Khi bài giảng là những màn trình diễn

Ron Clark story là bộ phim luôn có tên trong danh sách “những bộ phim truyền cảm hứng” nên xem cùng gia đình. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, về một vị hiệu trưởng tìm mọi cách để khiến các học sinh của mình có thể thấy hứng thú với việc đến trường. Ron Clark, nói một cách chính xác, là nguồn cảm hứng của serie phim truyền hình Nhạc kịch trường phổ thông (Highschool Musical) “nổi đình nổi đám” một thời mà Hãng Walt Disney thực hiện. 

Học viên Học viện Ron Clark bên cầu thang rồng - một trong những nét kiến trúc đặc trưng của ngôi trường.
Học viên Học viện Ron Clark bên cầu thang rồng - một trong những nét kiến trúc đặc trưng của ngôi trường.

Nghề chọn người

“Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ dạy học” - Ron luôn nói thế mỗi khi trả lời phỏng vấn. Và quả thật, nghề giáo đến với anh hoàn toàn tình cờ.

Khi bài giảng là những màn trình diễn -0
 

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường đại học East Carolina (Mỹ) tại quê nhà, Clark tìm việc làm thêm tại Luân Ðôn (Anh), tích góp được một khoản tiền, lập tức đến Hy Lạp để du lịch một mình, và… mắc kẹt trên một hòn đảo hoang trong bốn ngày. Trải nghiệm đáng nhớ đó không khiến Ron chùn bước, anh tiếp tục cuộc du ngoạn của mình tới Romania, trực tiếp ở cùng với những người gypsi. Tại nơi này, anh được người bản địa cho thử món thịt… chuột, điều khiến Ron bị ốm và phải trở về nhà.

Trong thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo, Clark đã nghe mẹ mình kể về tình trạng thiếu giáo viên tại ngôi trường gần nhà. Vị giáo viên cũ không may qua đời, và họ thì chưa thể tuyển thêm người mới. Không quá quan tâm, nhưng Ron vẫn đồng ý đến hỗ trợ một thời gian. Và kể từ đó, “tôi đã yêu công việc giảng dạy” - Clark hồi tưởng.

5 năm sau, người thầy giáo trẻ lại tiếp tục có một quyết định trọng đại, sau khi xem một phóng sự về trường học ở khu Harlem (New York, Mỹ). Chương trình đó cho thấy một sự thật đáng buồn: Nhiều học sinh mặc dù rất thông minh, nhưng điểm thi lại rất thấp. Khi đó, Clark cảm thấy chương trình này giống như một “tiếng gọi”, thôi thúc cuộc hành trình mới của anh bắt đầu. Ngay hôm sau, Ron xin nghỉ tại ngôi trường đang giảng dạy, tự mình chuyển đến Harlem. Và, “Mỗi ngày, tôi đi từ trường này đến trường khác trong khu vực, cố gắng tìm một ngôi trường giống như trường tôi đã thấy trên TV”.

Thế nhưng, ngày đầu đi làm, anh đã kịp hiểu rõ: Học sinh tại đây không hề hứng thú với các bài giảng. Ron buộc phải thay đổi. Không mất quá nhiều thời gian để người thầy tràn đầy năng lượng ấy tìm ra hướng giải quyết: anh cất những cuốn sách giáo khoa cũ đi, và bắt đầu… hát! Ron chọn những bài hát đang phổ biến trong giới trẻ, viết lại lời dựa trên nội dung bài học. Lớp học từ nhàm chán, trở thành một buổi biểu diễn nhạc kịch. Cứ như vậy, anh cuốn học sinh của mình vào các tiết học. Ðiều thật sự gây ấn tượng, đó là việc phương pháp giảng dạy hiện đại này được Ron áp dụng từ cách đây hơn… 20 năm.

Không chỉ vậy, Clark cũng thường có các hoạt động ngoài giờ để gắn kết hơn với học sinh của mình. Nếu như vào bữa trưa, các thầy cô khác tụ tập với nhau ở sảnh để trao đổi công việc, thì anh ấy sẽ đi nhảy dây đôi với lũ học sinh - bộ môn mà không đứa trẻ nào ở Harlem không yêu thích.

Ðương nhiên, với một giáo viên thích thử thách bản thân như Ron, thay đổi một lớp học với anh là chưa đủ!

“Hãy trượt, đừng ngần ngại!”

Tuy đã trao đổi rất nhiều, nhưng phải đến mùa thu năm 2004, Clark mới có một cuộc thảo luận nghiêm túc với Kim Bearden - người bạn tâm giao, người đồng nghiệp cùng nhận giải thưởng Giáo viên của năm do Disney trao tặng, về “ngôi trường trong mơ” của riêng anh.

Vào thời điểm đó, đôi bạn gặp rất nhiều khó khăn, từ kinh phí, nhân sự đến cơ sở vật chất… Tuy nhiên, đến bây giờ, khi đã thành công, Ron vẫn luôn nhớ về câu nói của Bearden: “Tôi sẽ giúp cậu thực hiện ước mơ bằng mọi giá!”.

Cả hai bắt đầu bằng việc kêu gọi thêm các thành viên tham gia - những người có chung tầm nhìn và đam mê với họ. Khi đã có một đội hỗ trợ, Clark và Bearden bắt đầu lùng sục khắp thành phố, với hy vọng tìm được một điểm trường thích hợp. Sau khi xem xét gần năm mươi khu nhà, họ tìm được một nhà kho đổ nát, bỏ hoang ở nam Atlanta. Người môi giới bất động sản cho rằng, nơi này không phù hợp để xây dựng trường học. Nhưng đôi bạn lại thống nhất đây là nơi họ tìm kiếm, bởi ngay từ đầu cả hai đã khẳng định: Nhiệm vụ của họ không chỉ là nâng đỡ học sinh của mình, họ còn muốn phát triển cả cộng đồng.

Clark dứt khoát mua nhà kho bằng khoản thu nhập kiếm được từ việc xuất bản cuốn sách đầu tay: The Essential 55 (55 Ðiều cần thiết). Sau đó, anh vừa sửa chữa, vừa kêu gọi thêm vốn đầu tư. Khuôn viên trường rộng hơn 4.000 m2 với 14 phòng học, trung tâm truyền thông, cầu trượt hai tầng, cầu thang rồng, phòng tập khiêu vũ và phòng tập thể dục. Cuối cùng, đến tháng 3-2007, Học viện Ron Clark khai giảng khóa học đầu tiên với 60 học sinh.

Ở đây trẻ em được học bằng cách nhảy và hát. Các em học sinh được chia thành nhiều nhóm, hay đúng hơn là “nhà”, giống trong Harry Potter. Còn giờ giải lao chúng có thể chơi với rồng - thông qua những màn hình sống động trên trần nhà!

Tại đây, các em học sinh cũng được khuyến khích sử dụng cầu trượt thay cho cầu thang thông thường. “Hãy trượt! Ðừng ngại đi theo con đường mà chưa ai từng nghĩ tới trước đây!” - đó là điều thầy hiệu trưởng luôn mong muốn học sinh của mình nhớ tới. Không chỉ có nhiều hoạt động thú vị, Học viện cũng có rất nhiều sách và các bài kiểm tra, mà theo học viên là: “một trong những trường khó nhất trên thế giới!”.

Không chỉ mang lại một môi trường học tập kỳ diệu, Ron còn mong muốn học sinh coi Học viện là gia đình. Và gia đình, ở khía cạnh này, theo quan niệm của anh là gì? Ðơn giản, đó là nơi các em được nhìn nhận đúng và phát huy tất cả tiềm năng.