Khổ luyện cho phút vinh quang

Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam tham dự đại hội có 12 vận động viên. Với mục tiêu đặt ra là ba Huy chương vàng (HCV), nhưng đến ngày 16/5 là ngày thi đấu cuối cùng của bộ môn này tại SEA Games 31, đội tuyển nước ta đã đoạt được thành tích hơn cả mong đợi khi mang về bốn HCV. Để có được khoảnh khắc vinh quang ấy, các vận động viên thể dục dụng cụ đã phải khổ luyện ròng rã trong gần 20 năm, từ độ tuổi nhi đồng.

Các vận động viên mang về tấm Huy chương vàng cho tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam ở nội dung đồng đội nam.
Các vận động viên mang về tấm Huy chương vàng cho tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam ở nội dung đồng đội nam.

Thể dục dụng cụ là môn thể thao liên quan đến thực hiện các bài tập đòi hỏi thể lực, tính linh hoạt, nhanh nhẹn, sự phối hợp, cân bằng, uyển chuyển và niềm đam mê thể thao. Lê Thanh Tùng, cái tên vàng của thể dục dụng cụ Việt Nam cho biết, từ năm lên 4 tuổi em đã theo anh trai vốn là vận động viên đến nhà thi đấu, nhờ đó được làm quen với các dụng cụ tập luyện từ rất sớm.

Lọt vào mắt xanh của các huấn luyện viên nhờ sự nhanh nhẹn, khéo léo, lúc 5 tuổi, Tùng chính thức tập luyện môn thể thao nghệ thuật này. Với năng khiếu bẩm sinh, sự cần cù, lại được các thầy giỏi chỉ dẫn tận tình, Tùng tiến bộ rất nhanh. Sau chuyến tập huấn tám năm bên Trung Quốc, Tùng trở về và liên tiếp gặt hái thành tích cao nhất ở các giải trẻ trong nước lẫn quốc tế. 

Tại Sea Games 31, Tùng và các đồng đội đã thể hiện xuất sắc trong phần thi đồng đội và cả đội đã nhận được HCV đồng đội nam. Cá nhân Tùng nhận được HCB nội dung toàn năng nam và HCĐ nội dung vòng treo. Ở môn ngựa vòng, Tùng không may bị rơi ngựa cho nên tuột tấm huy chương cá nhân. Nhưng vận động viên Đặng Ngọc Xuân Thiện lại xuất sắc giành HCV ở nội dung này. Vận động viên Đinh Phương Thành nhận HCĐ nội dung toàn năng nam chia sẻ: Em đã tập thể dục dụng cụ 22 năm để có hai phút thi đấu tốt trong ngày hôm nay. Cả đội đã tập luyện miệt mài để giành HCV đồng đội. Em rất hài lòng và thấy 22 năm đổ mồ hôi và cả máu trên sàn tập là rất xứng đáng.

Vui mừng trước thành công của các học trò, huấn luyện viên thể dục dụng cụ Trương Tuấn Hiển cho biết: Đây là môn thể thao rất khó tuyển chọn vận động viên. Nhiều khi tuyển cả trăm học sinh mà không chọn được một vận động viên có tiềm năng. Nhiều trường hợp phải sử dụng máy đo xương để phân tích các chỉ số sinh học, làm căn cứ để tuyển chọn vận động viên. Trong khi hầu hết các môn thể thao ưu tiên có ngoại hình cao thì thể dục dụng cụ lại đòi hỏi vận động viên có tầm vóc vừa phải, cân đối. Do đặc thù có nhiều động tác khó như xoay người trên không, nhảy cao, bật xoay người, giữ thăng bằng, tiếp đất an toàn… cho nên nếu cơ thể dài sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Do đó, đối với vận động viên nam giới người Việt, tiêu chuẩn thông thường là không cao hơn 1,7m. Và để ước đoán chiều cao của vận động viên lúc trưởng thành, huấn luyện viên phải quan sát cả bố mẹ về thể hình. Thêm vào đó, ngoài các chỉ số hình thể hợp lý, yếu tố gia đình tạo điều kiện để con em theo đuổi môn thể dục dụng cụ là vô cùng quan trọng. “Không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nhưng do các gia đình hiện tại thường chỉ có từ 1-2 con, việc theo đuổi những môn thuộc thể dục dụng cụ rất khắc nghiệt. Thông thường, tuyển và đào tạo 10 em, chỉ được một em thành vận động viên chuyên nghiệp và để theo đuổi thể dục dụng cụ thì nghị lực của chính bản thân các em là điều vô cùng quan trọng.

Các em thường được lựa chọn từ lúc 5, 6 tuổi, lứa tuổi còn rất nhỏ để có thể chịu được và theo đuổi môn thể thao này. Bởi lẽ, ngay từ khi tập luyện, cơ thể các em phải chịu rất nhiều đau đớn. Để giúp các em vượt qua giai đoạn này, các huấn luyện viên phải như những người cha, người mẹ thứ hai. Đồng thời, huấn luyện viên cũng phải là nhà tâm lý giỏi. Bởi lẽ, trong mỗi giải thi đấu quan trọng, đội hình sẽ gồm hơn 10 vận động viên nhưng chỉ có một HCV. Nếu thi đấu khu vực và quốc tế, với số lượng tham dự lớn, kinh nghiệm từ các nước, khả năng giành huy chương còn khó khăn hơn.

Về sự đãi ngộ của xã hội đối với vận động viên thể dục dụng cụ cũng chưa như mong đợi. Trong bối cảnh chung của thể thao nước nhà còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, môn thể dục dụng cụ đòi hỏi người xem phải có chuyên môn và yêu thích. Môn thể thao số ít, pha thêm các yếu tố nghệ thuật cho nên kén cả khán giả hâm mộ. Do đó, động lực để các vận động viên theo đuổi môn này sẽ không cao như các môn thể thao phổ biến, đại chúng như bóng đá. Huấn luyện viên Trương Tuấn Hiển cho biết: Dù sự đãi ngộ chưa cao, nhưng trong điều kiện chung của thể thao Việt Nam, các vận động viên thể dục dụng cụ luôn nỗ lực hết mình. Tuổi thi đấu là 28 với nam giới và 25, 26 với nữ giới cho nên tuổi nghề không thể kéo dài như nhiều môn thể thao khác. Lãnh đạo và huấn luyện viên luôn tạo điều kiện để các em học song song giữa thể thao và văn hóa tại các trường phổ thông, bậc đại học để bảo đảm tương lai sau này.

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Thể dục dụng cụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Thúy từng là vận động viên thể dục dụng cụ nổi tiếng trong những năm 80-87 trước khi sang Ukraine học huấn luyện. “Thời đó đối với các vận động viên nữ việc tập luyện và thi đấu từ khi nhập môn đến khi từ bỏ sự nghiệp đỉnh cao chỉ gói gọn từ 8 đến 10 năm. Với vận động viên thể dục dụng cụ, tròn 17 tuổi là thời điểm được coi là “già”, cuộc đời chuyển sang một bước ngoặt mới thầm lặng và kém màu sắc hơn bởi lẽ sau 17 tuổi, các vận động viên mà cố níu kéo sự nghiệp thì rất dễ gặp chấn thương”, huấn luyện viên Thanh Thúy chia sẻ. Thời nay các em nữ vận động viên thể dục dụng cụ có tuổi nghề kéo dài hơn rất nhiều. Phần lớn các em làm quen với sàn tập lúc 5 tuổi và có thể thi đấu đến tuổi 26. Tuy nhiên, “tuổi thọ nghề” của vận động viên nữ vẫn ngắn hơn các bạn nam khá nhiều. Nam vận động viên có thể thi đấu đỉnh cao sau tuổi 30, với vận động viên nữ ở Việt Nam sự nghiệp thường kết thúc trước khi lập gia đình.

Chuyên gia Valery Vulega (quốc tịch Belarus) mới trở lại với đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam được ba tháng. Ông rất thương những cô trò nhỏ của mình nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Ông Valery Vulega tâm sự: Học trò của tôi rất ngoan, rất có năng khiếu. Để các em có thành tích tốt hơn trong luyện tập và thi đấu, tôi cũng đôi lúc nặng lời với các em, nhưng sau đó lại phải vỗ về an ủi. “Các thiếu nữ Việt Nam rất có năng khiếu và sở hữu những chỉ số sinh học phù hợp môn thể dục dụng cụ. Chẳng cần đến năm hay 10 năm, chỉ sau ba năm nữa thôi là các cô gái của lứa SEA Games 31 sẽ làm nên chuyện ở đấu trường khu vực, thậm chí cả quốc tế”, ông Valery Vulega tự hào chia sẻ.

Như vậy, kết thúc các nội dung thi đấu tại SEA Games 31, các chàng trai, cô gái thể dục dụng cụ Việt Nam đã thể hiện tốt và có thành tích hơn cả mong đợi của ban huấn luyện.