Nhiều dự báo lạc quan trong năm 2023

Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ ở mức 6,5%. Lĩnh vực kinh tế được dự báo sẽ gặp khó khăn nhưng nhiều dự báo lạc quan cũng được đưa ra.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ cần nhiều lao động trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN NAM
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ cần nhiều lao động trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN NAM

Vào cuối năm 2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 15,5 tỷ USD để Việt Nam giảm sản lượng điện than, hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.

Thỏa thuận hợp tác này được gọi là Đối tác chuyển đổi năng lượng bình đẳng (JETP) với bốn mục tiêu: đẩy thời kỳ phát thải cao nhất của Việt Nam lên sớm hơn từ năm 2035 xuống còn 2030; giảm mức phát thải cao nhất hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn CO2 xuống còn 170 triệu tấn; hạn chế công suất tối đa nhiệt điện than của Việt Nam từ 37GW xuống còn 30,2GW; đạt 47% tỷ trọng hỗn hợp điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng so với con số 36% trong kế hoạch hiện tại.

JETP sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch khử carbon của Việt Nam khi các thị trường phát triển tăng cường nỗ lực hỗ trợ các thị trường mới nổi trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh phải theo đuổi mục tiêu giảm khí thải.

Năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành du lịch. Việc dỡ bỏ các hạn chế biên giới sẽ giúp ngành du lịch phục hồi trở lại. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay chỉ vào khoảng 3,5 triệu, tương đương khoảng 18% trong tổng số 19 triệu lượt khách quốc tế mà Việt Nam đã đón trong năm 2019. Để so sánh thì Thailand đón khoảng 10 triệu lượt khách, chỉ bằng 25% so với mức trước Covid-19 (Thailand ghi nhận 41 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019).

Sự phục hồi của ngành du lịch có thể tăng tốc trong các quý tới, khi Trung Quốc đã loại bỏ chính sách Zero-Covid. Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng thứ hai về đón khách Trung Quốc với hơn 5,8 triệu lượt năm 2019, chiếm 32,7% tổng số khách quốc tế và gần 5 triệu lượt trong năm 2018 (32%). Doanh thu từ thị trường Trung Quốc năm 2018 là 94.700 tỷ đồng (24,7% tổng doanh thu du lịch của cả nước).

Hiện tại, các lĩnh vực ưu tiên được xác định để phục hồi thị trường du lịch là việc đơn giản hóa các quy định về thị thực và bảo đảm thông tin liên lạc hiệu quả, bảo đảm đủ nguồn vốn cho ngành du lịch, tạo môi trường thuận lợi và toàn diện cho khu vực tư nhân hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và tập trung vào thị trường.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với ngành sản xuất tại Việt Nam. Điều này xảy ra do nhu cầu toàn cầu giảm, trong khi ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, có một số tín hiệu lạc quan khi một số doanh nghiệp như Samsung, LG từ Hàn Quốc và Apple của Mỹ đã ký kết hợp tác xây dựng nhà xưởng để sản xuất các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam. Vừa qua, BMW Group đã hợp tác với Thaco để sản xuất các loại xe BMW trong nước. Công ty Apple cũng có kế hoạch lần đầu chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính MacBook - sản phẩm “đinh” của công ty sang Việt Nam. Apple đã làm việc với Foxconn để có thể sản xuất MacBook tại Việt Nam vào khoảng tháng 5 năm nay.

Việc chuyển khâu sản xuất này sang Việt Nam mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp cần thiết để sản xuất loại máy tính này. Một chuyên gia cho biết: “Sau khi thay đổi địa điểm sản xuất MacBook, tất cả các sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc… iPhone ở Ấn Độ và MacBook, Apple Watch, iPad ở Việt Nam. Những gì Apple muốn bây giờ là thêm tùy chọn “ra khỏi Trung Quốc” đối với ít nhất một phần sản xuất cho tất cả các sản phẩm của họ”.

Lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam đã bùng nổ, vượt qua thời kỳ đại dịch, trở thành một trong những lĩnh vực hoạt động tích cực, tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Theo báo cáo chung của Do Ventures và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), 1,4 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2021. Đây là một sự cải thiện rõ rệt so với kỷ lục 874 triệu USD trước đó vào năm 2019.

Làn sóng đầu tư này kéo theo sự gia tăng nhu cầu đối với lao động công nghệ có tay nghề cao tại Việt Nam. Cập nhật thị trường lao động Việt Nam vào quý III/2022 của Adecco cho thấy, năm 2022 các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 530.000 lao động nhưng sẽ thiếu 150.000. Khoảng cách giữa lượng lao động cần thiết và lượng lao động sẵn có sẽ tăng lên 195.000 vào năm 2024.

Hiện tại, chính phủ đã quyết tâm số hóa nền kinh tế và đang tích cực thúc đẩy các chương trình phát triển công nghiệp 4.0. Với việc nới lỏng các đơn đặt hàng sản xuất, sẽ có động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này và điều này có thể dẫn đến chính sách thuận lợi hơn và khuyến khích đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực công nghệ thông tin.