Người khiến Thần chết phải run rẩy

NDO -

"Tất cả chúng ta rồi sẽ chết, không chừa một ai. Đúng là trò đời! Điều đó có thể khiến chúng ta yêu nhau hơn, nhưng thực tế lại không như vậy. Chúng ta bị khủng bố và gục ngã bởi những thứ tầm phào, chúng ta bị những điều vô nghĩa nuốt chửng". Đó là lời nhà văn và nhà thơ người Đức Bu-kốp-xki (Charles Bukowski, 16-8-1920 - 9-3-1994), một người xem ra "không đủ tư cách" để dạy độc giả phải sống như thế nào.

Người khiến Thần chết phải run rẩy

Một kẻ nghiện rượu và thất bại

Đằng sau hình ảnh bệ rạc ấy lại là một người đàn ông sâu sắc, đầy nội tâm với cá tính mạnh mẽ hơn bất kỳ ai. Bu-kốp-xki dành cả cuộc đời để yêu, và để... chia tay những người tình, để uống rượu và để bị... sa thải từ hết công việc này đến công việc khác: rửa chén, tài xế xe tải, đưa thư, bảo vệ, trông nhà ga, nhân viên kho bãi, thư ký bưu điện, và thậm chí là điều hành thang máy. Ông cũng đã từng làm việc trong một nhà máy sản xuất thức ăn cho chó, một lò mổ, một nhà máy sản xuất bánh kẹo, hay đi treo bích chương quảng cáo ở các ga tàu điện ngầm tại Niu Oóc (New York).

Phần lớn cuộc đời, ông là một kẻ vô danh thất bại. Bu-kốp-xki mất 30 năm mới ra được cuốn sách đầu tiên, chỉ để nhận một khoản nhuận bút khá ít ỏi. Khi chấp nhận ký vào thỏa thuận ấy, nhà văn viết: "Tôi có hai sự lựa chọn - ở lại Bưu điện (khi ấy, ông đang là một nhân viên đánh máy chữ ở Bưu điện) và phát điên, hoặc rời khỏi đó để tập trung vào nghiệp viết lách để rồi chết đói. Tôi đã quyết định chết đói!".

Ở tuổi 49, ông chấm dứt một chuỗi những công việc để sống và yêu: "Bạn tôi, hãy tìm thứ gì bạn yêu và để nó giết bạn.

Hãy vắt kiệt bản thân. Để nó leo lên lưng bạn và cùng nó chìm vào cõi hư vô. Để nó giết bạn và ăn tươi nuốt sống những gì còn sót lại".Ông đã viết lách từ năm 24 tuổi, nhưng chán nản vì không được in tác phẩm, đã chìm vào những cơn say trong suốt 10 năm, rồi những công việc vô nghĩa, cho đến khi lại quay về với văn chương vào thời điểm mà một vết loét dạ dày đã đẩy ông đến rất gần cái chết.

Bu-kốp-xki và các tác phẩm của ông, vì thế, trung thực đến trần trụi.

Ông sẽ cho tất cả biết những gì tốt nhất và tồi tệ nhất của bản thân không chút do dự, không một chút xấu hổ thẹn thùng trong ánh mắt và không luôn cả câu lầm bầm "Xin lỗi vì điều đó!", dù là thoảng qua trong suy nghĩ. Văn chương của ông được mô tả là "vòng nguyệt quế của tầng lớp hạ lưu".

"Chỉ có đám tâm thần mới mua sách của tôi"

Bu-kốp-xki hiểu điều mà hầu hết người ta không nhìn thấy: những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống này đôi khi thật xấu xí. Bạn không thể sống chỉ với một mặt của cuộc đời. Bạn không thể yêu mà không đau đớn.

Không thể nhận ra ý nghĩa và sự sâu sắc của nó mà không phải hy sinh: "Tôi nhận được nhiều bức thư mắng rằng:"Này Bu-kốp-xki, mày thối tha như thế mà vẫn còn tồn tại được, thì tao quyết định không tự tử nữa". Đám ấy - những kẻ thất bại, tâm thần, vô phúc - mua tác phẩm của tôi, và tôi tự hào vì điều đó!".

Những khái niệm và ý tưởng về mục đích của cuộc sống đã trở nên quá phổ biến. Chúng ta không chỉ muốn kiếm tiền hoặc tạo ra một sự nghiệp làng nhàng. Chúng ta muốn gì đó quan trọng hơn thế. Chúng ta muốn được chú ý, muốn được mọi người phải ngước nhìn. Nhưng, những ý tưởng ấy thường được trình bày một cách dễ dãi, vẽ ra một viễn cảnh mãn nguyện và hạnh phúc, mà trong đó, chúng ta làm một công việc yêu thích, cảm thấy viên mãn, kiếm ra tiền ngay cả khi đang kê cao gối ngủ.

Còn Bu-kốp-xki nhìn thấy ý nghĩa ấy trong một hành trình đi qua những thứ "chết tiệt, ngập trong bùn đất và những giọt mưa đá to bằng quả bóng gôn quất vào mặt".Ấy thế mà bạn vẫn phải yêu nó. Phải thật sự yêu nó.

"Điều đáng kể nhất là cách bạn băng qua ngọn lửa như thế nào!".

Trong mắt ông, tìm kiếm đam mê và mục đích trong cuộc sống là một quá trình thử lửa. Bạn không thể chỉ đơn giản là bất chợt thức dậy vào một ngày và trở nên hạnh phúc với một công việc mãi mãi. Bạn phải thử, phải chú ý xem mình cảm nhận nó như thế nào, điều chỉnh và thử lại. Không ai tìm ra một cuộc đời ý nghĩa cho riêng mình với lần thử đầu tiên. Họ thậm chí mất đến hàng chục, hàng trăm lần.

Giống như cách Bu-kốp-xki đã làm: Dấn thân vào biết bao công việc, trước khi biết cuộc sống của mình nằm ở đâu. Giống như khi bạn yêu: Một số sẽ trải qua "tình yêu sét đánh", nhưng hầu hết các mối quan hệ phải trải qua những thử thách, mà chúng ta phải xây đắp, từng mảnh từng mảnh một, sau hàng năm, bằng mồ hôi và nước mắt, cho đến khi nó tự đứng trên đôi chân của chính mình.

"Nếu bạn nỗ lực, hãy làm cho đến cùng"

Gien Phao-lơ (Gene Fowler, nhà báo, nhà văn và nhà viết kịch người Mỹ), từng nói: "Viết lách là một công việc dễ dàng lắm, tất cả những gì bạn phải làm là ngồi nhìn chằm chằm vào một tờ giấy trắng, cho đến khi nó thấm những giọt máu chảy xuống từ trán của bạn".

Bu-kốp-xki đã vắt kiệt 14 năm cuối đời mình, ngả nghiêng với những cơn say và cả sự kiệt quệ của căn bệnh máu trắng, để lại hàng nghìn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn và sáu tiểu thuyết, cùng hơn 60 cuốn sách đã được xuất bản.

Từ thời điểm ấy, không bao giờ cây bút ấy rơi xuống, dù trong hoàn cảnh nào: "Nếu bạn nỗ lực, hãy làm cho đến cùng. Không thì đừng bao giờ bắt đầu. Điều đó có nghĩa là bạn có thể mất bạn gái, vợ, người thân, thậm chí là mất trí. Nó có nghĩa là bạn có thể nhịn ăn từ ba đến bốn ngày. Có nghĩa là chết cóng trên ghế đá. Nhà tù. Hoặc những lời chế nhạo, và cô lập. Sự cô lập là một món quà.

Tất cả hòng kiểm tra sức chịu đựng của bạn, xem bạn muốn làm điều đó đến thế nào. Và bạn sẽ làm, bất chấp thất bại và những hậu quả tồi tệ nhất.

Và nó sẽ đi xa hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng. Nếu bạn nỗ lực, hãy làm cho đến cùng. Không có cảm giác gì hơn thế. Bạn sẽ đơn độc cùng với các vị thần, và từ những đêm đen sẽ bùng lên ánh lửa. Bạn sẽ cưỡi lên cuộc đời và tiến thẳng đến tiếng cười viên mãn. Chỉ có cuộc chiến ấy là có ý nghĩa trong cuộc đời này".

Người khiến Thần chết phải run rẩy ảnh 1