Nhiệm vụ bất khả thi

Đã từng lóe lên, và lại phụt tắt như bao lần trước, triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) một lần nữa rơi vào bế tắc. Cũng không thể loại trừ khả năng, những diễn biến tiếp nối vẫn còn có thể trở nên u ám hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 17/10, thêm 11 cá nhân (bao gồm cả Bộ trưởng Thông tin Iran Issa Zarepour) và bốn thực thể của Iran (bao gồm các đơn vị thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) tiếp tục bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Danh sách trừng phạt đã được đăng trên công báo chính thức của EU. Những cá nhân và thành viên của các thực thể bị trừng phạt sẽ bị EU cấm cấp thị thực, đồng thời phong tỏa tài sản.

Và bốn ngày trước đó, 13/10, người phát ngôn Nhà trắng John Kirby khẳng định: Việc đạt được đồng thuận giữa các bên để khôi phục JCPOA, trong tình hình hiện nay cũng như trong tương lai gần, là bất khả thi.

Vẫn là khúc mắc cũ, khi cả Iran lẫn Mỹ (cũng như phương Tây nói chung) đều nhất quyết không khoan nhượng ở các vấn đề mấu chốt, thí dụ như việc dỡ bỏ vô điều kiện mọi biện pháp trừng phạt đã từng được áp đặt, đổi lấy việc Iran vãn hồi các cam kết về làm giàu urani (thay vì tăng cường như trong thực tế thời gian qua).

Tuy nhiên, những biến động địa chính trị toàn cầu của thế giới phẳng hiện đại đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết, đến cuộc tranh cãi chưa hồi kết gắn liền với JCPOA này.

Ai cũng có thể đoán được Tehran sẽ phản ứng như thế nào với các lệnh trừng phạt bổ sung mới nhất từ EU- "Những hành động phi lý và thiếu tính xây dựng", nói như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Naser Kanani.

Cùng với đó, ngày 14/10, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei phát biểu: "Các dân tộc đã được thức tỉnh", để không còn chấp nhận "một thế giới đơn cực đang dần mất đi tính hợp pháp", mà trong thế giới đó, một số cường quốc sẽ tìm cách áp đặt ý chí của mình cho các nước khác như những gì đã xảy ra ở Iraq, Syria, Iran và Lebanon.

Cộng thêm việc các thiết bị bay không người lái được cho là có xuất xứ từ Iran vẫn đang oanh tạc dữ dội không phận Ukraine, tuyên bố trên hiển nhiên là một động thái "chọn phe" đầy thách thức, mà nước Mỹ sẽ khó mà "vui vẻ chấp nhận".

JCPOA, vì thế, lại càng khó có thể được hồi sinh hơn, trong cục diện đối đầu đang được tô đậm thêm bởi tuyên bố từ Tehran ngày 15/10 (theo Reuters): "Trong những ngày gần đây, chính phủ và các quan chức Mỹ đã liều lĩnh cố gắng kích động tình trạng bất ổn ở Iran. Họ viện nhiều cớ và bằng mọi cách có thể, đã hỗ trợ cho các cuộc bạo động ở đất nước chúng tôi, gây ra tình trạng bạo lực".

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại cũng không giấu diếm sự kinh ngạc của mình, trước "lòng can đảm của những người xuống đường biểu tình tại Iran". Vấn đề là khi phát ngôn như vậy, ông chủ Nhà trắng hiện tại dường như cũng không còn quá ưu tiên cho việc "giữ hòa khí" để hướng tới vãn hồi JCPOA - một điểm quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của ông nữa.

Mà hiện tại, bối cảnh thế giới có lẽ cũng đang không cho phép người đứng đầu nước Mỹ tỏ ra "mềm yếu", trước rất nhiều sự thách thức dành cho trật tự thế giới đơn cực mà họ luôn muốn duy trì, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thậm chí, nếu đảng Cộng hòa thắng thế sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, những động thái cứng rắn với Iran có thể còn được đẩy lên những tầm mức mới, như cách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng thực hiện.

Và như vậy, bất chấp mọi tín hiệu lạc quan đã từng lấp lóe, JCPOA vẫn sẽ chỉ là những gạch đầu dòng mơ hồ…