Tùng:

Lời chào điềm tĩnh của một gen Z

Tùng, một gen Z (chỉ thế hệ sinh từ năm 1996 trở đi, trong thời đại bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội) chính hiệu nhưng lại có vẻ đào thoát khỏi thế hệ của cậu để gợi ra được một không gian âm nhạc đương đại thân mật, ít nhiều chưa đứt đoạn với mỹ cảm âm nhạc truyền thống.

Ký họa chân dung Nguyễn Bảo Tùng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung Nguyễn Bảo Tùng của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

1.

Cặp kính cận dày cộp, quần áo “freesize” ngẫu hứng, thỉnh thoảng thắt một chiếc nơ trông có vẻ điệu đà, tóc xù nghịch ngợm nhưng lại có một gương mặt vô cùng điềm tĩnh. Lần đầu tiên gặp Tùng (tên đầy đủ: Nguyễn Bảo Tùng), nói chuyện và nghe cậu hát, không khó để nhận ra, người này không giống phần đa nghệ sĩ cùng thế hệ với cậu.

Ở một phía của mainstream đang bị chi phối bởi hai màu chủ lưu là rap và pop ballad với những cú “twist” cực gắt về xếp vần câu view đại náo thị trường âm nhạc đại chúng trong vài năm qua, thì Tùng thuộc về không gian yên tĩnh bên này, thỏa sức với các thể nghiệm của mình. Ở đó, người nghệ sĩ không trang hoàng giọng hát của mình đến nhẵn mịn với sự giúp sức của kỹ thuật phòng thu. Chọn vị trí của một người kể chuyện bằng âm nhạc, Tùng xác quyết lại tinh thần vốn có của âm nhạc là để nghe bằng tai chứ không phải xem bằng mắt. Để rồi, giọng hát của cậu bị “lột trần” nhưng trở thành độc đạo để hiển lộ nghệ sĩ tính của mình nhất.

Âm nhạc của Tùng là một phiên bản tổng hợp, có những đoạn âm vực cao hơn chính giọng hát của cậu để thúc đẩy các góc nhìn khác nhau, diễn đạt chính xác những xáo động nội tâm. Và ở đó, người nghệ sĩ độc lập biết mình không sở hữu những nốt quá cao nhưng cố gắng tiệm cận nhất có thể, để rồi sau đó, có thể vỡ òa, có thể xước xát, rè rè, méo mó, có thể lặng im, có thể sâu hút khi cuộc thăm dò nội tâm kết thúc (chẳng hạn ở Gam màu tím ở rìa thế giới).

Nếu nghe nhạc của những nghệ sĩ gen Z khác, có thể thấy một không khí sôi động, thậm chí gồng gượng bằng các hiệu ứng âm thanh dồn dập, thì không gian âm nhạc của Tùng hết sức tối giản nên tĩnh. Khi nghe Con chim trên cành vẫn hát về tình yêu, Xa (Chờ đến mùa gió), Cái hộc tủ, Gam màu tím ở rìa thế giới... đến Luna, Anh có bao nhiêu %, A sad song, Nhắc nhau... dễ nhận ra, cậu không trộn quá nhiều nhạc cụ vào bài hát. Đôi khi là guitar, có lúc piano, violin, đôi khi là cello, lúc khác lại là saxophone hoặc bộ gõ để phụ họa, điểm xuyết cho một nhạc cụ xuyên suốt – chính là giọng hát. Vì thế, nghe nhạc của Tùng, có nhiều quãng lặng mà ở đó chỉ có một âm thanh duy nhất cất lên là giọng hát mộc tinh tế, gợi cảm, thậm chí là phóng túng, trương nở, thân mật theo cảm xúc của người thể hiện.

Người ta thường xếp Tùng vào hàng nghệ sĩ indie. Tùng thì không có ý định bó hẹp mình vào dòng nhạc nào, thể loại âm nhạc nào, màu sắc âm nhạc nào, ít nhất về mặt vỏ chữ. Vì thế, bước vào thế giới âm nhạc của cậu, thấy indie folk, thấy acoustic, thấy cả pop, rap, thấy cả alternative... Tối giản nhưng không hề đơn điệu. Album đầu tay ra mắt năm ngoái - 26: Individualism - là một dẫn chứng cho tinh thần âm nhạc rộng mở, thích khám phá và luôn “trên đường” của chàng thanh niên 27 tuổi này. Thậm chí, ở lần chào sân này, dẫu không chủ đích, bản năng của người nghệ sĩ bộc lộ một số tín hiệu cho thấy tư duy tiệm cận âm nhạc quốc tế. Ngoài viết nhạc bằng tiếng Việt, cậu còn sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh hoàn toàn (Luna, Gummy bear). Và có những ca khúc thách thức tai nghe của khán giả đại chúng Việt Nam khi đưa ra một dung lượng vượt khỏi khuôn khổ thông thường của thị trường nhạc Việt (Gam màu tìm ở rìa thế giới, Con chim trên cành hát về tình yêu)...

2.

Tùng nói, ranh giới các phong cách, các thể loại âm nhạc trên thế giới dường như đang càng ngày càng bị xóa nhòa. Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung đang phát triển theo hướng cá nhân hơn, tự sự hơn. Không gian âm nhạc của cậu vì thế toàn mấy câu chuyện cỏn con, đôi khi nhãng nhách, tầm phào. Chuyện “ăn cơm nắm nhưng lại ngắm trăm năm”, chuyện hai đứa nằm trên nền nhà, nắm tay nhau trong lặng im sau một cơn say tụ bạ nào đó. Chuyện bình thường một chiều gió đến mau, có con chim trên cành hát về tình yêu. Chuyện “ngày giặt phơi”, chuyện một bản tình ca lỗi thời, hay một cái hộc tủ nhỏ... Chuyện của mình, chuyện của người. Tùng ở đó, chỉ để kể lại tất cả khoảng ngày tự nhiên ấy bằng âm nhạc. Để cảm thấy mình đang kết nối với thế giới chung quanh. Và thầm nhủ, âm nhạc vẫn đang đi trong lòng đời dài rộng.

Có lẽ, không ít người sẽ có cảm giác như xem lại một cuốn phim tuổi trẻ của chính mình khi nghe nhạc của Tùng. Đó là một thứ âm nhạc trong tâm tưởng, có thể khiến người ta ủ rũ y một căn phòng tối nhưng phút chốc lại phủ đầy ánh sáng, sắc mầu và thanh âm của cuộc sống khi giật tung chiếc khóa bản lề. Đồng hiện quá khứ trong hôm nay hiện sinh. Có buồn nhưng không nuốt chửng người ta vào đó. Một thứ nhạc khiến người ta bật cười vì bình thường đến bất ngờ. Như một khán giả của Tùng để lại bình luận dưới ca khúc “A sad song” (Một bài hát buồn): “Một bài hát buồn nhưng lại khiến người ta yêu đời”. Hay nói một cách khác, thứ âm nhạc đó làm cho người ta có cảm giác không nỡ buồn lâu.

Nhạc của Tùng là thế, vận động dần từ tối ra sáng, chan hòa với tất cả, gửi gắm một lời yêu cuộc sống thiết tha nhưng bằng một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn. Dù có ra sao, cũng hãy “cứ sống vui thật ngầu”. Tùng viết trong Nhắc nhau: “Khi chuyện buồn em lại thật buồn đến khi chuyện vui em cười thật tươi. Đó là cuộc đời”. Trong Cái hộc tủ, cậu viết: “Người khổng lồ nâu đi qua năm tháng sần sùi mùi gỗ/ Mời lên vai đưa em đi qua ánh sáng phía sau bản lề”...

Có một điều thú vị, khi gần như ở ca khúc nào, cũng có thể nhặt lấy bất kỳ một đoạn thơ nào đó. Âm nhạc giàu chất thơ, giàu cả chất điện ảnh. Khi nghe Con chim trên cành hát về tình yêu, có ai không dừng lại để tưởng tượng ra khung cảnh tĩnh đến bất động này: “Nhìn anh trông như cây cà chua thay lá dần sau mỗi mùa quả/ Chỉ là mùa hạ một lần đi qua/ Con chim trên cành một lần sinh ra”? Hay nghe Anh có bao nhiêu %: “Em đi với anh ra về sau ly ca-cao đá giữa mùa hè/ Trời mưa lâm râm anh có ô che đường cũng không xa”... , có ai không cảm thấy sáng bừng một khung trời kỷ niệm? Vượt thoát khỏi khuôn khổ của một người tự viết nhạc và biểu diễn thông thường, có vẻ như, Tùng đang hướng bản thân tới hình ảnh một nghệ sĩ đương đại nhiều hơn là một nghệ sĩ độc lập trong âm nhạc. Các bản MV đã phát hành Ở đây lúc này, Con chim trên cành hát về tình yêu, Gam màu tím ở rìa thế giới cho thấy biên độ mở, giao thoa các hình thức ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau (âm nhạc, thơ ca, điện ảnh, hay nghệ thuật thị giác) trên con đường mà nghệ sĩ trẻ này đang đi. Và có khi, đó là một cách diễn đạt khác của hai chữ “tự do”. Ở đó, người nghệ sĩ một lần nữa nói với chúng ta về sức mạnh thô sơ, nguyên thủy mà kết nối của nghệ thuật mang lại.

3.

10 năm trước, Tùng tập tành viết rap, hip-hop, những bản tình ca rồi “quẳng đại” lên Soundcloud/ Youtube cho vui. Có lẽ khi đó, cậu cũng không dự liệu một ngày nào đó, khi tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Úc, cậu lại từ bỏ tương lai sáng lạn, rồi quyết định về Việt Nam để dính tới âm nhạc như “bả chuột”.

Là một nghệ sĩ mới toanh, con đường đi của Tùng còn rất dài. Một album cá nhân đầu tay ra năm ngoái hay những ca khúc trên mạng xã hội, bấy nhiêu chưa phải là tất cả. Nhưng chỉ bấy nhiêu, cũng đã vẽ ra rõ ràng một chân dung âm nhạc mới, nhiều thú vị và đầy nội lực mà nhạc Việt vài năm trở lại đây may mắn có được. Sau Ngọt, Cá Hồi Hoang, Mademoiselle, Trang..., giờ, ta có thêm Tùng. Một gương mặt điềm tĩnh hơn nhiều những đại diện gen Z đang phủ sóng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại.

Những ngày này, Tùng đang cùng bạn bè rủ mọi người vào rừng kể chuyện với dự án Tree Talks. Một dự án có vẻ khùng khùng, nhưng chứa rất nhiều bí mật của người mộng mơ. Ở đó có lòng hồ rộng, có gió trong, có cây cối đang mùa ủ xanh, có cả những lời thì thầm rất khẽ... Và cũng chẳng có gì lạ, một hôm nào đó, chàng thanh niên như trái nho xanh này rủ khán giả của mình lên kể chuyện trên mặt trăng.