Nhiệm vụ cấp bách của NATO

Các nhà lãnh đạo 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc hội nghị cấp cao của khối tại Madrid, Tây Ban Nha. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi cuộc gặp lần này là sự kiện lịch sử của liên minh, bởi môi trường an ninh trong tình hình mới đang đặt ra hàng loạt nhiệm vụ cấp bách đối với NATO.

Biểu ngữ có in biểu trưng NATO tại lối vào trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 19/4/2018. (Ảnh: Reuters)
Biểu ngữ có in biểu trưng NATO tại lối vào trụ sở của NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 19/4/2018. (Ảnh: Reuters)

"Biến đổi" có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao NATO kéo dài ba ngày (từ ngày 28 đến 30/6) tại Madrid.

Trong buổi họp báo ngay sau lễ bế mạc hội nghị, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, NATO vừa kết thúc một hội nghị cấp cao lịch sử mang tính chuyển đổi, với những quyết định sâu rộng nhằm củng cố khối đồng minh. Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh, các quyết định được đưa ra tại Madrid sẽ bảo đảm để NATO, liên minh quân sự 73 năm tuổi, tiếp tục giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ người dân và các giá trị của khối.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình nghị sự là cập nhật khái niệm chiến lược của NATO, trong đó vạch ra các giá trị và mục tiêu của liên minh trong thập niên tới. Khái niệm chiến lược gần đây nhất của NATO được thông qua năm 2010, đã phục vụ rất tốt cho hoạt động của liên minh, song dần bộc lộ những điểm không còn phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Các thành viên NATO nhất trí về sự thay đổi cơ bản trong khả năng phòng thủ và răn đe của liên minh, với việc tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông và nâng lực lượng phản ứng nhanh lên hơn 300.000 binh sĩ. Tái khẳng định chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là một trong những mối đe dọa chính đối với an ninh của liên minh, giới lãnh đạo NATO cho rằng, trong bối cảnh mới khối cần điều chỉnh cách tiếp cận với một loạt các mối đe dọa như việc quân sự hóa không gian, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, các thách thức với sức khỏe toàn cầu, an ninh lương thực, người di cư...

Vấn đề mở rộng liên minh được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong hội nghị cấp cao lần này của NATO. Trong tuyên bố chính thức đưa ra tại hội nghị ở Madrid, các nhà lãnh đạo NATO quyết định mời Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập liên minh. NATO nhấn mạnh lời mời này chính là sự khẳng định lại cam kết đối với chính sách mở cửa liên quan quy chế thành viên của khối. Nghị định thư gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan và Thụy Ðiển sẽ được ký vào ngày 5/7 tới. Giới chức NATO cũng đã gặp gỡ các đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy giải pháp ứng phó các thách thức khu vực và toàn cầu hiện nay. Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được mời tham gia hội nghị cấp cao NATO lần này.

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên cũng đồng ý đầu tư nhiều hơn cho NATO và tăng nguồn tài trợ chung. Một quỹ đổi mới NATO trị giá một tỷ USD đã được nhất trí thành lập tại hội nghị. Tổng Thư ký NATO cho biết, chín trong số 30 quốc gia thành viên đã đạt hoặc vượt mục tiêu chi 2% GDP hằng năm cho quốc phòng và các thành viên khác cũng xây dựng kế hoạch rõ ràng để đạt mục tiêu này vào năm 2024.

Những tuyên bố đầy quyết tâm đã được các nhà lãnh đạo NATO đưa ra, song giới phân tích cho rằng, thách thức sẽ ngày càng gia tăng đối với từng mục tiêu mà liên minh đề ra. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga "không bận tâm" về việc Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập NATO, song cảnh báo Moskva sẽ "phản ứng tương xứng" trước bất kỳ mối đe dọa nào.

Vấn đề tăng ngân sách của NATO cũng được dự báo tiếp tục gặp trở ngại. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ chi 3,5% GDP cho quốc phòng, Anh chi 2,2%, trong khi Ðức, Italia, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều chưa đạt mục tiêu 2%. Trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm và nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang cùng một loạt thách thức kinh tế đặt ra sau đại dịch Covid-19, việc nâng hạn ngạch chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng có thể vấp phải sự phản đối, khi có quá nhiều yêu cầu khác được cho là cấp bách hơn ■