Sống đẹp

Sáng chế hữu dụng cho cộng đồng

Nhiều người bất ngờ khi tác giả của sáng chế bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2 là một sinh viên năm cuối đại học Trịnh Thanh Tùng. Dự án SAFELUNG của anh được đánh giá ý tưởng độc đáo, kịp thời và đặc biệt thiết thực, hữu ích cho cộng đồng. SAFELUNG thành công, lọt vào Top 4 dự án xuất sắc nhất khu vực phía bắc tại Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2020 (VSIC).

Với nỗ lực không ngừng, Trịnh Thanh Tùng đã hoàn thành chương trình Đại học trước thời hạn.
Với nỗ lực không ngừng, Trịnh Thanh Tùng đã hoàn thành chương trình Đại học trước thời hạn.

Trịnh Thanh Tùng vừa tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Anh vốn là gương mặt tiêu biểu và khá thân thuộc với cộng đồng sinh viên điện tử viễn thông, ngành mà anh đang theo học, bởi từng tham gia nhiều dự án khoa học cũng như các hoạt động cộng đồng. Vốn thích tìm tòi nghiên cứu, đam mê sáng tạo, Tùng đã tham gia rất nhiều cuộc thi về công nghệ và cũng có duyên với các giải thưởng lớn nhỏ. Trong mấy năm đại học, bốn lần liên tiếp Tùng được nhận học bổng năng lượng tương lai AES. Tuy số tiền không lớn nhưng đối với Tùng, khoản tài chính này thật sự có ý nghĩa trong hành trình học tập và đặc biệt thời điểm cuối dự án SAFELUNG của anh. Nhờ có nó, anh có cơ hội để tiếp tục nghiên cứu, triển khai dự án.

Sinh ra trong gia đình làm nông ở tỉnh Quảng Ninh, lên Hà Nội học, cũng như nhiều bạn trẻ khác, ngoài giờ học, Tùng tranh thủ làm thêm không nề hà việc gì, từ bán đồ thời trang nữ, dạy gia sư, giao hàng... nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Bạn bè vẫn nhắc đến Tùng với hình ảnh ngồi trên yên xe đạp cà tàng. Chàng trai nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, có đôi mắt sáng đầy cương nghị cho rằng, thật sự đó là cuộc chạy đua với thời gian, sắp xếp sao cho làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học. Nhìn lại, tuy vất vả, nhưng đó là môi trường trải nghiệm để anh tích lũy các kỹ năng, kinh nghiệm cho mình.

Đại dịch Covid-19 lây lan, bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố làm đảo lộn toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội. Ngành giáo dục cũng thay đổi phương thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến. “Ở nhà mùa dịch, không đến trường, không làm thêm, đó là thời điểm sinh viên khối kỹ thuật chúng tôi đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ độc đáo. Tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó”, Tùng chia sẻ.

Ý tưởng về một giải pháp hữu ích nào đó hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cứ trở đi trở lại trong đầu chàng trai trẻ. Nhận biết virus SARS-CoV-2 chủ yếu tấn công trực tiếp vào phổi thông qua đường hô hấp, vậy thì có thiết bị nào, công cụ hỗ trợ nào có thể nhận diện lá phổi con người bị tổn thương một cách nhanh nhất? Thiết bị phát hiện các tín hiệu về âm thanh phổi của Trịnh Thanh Tùng, những phác thảo đầu tiên của dự án SAFELUNG đã ra đời.  Với bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2, dự án SAFELUNG đã thực sự trở thành một sáng chế có tính ứng dụng cao trong công tác phòng, chống dịch Covid 19 - Ban Giám khảo cuộc thi VSIC từng đánh giá.

Một sinh viên chuyên môn về kỹ thuật lại làm đề tài về  kỹ thuật y sinh, quả thật đối với Tùng có quá nhiều khó khăn. Anh phải đọc lại, nghiên cứu để hiểu hơn về giải phẫu về cơ thể người, đặc biệt là phổi: cấu tạo phổi, nghe âm thanh của phổi cần nghe ở những vị trí nào, các đối tượng hay bị bệnh về phổi... Những kiến thức học được về xử lý tín hiệu được anh đào xới tìm kiếm, tuy nhiên độ vênh giữa lý thuyết được học và kết quả thu được từ thực tế quá lớn khiến anh không biết phải tiếp tục theo hướng nào. Để hiểu thêm, anh tìm đến các bác sĩ chuyên về phổi, các giảng viên của Trường đại học Y Hà Nội xin tham vấn. Quá trình thiết kế ống nghe tim phổi cũng khá nan giải. Tùng đến Bệnh viện Bạch Mai tìm hiểu về các loại ống nghe, thử nhiều lần từng loại một, xin được thực hành nghe trực tiếp từ bệnh nhân để đối chiếu kết quả. Sau nhiều lần đi lại, cuối cùng anh đã chọn được loại phù hợp, có độ nhạy cao, bắt tín hiệu tốt, và quan trọng nữa là vừa túi tiền sinh viên! Tuy nhiên, đó chỉ là khó khăn bước đầu. Xử lý phần cứng và làm app mô phỏng là phần “khoai” nhất, tiêu tốn nhiều công sức, thời gian nhất trong cả quá trình triển khai. Sau khi bao quát hết kiến thức phần cứng và phần mềm app, Tùng bắt tay vào viết phần mềm riêng cho dự án của mình.

Chia sẻ về việc tham gia cuộc thi VSIC, Tùng luôn hạnh phúc vì anh đã học hỏi, mở mang được nhiều điều, đặc biệt là quá trình khởi nghiệp, kinh doanh, làm chủ được toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm, quảng bá hình ảnh... Đó là cách trau dồi kiến thức, rằng khó khăn từ đấy và trưởng thành cũng từ đấy. Là những người có kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các thầy giáo của anh luôn khích lệ, đưa ra những lời khuyên gợi mở. Thầy giáo, TS Nguyễn Phan Kiên là người gợi ý để Tùng nghiên cứu sâu hơn về đề tài. Thầy giáo, TS Trần Anh Vũ góp ý và định hướng trong thời điểm hướng nghiên cứu gặp bế tắc, khiến anh phấn khích và nỗ lực hơn. Tùng luôn biết ơn và thấm thía hơn tình cảm thầy trò khi nhớ về quãng thời gian thực hiện dự án đầy thử thách đó...

Giữa thời điểm dự án rơi vào khủng hoảng, các thành viên tham gia rơi rụng, cuối tháng 11/2020, Tùng bất ngờ vì anh lại có tên trong danh sách 10 sinh viên ưu tú được nhận học bổng năng lượng tương lai AES. Với số tiền đó, Tùng bắt tay vào cơ cấu lại dự án. Càng về sau cuộc chạy đua thời gian càng gấp rút đòi hỏi tôi phải có bước bứt phá tốc độ. Quá nhiều thời gian và tâm huyết đổ vào dự án SAFELUNG, anh quyết định chọn luôn đề tài nghiên cứu đó làm đồ án tốt nghiệp. Điều khiến Tùng hạnh phúc là cùng thời điểm này, bài báo nghiên cứu khoa học đầu tiên của anh về xử lý tín hiệu âm thanh phổi được hoàn thành và trình bày tại Hội nghị quốc tế về Mạng và Hệ thống thông minh (The International Conference on Intelligent System and Networks - ICISN 2021). Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên trong chuỗi hội nghị mà Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải đề xuất, đăng cai tổ chức và trở thành hoạt động khoa học thường niên. Với nỗ lực không ngừng này bổ sung vào đồ án tốt nghiệp, anh đã xuất sắc giành điểm tuyệt đối để hoàn thành chương trình đại học trước thời hạn.

Sáng chế hữu dụng cho cộng đồng -0
Trịnh Thanh Tùng (giữa) tại Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2020. 

PGS,TS Nguyễn Phan Kiên, giảng viên Viện Điện tử viễn thông, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để dự án SAFELUNG tiếp tục triển khai, cần đầu tư nhiều thời gian, nhân lực, tiền của hơn nữa. Tuy nhiên, thầy vẫn đánh giá cao thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học của Trịnh Thanh Tùng cũng như dự án của anh. Với hồ sơ gồm nhiều thành tích nổi bật trong bốn năm đại học và giải thưởng Cuộc thi VSIC 2020, Trịnh Thanh Tùng đã nhận được nhiều lời mời làm việc tại các tập đoàn, công ty lớn, tuy nhiên chàng trai quả quyết đầu quân về Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Anh thổ lộ, đó là mơ ước từ ngày anh còn là cậu bé chuyên toán...

Chia sẻ về dự định của mình, Trịnh Thanh Tùng hy vọng tới đây, với công việc đang làm, anh chủ động hơn về nguồn lực tài chính, sẽ tìm kiếm được các đơn vị hợp tác để tiếp tục phát triển và đưa dự án SAFELUNG ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp một phần cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid- 19 hiệu quả. Trong tương lai, Tùng cũng tiếp tục theo đuổi nghiên cứu để có nhiều sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới và đóng góp cho cộng đồng.