Chuẩn bị tốt cho SEA Games 31

SEA Games 31 và ASEAN Paragames 11 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay. Đây là sự kiện thể thao quan trọng nhất của khu vực Đông - Nam Á, cũng là dịp để tăng cường ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế đất nước. Hà Nội là nơi diễn ra lễ khai mạc, lễ bế mạc và 20 môn thi đấu. Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ sở tập luyện, sinh hoạt của vận động viên (VĐV) đã xuống cấp. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực chuẩn bị hạ tầng, tháo gỡ khó khăn để có một kỳ Đại hội thành công.

Các vận động viên luyện tập tại Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Các vận động viên luyện tập tại Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Đầu tư hạ tầng, chuẩn bị lực lượng

Còn gần chín tháng nữa, Đại hội Thể thao Đông - Nam Á (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông - Nam Á (ASEAN Paragames 11) - hai sự kiện thể thao quan trọng nhất của khu vực, với sự tham gia của 11 nước thành viên khu vực Đông - Nam Á chính thức diễn ra. Hiện nay, các hoạt động tu sửa, nâng cấp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì (VHTT và TT) đang diễn ra hết sức khẩn trương. Các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ các hạng mục cải tạo, nâng cấp, tu sửa để sớm đưa công trình vào hoạt động. Tại kỳ SEA Games sắp tới, Trung tâm VHTT và TT huyện Thanh Trì được chọn làm nơi thi đấu môn bóng rổ và là nơi tập luyện của một số đội bóng đá nam. Giám đốc Trung tâm VHTT và TT huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Minh Hoa cho biết, trung tâm được đưa vào sử dụng từ năm 2008. Đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Việc nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện tập cho các VĐV chuyên nghiệp và không chuyên luyện tập và thi đấu tốt hơn. UBND huyện Thanh Trì đã khảo sát, lập dự án triển khai cải tạo, sửa chữa nhà thi đấu, bể bơi, nhà hành chính, sân vận động và khán đài; cải tạo cổng, tường rào, nhà bảo vệ, sân nội bộ... với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách của huyện. Dự kiến, đến giữa tháng 5-2021, dự án cải tạo, sửa chữa Trung tâm VHTT và TT huyện Thanh Trì được hoàn thành.

Từ ngày 21-11 đến 2-12, SEA Games 31 được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố miền bắc với 40 môn thi đấu. Trong đó, Hà Nội là đơn vị chủ lực đăng cai nhiều hoạt động, gồm: Lễ khai mạc, lễ bế mạc và 20 môn thi đấu tại 16 sân vận động, nhà thi đấu. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao quản lý ba địa điểm thi đấu bốn môn gồm: Nhà văn hóa trung tâm thi đấu môn cử tạ, thể hình; sân bi sắt thi đấu môn bi sắt và Cung điền kinh thi đấu môn kiếm quốc tế. Các trung tâm VHTT và TT của 13 quận, huyện… sẽ tổ chức thi đấu 16 môn. Trong đó, có những môn thu hút nhiều đoàn VĐV từ các nước Đông - Nam Á tham gia với nhiều bộ huy chương như: Thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, cầu mây, bi-lắc và snốc-kơ, khiêu vũ thể thao, vật, bô-linh… Hà Nội cũng là nơi diễn ra tất cả các nội dung thi đấu của ASEAN Paragames. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng hàng chục năm qua, cho nên phải đầu tư tu sửa, nâng cấp để đạt chuẩn SEA Games. Trong đó, Trung tâm VHTT và TT huyện Thanh Trì là công trình phục vụ SEA Games 31 được khởi công sớm nhất, từ tháng 12-2020. Ngoài công trình này, Trung tâm VHTT và TT quận Hà Đông cũng đang được thi công gấp rút. Đến nay, 100% các công trình đã được phê duyệt đầu tư, tám công trình đang chuẩn bị triển khai dự án. Tổng kinh phí cho các hạng mục sửa chữa, nâng cấp là gần 600 tỷ đồng.

Ngoài công tác chuẩn bị hạ tầng, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV cũng trong giai đoạn nước rút. Những năm gần đây, Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều VĐV nhất trong thành phần các đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế. Tại SEA Games 30, các VĐV Hà Nội giành 87 trong tổng số 288 huy chương toàn đoàn, trong đó có 34 Huy chương vàng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: “Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại, giúp các nhà quản lý và chuyên môn thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác quản lý và đào tạo VĐV; đồng thời, thành phố chú trọng công tác đào tạo trẻ, qua đó giúp thể thao Hà Nội có lực lượng VĐV hùng hậu. Hà Nội phấn đấu đóng góp ít nhất 30% số VĐV trong đội tuyển quốc gia, giành 30% tổng số huy chương Việt Nam giành được tại Đại hội Thể thao Đông - Nam Á lần thứ 31”. 

Tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV 

Năm 2002, Hà Nội đã tổ chức thành công SEA Games 22. Từ đó đến nay, thành phố tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn khác, trong đó tiêu biểu là Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games III), cho nên nhiều công trình thể thao được xây dựng, thành phố có kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Từ nền tảng đó, phục vụ cho SEA Games 31, Hà Nội không phải xây dựng thêm sân vận động, nhà thi đấu. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP Hà Nội Đàm Xuân Dũng cho biết, do các công trình phục vụ SEA Games và ASEAN Paragames đều không phải xây dựng mới, mà chủ yếu là cải tạo, duy tu, cho nên hoàn toàn có thể kịp tiến độ. Dự kiến các công trình còn lại sẽ được khởi công chậm nhất trước ngày 30-4 và hoàn thành trước ngày 30-9.

Tuy nhiên, thành phố đang gặp khó khăn trong chuẩn bị lực lượng. Theo kế hoạch trước đó, trong năm 2021, các đoàn VĐV của thành phố thực hiện 62 đợt tập huấn trong nước và 58 đợt tập huấn quốc tế, tham dự thi đấu tại 122 giải trong nước và 46 giải quốc tế, tạo điều kiện để những VĐV xuất sắc được tập huấn, thi đấu tại những quốc gia có nền thể thao phát triển. Dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, cho nên kế hoạch tập huấn, thi đấu bị đảo lộn. Nhiều VĐV phải “tập chay”, thậm chí, nhiều HLV và VĐV phải tổ chức hướng dẫn, tập luyện theo hình thức trực tuyến. Để khắc phục tình trạng này, các huấn luyện viên, VĐV buộc phải đổi mới giáo án tập luyện cho phù hợp để duy trì thể lực, kỹ thuật, chiến thuật cho VĐV.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội chưa xứng tầm với mục tiêu đặt ra. Trung tâm được đưa vào hoạt động từ năm 2012, là nơi giúp VĐV luyện tập nhiều môn như: Bóng ném, vật, bóng chuyền, bóng rổ, các môn võ thuật, đấu kiếm… đồng thời, có nhiều hạng mục phụ trợ cho công tác tập luyện. Nhưng đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp, nhất là bốn đơn nguyên nhà ở, nhà ăn của VĐV. Ông Đào Quốc Thắng cho biết thêm, hiện nay, sự cạnh tranh về thể thao thành tích cao không chỉ ở ngoài nước, mà ngay ở trong nước cũng ngày càng khốc liệt. Nếu Hà Nội không đầu tư tương xứng, không có chế độ đặc thù thì khó thu hút hoặc giữ chân VĐV giỏi, có nguy cơ giảm thành tích.

Để giải quyết những vướng mắc này, trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị SEA Games 31, ASEAN Paragames 11, vừa qua, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện ngay các dự án cải tạo; nâng cấp các công trình phụ trợ tại Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao, mua sắm các thiết bị cần thiết; điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách đối với VĐV, huấn luyện viên thành tích cao, gồm cả chế độ đãi ngộ thường xuyên, chế độ tập luyện, huấn luyện, chế độ khen thưởng, chế độ dinh dưỡng… để VĐV và huấn luyện viên yên tâm tập luyện, thi đấu, giành thành tích cao. Chế độ với VĐV cấp cao cần cụ thể hóa bằng chính sách do HĐND thành phố thông qua. Kỳ SEA Games, ASEAN Paragames sắp tới là dịp quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về văn hóa, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam và các nước ASEAN, cho nên ngoài điều kiện thi đấu, các sở, ngành, địa phương cần chuẩn bị tốt công tác hậu cần, chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng, vận động các tầng lớp nhân dân giữ gìn Thủ đô an toàn, xanh, sạch, đẹp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, thành phố cần có phương án sẵn sàng cho việc giảm nội dung thi đấu, hoặc hoãn tổ chức hai sự kiện, sử dụng các công trình hợp lý, tránh lãng phí.