Khi xích lại gần hơn với nguồn cội

Giữa dòng chảy bất tận của cuộc sống hiện đại, tại những nơi nào đó trên thế giới vẫn có những người nỗ lực giữ gìn phong tục, tập quán nơi mình sinh ra và lớn lên. Họ quan niệm đó mới là cách tốt nhất để duy trì bản sắc dân tộc, đồng thời tạo ra động lực phát triển trong tương lai.

Người dân Kanegasaki nhảy điệu Lộc Vũ cầu mùa màng bội thu.
Người dân Kanegasaki nhảy điệu Lộc Vũ cầu mùa màng bội thu.

Bền bỉ một ước mong

Có 7.000 ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới, song khoảng 25% trong số đó đang có nguy cơ biến mất, điều đó cũng đồng nghĩa một khối lượng khổng lồ kiến thức và văn hóa của một dân tộc không còn cơ hội được truyền lại cho thế hệ sau.

Ở tuổi gần 90, Iawa, còn được biết dưới tên Odete Kuruaya, là người cuối cùng còn sống biết sử dụng tiếng Kuruaya một cách thành thạo. Tộc người sống lẩn khuất trong rừng rậm nhiệt đới Amazon này được các học giả châu Âu nhắc đến từ hơn ba thế kỷ trước. Họ từng tập hợp thành một bộ lạc lớn với hơn 20 ngôi làng trải dọc hai bên bờ sông Xingu, nhưng tiếng nói dần mất đi theo thời gian.

Iawa sinh ra ở thập niên 30 của thế kỷ trước. Kế sinh nhai của gia đình thuở đó chủ yếu vẫn là săn bắt, hái lượm và đánh cá. Một thời gian sau, họ tiếp thu những giống cây ngoại lai như sắn, ngô, bông để chuyển sang lối sống định cư, canh tác. "Giống như bố mẹ mình, tôi lập gia đình khi còn nhỏ, nhưng cuộc sống ở bộ lạc không còn yên bình như trước nữa", Iawa hồi tưởng. Bà và cả nhà bị ép đi lao động khổ sai trong những đồn điền của người da trắng. Người Kuruaya bị chia cắt, và tiếng nói của họ cũng không còn được lưu truyền.

Bản thân Iawa cũng không nhận thức được điều ấy, cho đến ngày bà giật mình nhận ra lứa thanh niên trong làng không còn nói tiếng Kuruaya nữa. Đó là lúc bà bắt đầu truyền lại cho con cháu những ghi chép, lời dạy về phong tục, tập quán, trang phục, và cả tiếng nói của người Kuruaya thế kỷ trước. Không phải ai trong làng cũng hứng thú với chuyện đó, nhưng Iawa vẫn bền bỉ thực hiện, với ước mong tiếng nói của cha ông sẽ không bao giờ mất đi.

"Sống ngược" để gìn giữ

Nếp sống phồn hoa nơi phố thị luôn thu hút những người trẻ rời bỏ nông thôn lên thành phố, vậy khi về già họ sẽ ở đâu, làm gì? Đó là câu hỏi mà những người dân ở Kanegasaki, một thị trấn cổ hơn 1000 năm tuổi tại Nhật Bản luôn đau đáu. Các chính sách ưu đãi về thuế, nhà ở không thể níu giữ thanh niên, trong thị trấn chỉ còn những người già ở lại.

"Nơi chúng tôi ở có một điệu nhảy truyền thống cầu mùa màng bội thu. Mọi người vẫn thường gọi nó bằng tên Lộc Vũ", ông Toshio Goto, một người dân làng chia sẻ. Dù đã ở tuổi 80, ông vẫn chăm chỉ sinh hoạt cộng đồng và thực hiện những điệu nhảy truyền thống một cách thuần thục. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Hồi năm 2017, người chuyên nhảy điệu Lộc Vũ dẫn đầu cả làng phải nghỉ vì đau lưng. Khi ấy ông đã bước sang tuổi 61 và không có ai trẻ trung hơn để thay thế.

Goto không quá lo lắng trước tình trạng người trẻ rời khỏi thị trấn Kanegasaki, bởi ông tin rằng một ngày nào đó họ sẽ trở về. Trận động đất - sóng thần hồi năm 2011 tại Nhật Bản khiến nhiều người nhận ra giá trị của sinh hoạt cộng đồng. Mọi người gắn bó khăng khít với nhau hơn, và một số người trung tuổi cũng bỏ phố trở về quê. Từ chỗ không để tâm đến những hoạt động truyền thống như trước, họ chuyển sang nghĩ: "Ít ra, sao không thử nhập hội để xem có vui không nhỉ?".

Việc gìn giữ phong tục truyền thống ở những thị trấn hẻo lánh như Kanegasaki đã và đang góp phần giúp du lịch Nhật Bản phát triển trông thấy. Nhu cầu trở về nông thôn tìm hiểu văn hóa của người Nhật Bản ngày một lớn hơn theo thời gian, và điều đó giúp người dân địa phương có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Họ không còn phải nghĩ về nỗi lo cơm áo gạo tiền trong cuộc sống nữa, trong khi xích về gần hơn với nguồn cội.

Hành trình của hoàng tử móng bò

Usifu Jalloh sinh ra và lớn lên ở Sierra Leone. Anh sớm ra nước ngoài du học, nhưng điều đó chưa bao giờ khiến Usifu thôi nguôi ngoai nỗi nhớ về quê hương, đất nước, con người… dù chỉ là một giây phút ngắn ngủi. Vì nhận thấy nền văn hóa bản địa của Sierra Leone có nguy cơ mai một, anh đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm những câu chuyện cổ, rồi kể lại với bạn bè quốc tế. Biệt danh "Hoàng tử móng bò" của Usifu cũng xuất phát từ câu chuyện nổi tiếng nhất gắn liền với anh.

Bên cạnh tài năng kể chuyện thiên phú, Usifu đã nỗ lực rất nhiều để đưa văn hóa Sierra Leone vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia châu Phi nhỏ bé này. Không chỉ diễn tả bằng lời nói và chữ viết, anh còn lồng ghép vào các câu chuyện những tiếng trống, nhạc cụ địa phương chỉ Sierra Leone mới có. Nếu như điện ảnh Mỹ làm phim Chiến binh báo đen để nói về văn hóa châu Phi, thì rất lâu trước đó lục địa đen đã có "Hoàng tử móng bò" biết kể chuyện một cách đầy sâu sắc và sinh động.

"Tại sao tôi lại trở thành một người kể chuyện ư? Dễ hiểu thôi, bởi gia đình tôi toàn những người kể chuyện hay. Từ bé, mỗi tối tôi đều được ông bà, cô, dì, chú, bác kể cho nghe những câu chuyện cổ Sierra Leone", Usifu chia sẻ. "Nhưng, để truyền bá câu chuyện một cách thú vị đến với độc giả toàn thế giới, tôi cần khai phá những điều mới mẻ khác. Đó là lý do tôi đưa nghệ thuật hội họa, âm nhạc và cả những điệu nhảy dân gian vào trong câu chuyện của mình".

Usifu có thể sở hữu khối tài sản lớn hơn rất nhiều con số 10 triệu USD hiện tại, nếu như anh không sống với quan niệm "cho đi để nhận lại". Phần lớn doanh thu từ hoạt động kể chuyện của Usifu được anh chuyển về nước để tổ chức một lễ hội phi lợi nhuận thường niên có tên Maambena Fest. Bên cạnh việc truyền bá văn hóa bản địa của Sierra Leone đến với khách du lịch, lễ hội này còn giúp nâng cao giáo dục cho người dân, khuyến khích họ đưa trẻ em đến trường.

Có thể nói, Usifu là một người thành đạt cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Khi được hỏi về lý do thành công, anh trả lời vô cùng đơn giản: "Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một cá nhân không hẳn thể hiện qua học vấn hay tài chính ban đầu họ sở hữu. Nó phụ thuộc vào việc họ biết nhìn về quá khứ hay không. Chỉ khi nào biết trân trọng những giá trị truyền thống, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đất nước mới có thể vươn đến thành công".