức làm việc và đầu óc nhạy bén, năng động, trong quản lý, điều hành của vị giám đốc tuổi xấp xỉ thất thập. Gần 30 phần thưởng, bằng khen, danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc mà các cơ quan trung ương và các ngành, các cấp, địa phương vinh danh, khen thưởng là những ghi nhận cho quá trình nỗ lực cống hiến của người thương binh tàn nhưng không phế. Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất Lưu Tuấn Hiệp đánh giá cao những đóng góp tích cực của ông Uẩn trong xây dựng nông thôn mới xã nhà, công ty ứng vốn thi công nhiều công trình hạ tầng đạt tiến độ, chất lượng như đường vào Đền Đông Bộ Đầu, Nhà văn hóa thôn Hoàng Xá; Trường cấp 2 Thống Nhất...

Nghĩa tình đồng đội

Làm ăn khấm khá hơn, ông Uẩn đóng góp ủng hộ nhiều hoạt động, phong trào nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, đơn giản chỉ bằng cái tâm, chia sẻ cho những người còn khó khăn, khổ sở hơn mình. Người dân nhắc đến ông bằng tấm lòng cảm mến, khâm phục bởi những nghĩa cử cao đẹp, việc làm nhân ái thiết thực giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó, cùng bà con đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Từng vào sinh ra tử, trân trọng sự hy sinh xương máu của những người lên đường chiến đấu vĩnh viễn không trở về, thấm thía cái đói, cái nghèo, gia đình ông luôn là nhân tố tích cực ủng hộ các quỹ "Vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa" và phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương và thành phố. Của ít lòng nhiều, những món quà tuy nhỏ nhưng chan chứa nghĩa tình. Ông tài trợ cả chuyến xe cho đồng đội thăm lại chiến trường Quảng Trị, tới nghĩa trang liệt sĩ thắp nén hương tưởng nhớ và tìm được hài cốt ba người đồng đội mà ông trực tiếp chôn cất tại Quảng Bình. "Đồng đội hy sinh, gia đình họ mất con, mất chồng rất thiệt thòi, bà con xóm giềng còn nghèo khó, mình ăn nên làm ra sẻ chia đồng tiền, bát gạo giúp họ phần nào vơi bớt nỗi đau khốn khó. Liên hoan xóm, thôn, mình đóng góp một chút ủng hộ cũng giúp mọi người thêm vui, bữa cơm thêm ngon, không khí thêm ấm áp, sôi nổi", ông Uẩn bộc bạch.

Thấm thoát chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng trong ký ức của người lính năm xưa vẫn luôn trăn trở, canh cánh nỗi niềm chưa có dịp tri ân đồng đội. 30 năm sau ngày được cứu sống, ông Uẩn mới có dịp gặp lại hai người đồng đội đã xả thân cứu mình, để sau đó biến ước nguyện tổ chức buổi gặp mặt tri ân đồng đội thành hiện thực. Hội trường chật kín, 70 anh em cùng đơn vị và bạn bè cùng nhập ngũ gặp nhau tay bắt mặt mừng, rưng rưng xúc động ôn lại thời đói cơm, thiếu muối nhưng "đã xông trận là trăm người như một", cuộc sống đời thường tuy còn khó khăn nhưng vẫn giữ trọn bản lĩnh trung kiên của người lính Cụ Hồ. Không khí đầm ấm, thắm đượm nghĩa tình đồng đội keo sơn, sắt son với những nụ cười, cái ôm thật chặt.

Vết xăm 25-5-1972 - ngày ông lên đường chiến đấu lưu giữ trên cánh tay luôn nhắc nhớ về một thời hoa lửa và niềm hạnh phúc trào dâng sau buổi tri ân tiếp thêm sức mạnh để người thương binh giàu lòng nhân ái không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trên mảnh đất quê hương, có thêm điều kiện làm nhiều việc thiện trả ơn cuộc đời, không phụ niềm tin yêu của đồng đội, bà con lối xóm.