Nhìn xa trong chính sách tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1% và quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng của các ngân hàng thương mại từ 5%/năm lên 6%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng từng đăng đàn trả lời chất vấn về chính sách tiền tệ hồi tháng 6/2022. Ảnh: TTXVN
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng từng đăng đàn trả lời chất vấn về chính sách tiền tệ hồi tháng 6/2022. Ảnh: TTXVN

Như vậy chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Quyết sách này của Ngân hàng Nhà nước được cho là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, nhằm hóa giải sức ép lên tỷ giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Việc nâng lãi suất điều hành là để bảo vệ đồng nội tệ, bảo đảm việc mất giá của VND so USD trong tương quan giữa các nước ở mức chấp nhận được...

Đến lúc này, Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất điều hành là một nỗ lực rất lớn. Bởi, bối cảnh xu hướng lạm phát nhiều quốc gia liên tục thiết lập các kỷ lục cao nhất trong vòng vài thập niên qua khiến các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã năm lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Song thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp nhằm giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, giữ ổn định thị trường ngoại hối, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, việc này giống như ngành Ngân hàng đã nỗ lực duy trì trợ lực cho doanh nghiệp vừa qua khỏi "trận ốm Covid-19"; từ đó, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tại, đồng VND đã mất giá hơn 6% so USD; và so với tháng 12/2021. CPI tháng 9 tăng 4,01%, so cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay tăng khoảng 3% nhưng mức tăng này chưa đáp ứng yêu cầu bất thành văn, vốn đã được hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì lâu nay: lãi suất tiền gửi phải thực dương. Những yếu tố này, cộng với việc vốn đầu tư công chậm được giải ngân khiến vòng quay vốn qua ngân hàng chậm, đã dẫn đến hiệu ứng xấu là tăng trưởng huy động của toàn hệ thống chỉ ở mức 4,78% (trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2021, huy động vốn tăng 4,28%; năm 2020 là 7,7%; năm 2019 tăng 8,9%; năm 2018 tăng 9,15%).

Một vấn đề rất đáng lưu tâm nữa là huy động vốn tăng trưởng quá thấp so với tăng trưởng tín dụng (tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,35%). Tỷ lệ này nếu duy trì lâu sẽ tác động đến an toàn thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thời gian tới, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng trong khi áp lực cung vốn tín dụng ngân hàng không giảm. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo: Tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên lần lượt là 124% và 17%, điều này cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Theo quy luật "nước lên thuyền lên", lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Do đó, trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân. Để giảm gánh nặng cho ngân hàng trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, cần phải xử lý nhanh những tồn tại của thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng sẽ giúp tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nguyên tắc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh thị trường có nhiều bất định là linh hoạt, ổn định chứ không cố định. Ngay từ lúc này, Ngân hàng Nhà nước đã có những phương án, quyết sách để đối phó áp lực lạm phát tăng cao, đồng VND tiếp tục mất giá trong thời gian tới là cách "nhìn xa" để tiếp tục giữ được thế chủ động. "Đại dịch Covid-19 có thể coi là sự kiện "thiên nga đen" và Việt Nam đã vượt qua tốt sự kiện này. Tôi tin rằng, Việt Nam cũng sẽ giải quyết tốt các thách thức mới trong tương lai"-xin dùng câu nói này của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế vượt qua những thử thách sắp tới.