Nỗi buồn Ronaldo giải thích tại sao MU vẫn mãi tụt lùi

NDO -

Cristiano Ronaldo không hối tiếc vì quay lại MU, như anh nói, “vì tôi yêu đội bóng này”. Nhưng anh sốc vì MU không còn là MU của trước đây.   

Dù mang băng đội trưởng, Cristiano Ronaldo vẫn không thể chỉ đạo được các đồng đội trẻ. (Ảnh: Getty Images)
Dù mang băng đội trưởng, Cristiano Ronaldo vẫn không thể chỉ đạo được các đồng đội trẻ. (Ảnh: Getty Images)

Nhiều người hâm mộ MU hẳn vẫn nhớ Sir Alex Ferguson trước đây từng mỉa mai các cầu thủ đeo khăn giữ ấm cổ “thiếu tính đàn ông” và tất nhiên, không cầu thủ nào của ông cần đến các phụ kiện chống lạnh. Dưới thời Sir Alex, Wayne Rooney là người duy nhất đeo găng tay len. Tuy nhiên, Ryan Giggs giải thích rằng đó chỉ là hành động lấy may, bởi Wazza thường ghi bàn khi mang nó.

“Khi lái xe đến Carrington, tuyết thì rơi và mặt đất thì đóng băng, nhưng tôi không thể kìm được việc phải ra sân ngay để tập luyện. Tôi cũng thường trêu chọc những cầu thủ nước ngoài khi họ đang rên rỉ, khuyên họ nên tận hưởng bởi thời tiết thế này là lý tưởng”, Giggs nói.

Trở lại MU sau 12 năm và những đồng đội trước đã không còn hiện diện, nhưng Ronaldo không quên thói quen cũ. Dĩ nhiên anh nhớ cả cái cách làm thế nào để trở nên tốt hơn khi ở tuổi đôi mươi. “Khi ấy, các cầu thủ lớn tuổi đã nói chuyện với tôi. Và tôi luôn tự nhủ, Cristiano, mày chưa giỏi đâu, họ biết nhiều hơn mày, họ giàu kinh nghiệm và đã trải qua nhiều khoảnh khắc tồi tệ”, Ronaldo nói trong cuộc phỏng vấn với Sky Sports vừa công bố.

Bây giờ khi chuẩn bị đóng sinh nhật thứ 37 vào tháng sau, Ronaldo vẫn không ngừng nỗ lực để tốt hơn nữa. Anh vẫn đến phòng gym để tập thêm trước và sau mỗi buổi tập, cũng như dành hàng giờ trên sân để hoàn thiện các kỹ năng. Vậy nên anh nói rằng “cơ thể chỉ như mới 30 tuổi, và sẽ phấn đấu để xem có thể chơi đến lúc 40, 41 hay 42 tuổi”. Điều đáng buồn là ở MU hiện tại, anh là người duy nhất làm điều đó. Những đồng đội trẻ của anh thích được trở về nhà hoặc lãng phí thời gian cho mạng xã hội hơn là cải thiện bản thân.

Điều tệ hơn, như anh ám chỉ trong cuộc phỏng vấn, họ không muốn lắng nghe. “Nếu ai đó cần sự giúp đỡ, tôi luôn sẵn lòng, thậm chí trò chuyện với họ cả ngày. Nhưng thật khó nếu họ không thích nhận những lời khuyên. Cũng tốt thôi, miễn là họ làm việc của mình, chăm sóc bản thân và nỗ lực hết mình vì đội bóng”, Ronaldo nói, “tôi có con, tôi biết tâm lý của chúng rất phức tạp để đôi khi sẽ làm ngược lại những gì bạn muốn. Nhưng vấn đề theo tôi, phải xuất phát từ bản thân có muốn tốt hơn hay không”.

Theo SunSport, Ronaldo đã bị “sốc văn hóa” khi trở lại MU. Những đồng đội của anh thích tận hưởng cuộc sống hơn là cố gắng phát triển với tư cách cầu thủ. Họ thậm chí cảm thấy bị đe dọa nếu làm sai trên sân, bởi biết rằng Ronaldo sẽ tức giận. Ngày nay các cầu thủ không thích bị mắng mỏ, đồng thời có tâm lý dễ dãi, sẵn sàng thỏa hiệp với các thất bại hay tình trạng không danh hiệu của CLB. Như anh bình luận, “tất cả đều biết MU chơi không tốt trong những trận gần đây, nhưng hệ thống chẳng có ích gì nếu không có thái độ đúng mực”.

Mọi thứ đã khác xa. Không ai biết để được như ngày hôm nay, Ronaldo từng chịu không ít cơn thịnh nộ của ông thầy Sir Alex Ferguson, đến mức anh đã khóc ngon lành trong phòng thay đồ và tiếp tục bị chế giễu bởi các đàn anh. Cũng không ai biết Ronaldo nhiều lần bầm dập trên sân tập, khi Paul Scholes và Roy Keane muốn dạy cho anh biết thế nào là sự khắc nghiệt của bóng đá Anh.

Những ngày ấy đã qua, và có vẻ như sự trở lại của Ronaldo chỉ giúp vạch trần lý do tại sao MU trắng tay lâu đến thế, và những HLV đến rồi đi, sự thất vọng vẫn đeo đẳng mãi.