Nhiệm vụ cấp bách

Hợp tác nhằm đưa ra các giải pháp chung đồng bộ cho các khó khăn trước mắt cũng như chiến lược dài hạn cho những "thách thức thế kỷ" đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với các nhà lãnh đạo và giới khoa học, trong bối cảnh nhiều mục tiêu quan trọng có nguy cơ "lỡ hẹn".

EasyJet đặt mục tiêu giảm lượng phát thải 35% vào năm 2035.
EasyJet đặt mục tiêu giảm lượng phát thải 35% vào năm 2035.

1. Thúc đẩy tăng sản lượng nhiên liệu toàn cầu đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, sản lượng của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022. Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa cho biết, EU và Mỹ đang thảo luận với tất cả các quốc gia khai thác dầu khí và cố gắng thuyết phục các nước tăng sản lượng, giúp ích cho thị trường thế giới.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo: Xung đột tại Ukraine có thể gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Theo IEA, sau khi giảm một triệu thùng/ngày trong tháng 4, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể giảm đến ba triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022. Hiện Mỹ và một số nước giàu có đã quyết định trích kho dự trữ khẩn cấp để giúp bình ổn giá dầu thế giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman cho biết, Riyadh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh bao gồm cả Nga, sẵn sàng tăng sản lượng dầu thô nếu các thị trường có nhu cầu.

2. Tháng 10/2021, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) gồm 290 hãng hàng không, chiếm 83% vận tải hàng không toàn cầu, đã cam kết trung hòa carbon. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một trong các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, năm ngoái cũng khởi động một sáng kiến chiến lược nhằm đạt mục tiêu đưa phát thải ròng CO2 về mức 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, hôm 24/5, phát biểu tại Hội nghị cấp cao hàng không vũ trụ toàn cầu ở Thủ đô của UAE, Giám đốc điều hành hãng hàng không Etihad Airways (có trụ sở tại Abu Dhabi) Tony Douglas cho biết: Việc thực hiện mục tiêu nói trên là thách thức lớn nhất đối với hàng không thương mại. Ông khẳng định: "Cơ chế vật lý của các máy bay động cơ khiến mục tiêu thải khí bằng không là cực kỳ khó đạt được trong tương lai gần".

3. Ngày 23/5, các bác sĩ và các nhà khoa học tại Mỹ đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên nhằm giải mã nguyên nhân khiến một số người phải vật lộn với hội chứng "Covid kéo dài" (Long Covid) - một trong những "bí ẩn" lớn nhất trong đại dịch. Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã bắt đầu phân tích bệnh án của hàng trăm bệnh nhân, nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến những người này mắc hội chứng Covid kéo dài.

Nhiệm vụ cấp bách -0
Các nhà khoa học đang tìm cách giải mã nguyên nhân gây ra hội chứng "Covid kéo dài". 

Theo Tiến sĩ Michael Sneller phụ trách nghiên cứu, điều trước tiên các nhà khoa học ghi nhận là hơn một nửa số bệnh nhân Covid-19, dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau nhiều tháng nhưng vẫn có các triệu chứng mệt mỏi, sương mù não, đau đầu, tức ngực và nhiều biểu hiện khác. Điều thứ hai là các nhà khoa học hiện chưa thể tìm thấy bằng chứng về việc virus vẫn tồn tại hoặc ẩn náu trong cơ thể. NIH đang tiếp tục tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và chuyên sâu hơn với hàng nghìn bệnh nhân, nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây hội chứng Covid kéo dài.

4. Sau thời gian dài trì hoãn, cuối cùng tuyến đường sắt Crossrail tại thành phố London đã chính thức khai trương ngày 24/5. Theo Sở Giao thông London, tuyến đường sắt Crossrail, hay còn gọi là tuyến Elizabeth theo tên của Nữ hoàng Anh, dự kiến vận chuyển 200 triệu hành khách/năm và sẽ giúp công suất của mạng lưới tàu điện ngầm của London tăng thêm 10%.

Dự án bắt đầu được thi công từ năm 2010 với tổng chi phí xây dựng 18,8 tỷ bảng Anh và là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó. Khi vận hành đầy đủ, đường tàu mới nhất của London sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa khu trung tâm thương mại Canary Wharf và sân bay Heathrow xuống còn 38 phút thay vì ít nhất một giờ nếu sử dụng hệ thống tàu điện ngầm hiện nay. Đoàn tàu điện ngầm mới có thể chở 1.500 hành khách với tốc độ 145 km/h.