Nhiệm vụ “thay đổi cán cân”

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vừa bổ nhiệm ông Simon Stiell, cựu Bộ trưởng Ứng phó khí hậu của quốc đảo Grenada trở thành Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Ông Simon Stiell nhận trọng trách mới trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia UNFCCC (COP27) dự kiến diễn ra ở Ai Cập vào tháng 11 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Simon Stiell phát biểu ý kiến tại một hội nghị khí hậu của LHQ. Ảnh: RFI
Ông Simon Stiell phát biểu ý kiến tại một hội nghị khí hậu của LHQ. Ảnh: RFI

Ông Stiell sẽ kế nhiệm bà Patricia Espinosa, người Mexico, cho nhiệm kỳ ba năm sắp tới. Trước đó, bà Patricia Espinosa đã điều hành chương trình chống biến đổi khí hậu (BĐKH) lớn nhất của LHQ trong suốt hai nhiệm kỳ. Ông Stiell đã có sự nghiệp 33 năm hoạt động chống BĐKH tại Grenada và có kinh nghiệm rộng lớn trong các vấn đề song phương, khu vực và đa phương. Reuters trích dẫn thông cáo báo chí của văn phòng Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao ông Stiell là người đi đầu trong việc “xây dựng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Ông Simon Stiell là “gương mặt thân quen” thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ. Dù vậy, việc nhận trọng trách mới ngay trước thềm COP27 cũng đặt ra cho ông không ít thách thức. Khác những lần trước, COP27 tới đây sẽ là “sân khấu” lớn nhất mà ông giữ vai trò chủ trì. Đây là sự kiện lớn nhất về BĐKH của thế giới, diễn ra sau một năm kinh tế toàn cầu ghi nhận không mấy khởi sắc và nhiều vấn đề địa-chính trị đã khiến các nước không thực hiện hoặc trì hoãn các cam kết về khí hậu.

Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho người đứng đầu UNFCCC về việc thay đổi cán cân trong cuộc chiến chống BĐKH, điều phối để đạt được mục tiêu phù hợp về lợi ích và nghĩa vụ cho mỗi thành viên của UNFCCC. Với việc hội nghị cấp cao COP27 tổ chức ở châu Phi, đây được xem là cơ hội lớn cho các nhà ngoại giao và đàm phán của những quốc gia dễ bị tổn thương do BĐKH. Dưới sự điều phối của ông Stiell, họ có cơ hội để lên tiếng về những tổn thất và thiệt hại đang phải gánh chịu, từ đó làm điều kiện buộc các nhà phát thải lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu phải bồi thường cho những thiệt hại kinh tế do khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, việc kêu gọi các nước gây ô nhiễm chủ yếu trên thế giới thực hiện cam kết cung cấp tài chính cho những quốc gia dễ bị tổn thương vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi mỗi kỳ họp cấp cao UNFCCC, nhưng lại chưa thể tháo gỡ. Các quốc gia phát triển một mặt hứa hẹn đặt ra mục tiêu khí hậu quyết liệt hơn, mặt khác luôn tìm cách từ chối hoặc cắt giảm nghĩa vụ tài chính với những nước nghèo. Một báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố cho thấy, các nước giàu đã bỏ lỡ mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD vào năm 2021 để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó BĐKH. Trong khi đó, nguồn vốn này mới là chìa khóa để chuẩn bị cho các hành động ứng phó trong tương lai khi các hiện tượng cực đoan như nhiệt độ khắc nghiệt, mực nước biển dâng cao, bão, hạn hán… được dự báo xảy ra thường xuyên hơn.

Một phân tích của LHQ về cam kết của các quốc gia theo thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2015 cho thấy, lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn 16% so năm 2010, nghĩa là không thể đạt được mức giảm 45% vào năm 2030 theo mục tiêu chung. Báo cáo trích dẫn: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang tạo ra khoảng 80% lượng khí thải của toàn thế giới. Vì vậy, theo ông Simon Stiell, các quốc gia này phải thực hiện cam kết duy trì một mục tiêu toàn cầu nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của BĐKH.

Ông Simon Stiell cũng khẳng định, nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian từ nay đến hội nghị cấp cao COP27 là hối thúc nhóm G20 đẩy mạnh các mục tiêu giảm phát thải trong nước và cam kết vận động viện trợ khí hậu quốc tế. Song, do khoảng cách giữa các quốc gia phát triển với phần còn lại còn khá xa, sự thiếu tin cậy giữa các nước thành viên cũng như việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nước không còn tập trung vào các nỗ lực chống BĐKH.