Vẻ đẹp của những con số

Abel, giải thưởng vốn được ví như Nobel Toán học năm nay được trao cho học giả Hungary - Laszlo Lovasz (ảnh bên). Song, bản thân nhà toán học này và bạn bè ông đón nhận thông tin trên một cách vô cùng bình thản. Giới Toán học không một ai chưa từng nghe tên Lovasz, và họ biết ngày ông nhận giải Nobel sớm muộn cũng sẽ đến.

Vẻ đẹp của những con số

Tiến sĩ trước, rồi mới cử nhân

“Ở Hungary, nơi những tài năng toán học đua nhau nở rộ, ông ấy tỏa sáng từ rất trẻ và nổi bật hơn bất cứ ai” - là nhận xét của Avi Wigderson, người cùng nhận giải Abel với Lovasz. Đó hoàn toàn không phải lời nói suông. Lovasz sinh ra trong “thế hệ vàng” của các nhà toán học Hungary, và ông vượt qua từng người một.

Tên tuổi Lovasz lần đầu được thế giới biết đến ở Olympic Toán 1964. Trong vòng ba năm liên tiếp, ông đại diện đội tuyển Toán Hungary giành ba huy chương vàng và một huy chương bạc. Ở các kỳ Olympic Toán 1965 và 1966, Lovasz thậm chí còn giành số điểm tuyệt đối. Bảng thành tích rực rỡ đó giúp Lovasz được tuyển thẳng vào Trường đại học Eotvos Lorand, nơi chuyên đào tạo những nhà khoa học hàng đầu Hungary.

Không lâu sau khi Lovasz bước vào giảng đường đại học, các giảng viên của trường nhận ra họ chẳng còn điều gì để dạy ông cả. Lovasz am hiểu mọi lĩnh vực toán học, dễ dàng giải quyết những vấn đề hóc búa. Ông còn có khả năng giải thích, trình bày theo cách vô cùng dễ hiểu. Nhiều nhà toán học nước ngoài đến Hungary để tìm gặp “học giả Lovasz” đã rất bất ngờ khi người tiếp đón họ chỉ là một cậu nhóc trạc tuổi đôi mươi.

Năm 1971, Lovasz tốt nghiệp đại học ở tuổi 23. Nhưng trước đó một năm ông đã nhận bằng tiến sĩ. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành giáo dục Hungary, và có lẽ trên toàn thế giới. Lý do bởi Lovasz đã làm nghiên cứu sinh, tham gia giảng dạy ở các hội thảo quốc tế ngay từ năm thứ hai đại học. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục thời đó không cho phép sinh viên tốt nghiệp trước hạn, nên Tiến sĩ Lovasz phải đợi một năm sau mới chính thức được công nhận là... cử nhân.

Nhìn trước tương lai

Cùng thời điểm Bill Gates tại Mỹ lập nên Tập đoàn Microsoft, bên kia bờ Đại Tây Dương, có một người cũng nhìn ra được tương lai của sự bùng nổ máy tính và các sản phẩm công nghệ. Thế nên, một trong những lĩnh vực Lovasz đặc biệt quan tâm sau khi trở thành tiến sĩ ở tuổi 22 chính là Khoa học máy tính. Ông say mê tìm hiểu thuật toán và phương pháp lập trình trên những chiếc máy tính cổ lỗ sĩ thời ấy. Ông hồi tưởng: “Tôi rất may mắn trải qua một trong những thời kỳ mà toán học phát triển song hành với một ứng dụng hoàn toàn mới”.

Thời thế tạo anh hùng. Ở buổi hồng hoang của khoa học máy tính, những nghiên cứu của Lovasz đã tạo bước đột phá ảnh hưởng cho đến tận ngày nay. Lý thuyết số, tiền điện tử, máy tính di động... đều là những sản phẩm chịu ảnh hưởng từ nghiên cứu của Lovasz. Nếu không có ông, có lẽ giờ đây chúng ta vẫn chỉ sử dụng điện thoại bàn, làm việc với những chiếc máy tính “rùa bò” như ở thập niên 80 của thế kỷ trước.

Say mê với khoa học máy tính, nhưng Lovasz vẫn không quên mày mò tìm hiểu những khía cạnh khác của toán học. Làm thế nào mà một con người có thể toàn diện đến vậy? Miklos Simonovits, người đàn anh của Lovasz giải thích: “Có nhà toán học tư duy bằng hình ảnh, người lại tư duy bằng công thức. Lovasz có thể nghĩ theo cả hai hướng đó. Cậu ấy khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại”.

Biết đến tiếng tăm của Lovasz, Bill Gates đã trực tiếp mời ông về làm việc. Trung tâm nghiên cứu của Microsoft có hai người là Jennifer Chayes và Christian Borgs là trưởng nhóm. Xét về vị trí thì họ đứng trên Lovasz, nhưng cả hai đều kính cẩn nhận làm học trò của ông. Xét về lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng cơ bản, không ai giỏi hơn Lovasz.

Vì thế hệ sau

Danh tiếng của Lovasz giúp ông trở thành ngôi sao sáng được nhiều đất nước, tập đoàn lớn mời về nghiên cứu khoa học máy tính. Nhưng phải đến năm 1993, khi đã 45 tuổi, Lovasz mới chính thức xuất ngoại làm việc. Ông sống ở Mỹ 13 năm, làm Giáo sư Trường đại học Yale và chuyên gia nghiên cứu tại Microsoft, nhưng sau một chặng đường, ông chọn về lại Hungary làm việc. 

Trở về quê nhà, Lovasz được bầu giữ những cương vị cao nhất trong giới nghiên cứu học thuật: Giám đốc Viện Toán học Trường đại học Eotvos Lorand, Chủ tịch Hội Liên hiệp Toán học quốc tế, Chủ tịch Viện Khoa học Hungary. Nhưng ở cương vị nào, Lovasz vẫn luôn sống khiêm tốn và giản dị. Ông không ham viết quá nhiều công trình nghiên cứu, mà dành phần lớn thời gian cho công tác quản lý và giảng dạy.

Một trong những tiêu chí xét giải Abel là việc truyền cảm hứng đến các thế hệ sau. Với Lovasz, ông không ngần ngại tiếp bất kỳ ai. Một cậu sinh viên cũng có thể gõ cửa vào phòng làm việc của ông xin lời tư vấn, miễn là đem đến một bài toán thú vị. Balazs Szegedy, một trong những học trò cưng của Lovasz, thậm chí còn ví ông như “Ferenc Puskas (cựu danh thủ bóng đá Hungary) của giới toán học”.

“Mọi người thường nghe về sự vĩ đại của Lovasz, nhưng với chúng tôi, ai cũng có thể gọi ông bằng tên thân mật “Laci”. Ông thích viết sách, giải thích vấn đề tường tận, rõ ràng và cho chúng tôi những bài tập thú vị”, Szegedy nói. “Với những nhà khoa học trẻ, ông chào đón họ bằng sự rộng lượng và cởi mở tưởng như không có giới hạn. Mỗi lần trò chuyện với ông là một lần chúng tôi mở mang đầu óc”.

Tầm ảnh hưởng và uy tín của Lovasz lớn đến mức đồng nghiệp sẵn sàng gửi gắm con cái họ cho ông. Avi Wigderson, người đồng nhận giải Abel với Lovasz có một cậu con trai muốn theo nghiệp nghiên cứu toán học. Thay vì để cậu quý tử tiếp tục dùi mài kinh sử ở Mỹ, Wigderson nhắn nhủ anh: “Hãy đến Hungary một thời gian và làm học trò của Lovasz. Ta tin con sẽ học được nhiều điều từ ông ấy”.

Trên cương vị một nhà quản lý, Lovasz (ảnh dưới, bên phải) vẫn tận dụng tối đa thời gian mình có để tiếp tục làm một người thầy, một nhà nghiên cứu. Nếu trong tuần quá bận bịu, ông sẽ tiếp tục làm việc vào cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Nhịp độ công việc vẫn được ông duy trì đều đặn khi đã bước qua tuổi 70, nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy điều đó là khó khăn. “Suy cho cùng, sao chúng ta có thể chán nản hay mệt mỏi khi đang làm công việc mình yêu?”.

3_1-1626969635447.jpg