Nhiều chỉ số vĩ mô lạc quan

Với tăng trưởng GDP trong quý III lên tới 13,7% so cùng kỳ năm trước, Việt Nam hiện nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Gần đây, tờ Economist đã có bài viết “Việt Nam đang nổi lên như một người chiến thắng trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa”, trong đó mô tả Việt Nam đang có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, đi ngược lại xu hướng đình trệ đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NAM ANH
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NAM ANH

Trong quý III/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước với một loạt các khía cạnh khởi sắc trong kinh tế vĩ mô. Trong ba quý đầu năm, GDP tăng 8,8%. Hồi phục và tăng trưởng diễn ra mạnh nhất trong lĩnh vực dịch vụ (43,1% GDP), tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước, nhờ sự phục hồi của ngành bán buôn và bán lẻ (tăng 10,2%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 41,7%). Sản lượng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (36,9% GDP) tăng 9,6%; lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh ở mức 10,7% so cùng kỳ năm trước.

Có được sự tăng trưởng mạnh mẽ này là nhờ Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (20,0% GDP) đạt mức tăng trưởng 3% so cùng kỳ năm trước nhờ tình hình chăn nuôi ổn định. Trong chín tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực tế, được điều chỉnh theo ảnh hưởng của giá, đạt 16,8% so cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước trong chín tháng năm 2022 tăng 22%, hoàn thành 94% kế hoạch năm. Có được kết quả thu ngân sách này là nhờ thu từ dầu thô tăng 103,5% và thu từ thuế xuất nhập khẩu tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước. Mặt khác, chi tiêu chính phủ trong chín tháng qua chỉ đạt 60,9% kế hoạch cả năm (tăng 5,4%). Nguyên nhân chính là do chậm giải ngân vốn đầu tư công, mới chỉ hoàn thành 46,7% kế hoạch. Với những xu hướng này, Chính phủ có khả năng sẽ thặng dư tài khóa khoảng 10,3 tỷ USD vào cuối quý III. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh kể từ đầu tháng 9. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Vì thế, chi tiêu chính phủ sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP trong quý IV/2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9 tăng 0,4% so tháng trước, do giá lương thực, thực phẩm tăng (+ 3,6%) và chi phí giáo dục tăng lên (+ 8,4%). Trong tháng 9, một số tỉnh đã điều chỉnh học phí khi bước vào năm học mới khiến chi phí giáo dục tăng. Giá lương thực, thực phẩm (chiếm một phần ba rổ tính CPI) chỉ có tác động rất nhẹ đến lạm phát do Việt Nam có khả năng tự cung cấp hầu hết các mặt hàng lương thực chính như gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản...

Giá cả hàng hóa hiện vẫn ở mức cao hơn so với năm ngoái, khiến lạm phát có thể lên tới gần 4,5% trong tháng tới, nhưng sau đó dự kiến lạm phát sẽ bắt đầu giảm dần và dừng ở ngưỡng 4% vào cuối năm 2022 theo xu thế giá hàng hóa đang giảm dần.

Giá trị xuất khẩu (282,5 tỷ USD) và nhập khẩu (276 tỷ USD) lần lượt tăng 17,3% và 13% trong chín tháng đầu năm, cho thấy con số thặng dư thương mại vừa phải là 1,1 tỷ USD trong tháng 9 và 6,5 tỷ USD trong chín tháng. Xuất khẩu và nhập khẩu đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong dài hạn do Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới, nhưng sự suy giảm kinh tế hiện tại ở Mỹ và thị trường EU có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng trong quý IV.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam ghi nhận là 52,5 trong tháng 9, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất. Điều kiện về hoạt động sản xuất đã được củng cố trong 12 tháng liên tiếp. Các đơn đặt hàng mới gia tăng, thúc đẩy khu vực sản xuất tăng trưởng sản lượng, việc làm…

Trong tháng 9, giải ngân vốn FDI tại Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ. Qua đó, con số giải ngân vốn FDI cho chín tháng đầu năm là 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản nhằm hỗ trợ tiền tệ trong nước, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhiều chính sách để chống lạm phát. Bất chấp việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định tỷ giá hối đoái, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với lạm phát có thể kiểm soát được. Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. So với hồi đầu năm, VND đã mất giá 4,5% so với USD nhưng do Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài tích cực từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, nhiều khả năng đồng Việt Nam sẽ tăng giá trong quý IV và kết thúc năm với mức giảm giá 3-4%. Đây là mức giảm giá nhẹ so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Những chỉ số kinh tế lạc quan trong quý III và trong cả chín tháng đầu năm 2022 đã khiến cho nhiều dự báo trước đó phải thay đổi. Nếu không xảy ra yếu tố bất ổn, GDP cả năm 2022 dự kiến tăng trưởng từ 7,5 đến 8,5%.