Michael Carrick có đủ tầm để trục vớt con tàu đắm MU?

NDO -

Triều đại Solskjaer đã kết thúc ở MU, nhưng một triều đại khác vẫn chưa bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, Michael Carrick sẽ tạm dẫn dắt đội bóng. Và tất nhiên, thật khó để mong đợi một sự đột phá từ một người luôn cố gắng ở trong giới hạn an toàn.

Michael Carrick luôn ở sau Solskjaer trước khi đứng mũi chịu sào. (Ảnh: SkySports)
Michael Carrick luôn ở sau Solskjaer trước khi đứng mũi chịu sào. (Ảnh: SkySports)

Ở tuối xế chiều, Michael Carrick đã nghĩ về tương lai sau khi giải nghệ. Anh có hứng thú với công việc huấn luyện nhưng không chắc bản thân sẽ phù hợp. Cho đến một ngày cuối năm 2015, Tony Strudwick, Trưởng bộ phận phát triển thể thao của MU, chìa cho anh bản khảo sát khám phá tính cách.

Carrick đã rất ngạc nhiên vì kết quả mô tả đúng con người anh, bao gồm “sự cẩn trọng trong đưa ra quyết định, dành thời gian để tham khảo quy trình đã xây dựng từ trước và nhìn nhận vấn đề ở mọi góc độ”. Từ lúc ấy, Carrick biết rằng sự nghiệp huấn luyện là dành cho anh.

Sự cẩn thận, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm là tính cách nổi bật của cựu tiền vệ đã ra sân 464 trận trong 12 năm cho MU. Không nghi ngờ gì, Carrick luôn phân tích, lập kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Ngay cả khi buổi tập kết thúc, ông vẫn sẵn sàng ở lại để hỗ trợ những cầu thủ muốn cải thiện các khía cạnh cá nhân. Với kinh nghiệm phong phú của một người từng được Pep Guardiola ca ngợi là “tiền vệ hay nhất ông từng thấy”, Carrick giúp nâng cao năng lực của họ.

Ole Gunnar Solskjaer thường đứng ngoài các buổi tập, giao phó việc điều hành cho Carrick cùng Kieran McKenna, bộ đôi trợ lý từ thời Jose Mourinho. HLV người Na Uy tin họ sẽ bù đắp những hạn chế của ông về mặt chiến thuật. Thậm chí, ca ngợi họ “huấn luyện theo cách không thể tin nổi”, khiến ông “mở rộng tầm mắt”.

Tuy nhiên, khi MU thua liên tiếp, bị áp đảo toàn diện và phơi bày các lỗ hổng cũng như sự ngây thơ trước các đối thủ lớn, câu hỏi nên được đặt ra cho Ban huấn luyện mà Carrick là một phần trong đó. Một nguồn tin nói với tờ The Athletic: “Các trợ lý luôn rất tuyệt, và các buổi tập của MU cũng rất tuyệt, sau đó họ ra sân và hứng chịu thất bại. Vậy rốt cuộc các cầu thủ đã tiếp thu những gì?”.

Từ rất lâu rồi, sự hoài nghi đã nảy sinh ở Carrington về phương pháp huấn luyện. Nhiều cầu thủ nghĩ rằng nó không đạt chuẩn, đồng thời mang hơi hướng cổ điển, hoàn toàn không phù hợp với xu thế hiện nay. Tất cả dẫn đến tình trạng vô tổ chức, thiếu kỷ luật chiến thuật và di chuyển hỗn loạn của MU trên sân.

Suốt triều đại Solskjaer, MU không có một cấu trúc rõ ràng, theo đuổi một triết lý mơ hồ và kết quả rất thất thường. Carrick dĩ nhiên có trách nhiệm trong vấn đề đó. Lưu ý rằng Solskjaer rất tin tưởng đội ngũ trợ lý, trao quyền lớn cho họ để tạo ra cảm giác về một nhóm HLV cùng quản lý đội bóng. Carrick là người trầm tính, song có tiếng nói quan trọng.

Vì vậy, sự ra đi của Solskjaer không đồng nghĩa với những đổi thay được tạo ra. Trước mắt MU vẫn được dẫn dắt bởi đội ngũ huấn luyện cũ, với Carrick được đẩy lên vị trí HLV tạm quyền. Cựu tiền vệ 40 tuổi có ý tưởng riêng, nhưng như ông nói trong cuộc họp báo trước trận đấu với Villarreal, rằng “có rất nhiều điểm chung với Solskjaer” trên quan điểm bóng đá.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Carrick cũng cho biết, “khi còn là cầu thủ, tôi không quá thăng hoa nhưng cũng không chơi tệ, giữ vững sự ổn định là quan trọng”. Kết hợp với bản khảo sát của Strudwick, có thể thấy Carrick quá cẩn trọng, mong muốn về một sự bền vững an toàn hơn là mạo hiểm tìm kiếm cái gì đó đột phá. Khi đang vẫy vùng trong khủng hoảng, liệu MU có nên tư duy theo cách ấy?

Chính Ban lãnh đạo MU cũng không nghĩ rằng Carrick hay ai đó khác trong đội ngũ trợ lý đủ tầm để điều hành đội bóng dù chỉ là tạm thời. Vì lẽ đó, họ luôn trì hoãn sa thải Solskjaer bởi lo ngại về vị trí HLV tạm quyền trong lúc xác định danh tính người kế nhiệm. 

Dù sao bóng đá khó nói trước điều gì. Và ít nhất người hâm mộ MU có thể hy vọng vào cái gọi là hiệu ứng HLV mới. Trong thời kỳ chuyển giao triều đại, các cầu thủ luôn chơi hết mình để chứng tỏ bản thân. 3 năm trước, Solskjaer cũng từng hưởng lợi vì điều này, dẫn tới quyết định bổ nhiệm vội vàng của Ban lãnh đạo. Bây giờ nhìn lại, dĩ nhiên đó là một sai lầm.