Học nhiều để làm gì?

Có lẽ ít ai biết, thuở nhỏ, Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Moderna - Stephane Bancel - bị bạn bè đồng trang lứa xem là một kẻ lập dị, vì… suốt ngày "cắm đầu vào bàn học". Nhưng, theo thời gian, người đàn ông nhận ba tấm bằng thạc sĩ trước tuổi 30 ấy dần chứng minh: Kiến thức không bao giờ là thừa.

Học nhiều để làm gì?

Cách duy nhất là không ngừng học hỏi

Sinh ra ở thành phố Marseille (Pháp), Stephane Bancel thừa hưởng nền tảng giáo dục từ gia đình. Có bố làm kỹ sư và mẹ là bác sĩ, Bancel được tạo mọi điều kiện để theo đuổi những gì ông thích từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Không cần đến định hướng của gia đình, Bancel lao vào học, tìm hiểu mọi lĩnh vực ông có hứng thú.

Trong thời điểm những người bạn đồng trang lứa đổ tiền vào thị trường chứng khoán, ngoại hối (để rồi mất hết), Bancel điềm tĩnh ngồi… đánh cờ một mình trong phòng riêng. Ông thích nghiền ngẫm, nâng cao kiến thức bản thân thay vì làm giàu nhanh chóng. Bancel có một ước mơ cháy bỏng: Được mời làm Giám đốc điều hành của một "doanh nghiệp tỷ đô". Làm sao để ước mơ đó thành hiện thực? Cách duy nhất là không ngừng nỗ lực học hỏi.

Từ công nghệ thông tin đến máy tính, lý - hóa hay y sinh học, Bancel đều "nuốt chửng" mọi kiến thức. Có người hỏi Bancel học nhiều vậy để làm gì? Thay vì trả lời, ông tiếp tục vùi đầu vào nghiên cứu. Với ước mơ có một ngày làm việc trong lĩnh vực công nghệ, ông thi vào Centrale Supélec, trường đại học công nghệ hàng đầu nước Pháp, và trúng tuyển.

Vậy làm thế nào để một người theo học chuyên ngành kỹ sư tự xây dựng cho mình nền tảng về công nghệ sinh học? Bancel chọn học thêm chuyên ngành kỹ thuật y sinh của Trường đại học Minnesota (Mỹ). Đáng chú ý, ông đều học lên thạc sĩ ở hai chuyên ngành học của mình, chứ không chấp nhận tấm bằng cử nhân đơn thuần.

Sở hữu hai tấm bằng thạc sĩ ở tuổi 27, thường thì mọi người đều sẽ chọn đi làm ngay lập tức để ổn định cuộc sống. Bancel không làm như thế. Trái với dự đoán của nhiều người, ông tiếp tục... học thêm một chương trình đào tạo thạc sĩ nữa. Lần này ông lựa chọn học kinh tế - quản trị, bước cuối cùng để trở thành một người "văn võ song toàn".

Việc đăng ký chuyên ngành quản trị kinh doanh của Đại học Harvard cho thấy tầm nhìn của Bancel rất rõ ràng. Thứ nhất, ông muốn có kiến thức về kinh tế thay vì bó hẹp trong phạm vi công nghệ hay kỹ thuật. Thứ hai, ông luôn chọn học ở những ngôi trường tốt nhất, chung quanh là những người bạn, những đồng môn cừ khôi nhất. Điều thú vị là ông theo học Harvard mà… không phải mất một đồng học phí nào.

Những bước nhảy liên tiếp

Bancel nhập học Harvard dưới danh nghĩa nhân viên công ty dược phẩm BioMerieux của Pháp. Thỏa thuận giữa Bancel và công ty có một phần cho phép ông được doanh nghiệp này tài trợ học thêm một chương trình quản trị kinh doanh. Đó là lý do Bancel một lần nữa sang Mỹ du học. Trước năm 30 tuổi, ông đã tích lũy đủ kiến thức cho mình với ba tấm bằng thạc sĩ.

Ở tuổi 29, Bancel chuyển sang đầu quân cho tập đoàn dược phẩm Mỹ có tên Ely Lilly. Ông mất chưa đầy 5 năm để trở thành người đứng đầu văn phòng đại diện của công ty tại Bỉ, trong khi người khác phải mất tới 7-10 năm, hoặc lâu hơn. Vậy điều gì quyết định thành công nhanh chóng đó của Bancel?

Bên cạnh đó, một nhân tố khác giúp Bancel sớm thành công ở tuổi ngoài 30 là "phông" kiến thức sâu rộng của ông ở cả ba lĩnh vực kỹ thuật, y sinh lẫn kinh tế. Đó là tiền đề giúp ông trở lại BioMerieux và tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành ở tuổi 35. Thành tựu đó là giấc mơ với mọi người, nhưng Bancel không dừng lại.

Học nhiều để làm gì? -0

Năm 2011, Bancel một lần nữa lại rời bỏ BioMerieux. Điểm đến của ông lần này là Moderna, một công ty khởi nghiệp mới thành lập của Mỹ. Những người sáng lập doanh nghiệp không ngần ngại trao cho ông ghế Giám đốc điều hành, cũng như toàn quyền phụ trách mọi việc. Từ lĩnh vực chuyên môn đến kinh doanh, Bancel là người có tiếng nói lớn nhất, đôi khi còn lớn hơn cả Chủ tịch tập đoàn.

Trên cương vị Tổng Giám đốc Moderna, Bancel hiếm khi nào nhận trả lời phỏng vấn, đặc biệt là nói về quá khứ. Nhưng những người đồng hành cùng ông trong thời gian dài có thể cho chúng ta biết phần nào về con người ông. Bạn bè đồng trang lứa nhận xét Bancel là người có sức học lớn hơn bất cứ ai. Ông không cần đến ba tấm bằng thạc sĩ để chứng minh cho họ thấy ông đủ khả năng vượt qua mọi người, về khả năng tiếp nhận kiến thức.

Gã độc tài thông thái

"Đây là một doanh nghiệp với những ý tưởng về công nghệ y sinh học rất mới, nhưng đầy rủi ro. Anh ước chừng xác suất thành công của nó chỉ vào khoảng 5%" - Bancel nói với vợ trong ngày nghỉ việc ở BioMerieux để đầu quân cho Moderna. Và để bảo đảm xác suất thành công trong một doanh nghiệp có độ rủi ro lớn như vậy, Bancel phải tư duy độc đáo.

Thứ nhất, Bancel hạn chế tối đa việc tiết lộ công nghệ của Moderna đến với công chúng, ngay cả trong phạm vi các báo cáo khoa học quốc tế. Việc hạn chế chia sẻ có thể khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp nhận ý tưởng, bù lại, nó giúp Moderna tung ra những sản phẩm không ai ngờ đến trên thị trường. Vaccine ngừa Covid-19 là thí dụ tiêu biểu.

Thứ hai, môi trường làm việc của Moderna vô cùng khắc nghiệt. Dưới thời Bancel, một "quái vật kiến thức thực thụ", không ai có thể qua mặt ông trong một bản kế hoạch nào. Ở chiều ngược lại, Bancel đòi hỏi rất cao từ các cộng sự. Ông quan niệm nhân viên phải sống với lý tưởng của công ty, và những ai đi chệch hướng cần sớm chia tay. Trong bốn năm qua, doanh nghiệp này đã chia tay các nhân sự cấp cao ở mảng tài chính, công nghệ, sản xuất và nghiên cứu khoa học. Mọi người đều có thể bị thay thế, kể cả Bancel.

Kiến thức tích lũy được trong thời gian đi học có thể biến Bancel thành một kẻ độc đoán, nhưng theo nghĩa tích cực. Bằng chứng là trong 10 năm ông làm việc tại Moderna, quy mô của doanh nghiệp phát triển dần theo thời gian. Từ một doanh nghiệp nhỏ không ai biết đến, Moderna trở thành đơn vị đi đầu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 nhờ công nghệ mới.

"Con mọt sách lập dị" thuở thiếu thời đã thật sự thành công.