Dám nắm bắt cơ hội, dám thay đổi bản thân

Giữa những ngày Hà Nội u ám thấp thỏm vì dịch bệnh diễn biến căng thẳng, một tin vui đến với cộng đồng khoa học Việt Nam, đặc biệt đối với giới khoa học nữ bởi có đến ba gương mặt lọt vào Giải thưởng Sáng tạo châu Á của quỹ toàn cầu HITACHI năm 2021. Trong đó, nữ GS,TS Lê Minh Thắng, giảng viên Viện Hóa học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải thưởng Sáng tạo xuất sắc với công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước”. Công trình được đánh giá cao bởi đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết vấn đề nóng của xã hội, mang tính bền vững nhằm giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí trong xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. 

GS,TS Lê Minh Thắng cùng các cộng sự trong phòng thí nghiệm bên sơ đồ công nghệ xử lý khí thải. Ảnh: Ngô Hà
GS,TS Lê Minh Thắng cùng các cộng sự trong phòng thí nghiệm bên sơ đồ công nghệ xử lý khí thải. Ảnh: Ngô Hà

25 năm bền bỉ nghiên cứu

Ngoài vai trò là giảng viên bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học (thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội), GS,TS Lê Minh Thắng còn là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức của trường. Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi sự dấn thân, đặc biệt đối với các nhà khoa học nữ. Tuy nhiên, người phụ nữ nhỏ nhắn có đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị cho rằng không có giới hạn nào cho phụ nữ cả. Khi người ta được làm việc đúng sở trường, sở thích và đam mê, công việc sẽ trở nên thú vị hơn, hấp dẫn, mọi khó khăn vất vả chỉ là thử thách.

GS,TS Lê Minh Thắng theo đuổi hướng nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải đã 25 năm nay, khởi đầu từ luận văn thạc sĩ về xúc tác xử lý khí thải xe máy. Hồi đó không mấy ai chú ý, quan tâm đến việc xử lý khí thải. Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, tiềm lực lại chưa đủ mạnh để chi cho các vấn đề về khí thải. Thay bằng sử dụng các kim loại quý đắt tiền, chị tìm tòi các chất xúc tác phù hợp túi tiền để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc lựa chọn đầu tư lắp đặt các bộ xúc tác để giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Để có thể đưa sản phẩm công nghệ này ứng dụng được vào thực tế, được cấp bằng sáng chế là cả quá trình làm việc kiên trì, dẻo dai và cũng dạn dày kinh nghiệm. Chị vẫn thường trải lòng với các sinh viên của mình rằng nghiên cứu khoa học là một hành trình dài gian nan chứ không hề nhàn hạ. Nhà khoa học luôn phải không ngừng học hỏi, tìm tòi cái mới. Trong dòng chảy đời sống cũng như trong xu thế khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, dừng lại nghĩa là thụt lùi, cái mới hôm nay ngày mai đã thành lạc hậu.

Hiểu được sự đòi hỏi khắc nghiệt của người làm khoa học, GS,TS Lê Minh Thắng kiên trì theo đuổi đam mê. Vừa làm công tác chuyên môn, vừa không ngừng tìm tòi, đến nay chị đã mở rộng phạm vi nghiên cứu xử lý khí thải của các nhà máy công nghiệp sử dụng quá trình đốt cháy nhiên liệu nhằm xử lý để hạn chế tối đa các khí thải độc hại ra môi trường. Một số sản phẩm xử lý khí thải của chị có khả năng ứng dụng thực tế và đã được thương mại hóa với quy mô nhỏ. Điển hình là hiện tại một số nhà máy nhiệt phân cao-su phế thải ở Hải Dương đã lắp đặt bộ xúc tác này trên hệ thống ống xả với chi phí khoảng 100 triệu đồng/lần, hai-ba năm sau mới cần phải thay thế bộ xúc tác. 

Các kỹ sư của nhóm nghiên cứu cho biết sau khi lắp đặt, người sử dụng không phải điều chỉnh gì ngoại trừ việc bảo đảm các yếu tố công nghệ như thiết kế. Trước khi sử dụng xúc tác xử lý khí thải, các nhà máy phải được khảo sát công nghệ để đưa ra tư vấn chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình vận hành, đặc biệt lựa chọn những hỗn hợp xúc tác tối ưu nhất… GS,TS Lê Minh Thắng nung nấu kế hoạch xây dựng một trung tâm hợp tác quốc tế về lĩnh vực xúc tác. Chị tràn đầy hứng khởi khi nói về tương lai. Trường đại học Bách khoa Hà Nội với nội lực mạnh mẽ như trang thiết bị rất tốt, đội ngũ cán bộ trẻ, đầy năng lực, có mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu, rộng; trung tâm sẽ là môi trường hoạt động khoa học tốt để thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế…

Nỗ lực để tròn vai

Trong câu chuyện của mình, GS,TS Lê Minh Thắng luôn khiêm tốn tự nhận mình là người may mắn vì được hậu thuẫn lớn từ gia đình hai bên cũng như chồng và các con hết lòng ủng hộ. Thực tế, để có tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con khôn lớn mà sự nghiệp đạt được thành tựu đáng ghi nhận như hiện nay, chị không ngừng nỗ lực mỗi ngày. Đặc thù công việc thường xuyên đi công tác, vợ chồng chị rèn cho các con thói quen tự lập, chủ động trong cuộc sống. Chồng chị cũng là dân Bách khoa. Họ đã có chung những năm tháng tuổi trẻ học tập nghiên cứu ở nước ngoài, cho nên đến nay vẫn có thói quen trao đổi cùng nhau, chia sẻ cùng các con về công việc của mình, xem đó là một cách truyền cảm hứng để con yêu thích khoa học. “Để thành công phụ nữ phải suy nghĩ thoáng, dám nắm bắt cơ hội, dám thay đổi bản thân, đừng mặc định cứ phụ nữ là chân yếu tay mềm, chỉ nên tập trung lo cho gia đình”, GS,TS Lê Minh Thắng nhấn mạnh và cho rằng trong xã hội ngày nay có rất nhiều phụ nữ làm khoa học thành công. Tuy nhiên để đạt được thành tựu, người phụ nữ thường phải nỗ lực nhiều hơn so với nam giới. Họ phải sắp xếp thời gian hợp lý để làm việc đạt hiệu suất cao nhất, đồng thời làm tròn vai người mẹ-người vợ- người con trong gia đình…

Mùa hè năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát, thấy cậu con trai 15 tuổi suốt ngày phải ở nhà tránh dịch, GS,TS Lê Minh Thắng bàn với chị em đồng nghiệp tổ chức tuần lễ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm cho một số đối tượng học sinh phổ thông trung học. Mùa hè nóng nực, trong phòng thí nghiệm chỉ được dùng quạt chứ không có điều hòa. Các cháu phải làm việc như một người nghiên cứu thực thụ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngày được nghỉ giải lao và ăn trưa một tiếng. “Tôi để mở: Ai thấy mệt, thấy chán, hoặc vì lý do nào đó không muốn tiếp tục có thể nghỉ. Nhưng đáng mừng là suốt tuần lễ, các bạn nhỏ đi làm đầy đủ, đúng giờ, chấp hành nghiêm túc nội quy phòng thí nghiệm. Tôi và các đồng nghiệp phấn khởi lắm, bởi các con trước mắt đã rèn được tính kiên trì chịu khó, ý thức chịu trách nhiệm và tính kỷ luật trong công việc. Các hoạt động này hấp dẫn các con vì đó là trải nghiệm thực tế, mới lạ, nuôi dưỡng óc sáng tạo, niềm say mê với khoa học, kỹ thuật...” GS,TS Lê Minh Thắng hồ hởi khi nhắc đến cậu con trai và hoạt động hè năm ấy.

Khi Chi hội Nữ trí thức Bách khoa Hà Nội được thành lập, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chấp hành chi hội và GS,TS Thắng cũng tổ chức được một số hoạt động ý nghĩa, như tọa đàm chuyên môn, các buổi sinh hoạt STEM cho các bạn học sinh tham gia làm các bài thí nghiệm ngắn để có cái nhìn trực quan hơn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ như hóa học, tự động hóa, điện tử,…

Năm 1997, tốt nghiệp Thủ khoa ngành Hữu cơ-Hóa dầu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), sinh viên Lê Minh Thắng được giữ lại trường, tiếp tục chương trình thạc sĩ. Năm 2005, chị hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ). Năm 2009, ở độ tuổi 34, chị trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất khi đó. 10 năm sau, chị chính thức được phong hàm Giáo sư. GS,TS Lê Minh Thắng là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học lớn; tác giả, đồng tác giả của hàng trăm bài báo khoa học xuất bản trên các ấn phẩm chuyên ngành trong nước và quốc tế.