Cơ hội cuối của loài người

90 tuổi nhận giải Nobel, đó thật sự là một món quà vượt qua mọi mong đợi. Song, hơn thế, Syukuro Manabe (trong ảnh), nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật Bản, còn nhận niềm vinh dự ấy đúng vào thời điểm cả thế giới đứng trước một thời khắc có ý nghĩa quyết định, trong cuộc chiến chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của tiến trình biến đổi khí hậu.

Cơ hội cuối của loài người

Thông điệp từ giải Nobel

Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tại Anh, với mục tiêu hàng đầu là giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C, cùng hàng loạt các chính sách để bảo vệ Trái đất, bảo vệ tương lai loài người.

Hôm 3/10, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, ông John Kerry khẳng định: “COP26 sẽ mang đến những tiến bộ to lớn về chống biến đổi khí hậu. Đây là thập niên quyết định của thế giới”.

Hai ngày sau, từ Stockholm (Thụy Điển), Giải Nobel Vật lý 2021 đã được trao cho ba nhà khoa học nổi tiếng, trong đó có Syukuro Manabe (nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Princeton, Mỹ) với nghiên cứu về “việc lập mô hình vật lý về khí hậu Trái đất, định lượng sự thay đổi và dự đoán đáng tin về hiện tượng ấm lên toàn cầu”. Với các chuyên gia, đây không khác nào một “thông điệp cổ vũ” mà giải Nobel gửi đến COP26, vì Syukuro Manabe chính là người tiên phong trong việc nghiên cứu những tác động của khí thải CO2 đến khí hậu.

Hơn 50 năm trước, Manabe là đồng tác giả của “bài báo khoa học khí hậu vĩ đại nhất mọi thời đại”, trong đó chứng minh rằng sự gia tăng khí CO2 gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ông đã giới thiệu mô hình khí hậu ứng dụng khoa học máy tính để dự đoán tiến trình này, dựa trên các quy luật vật lý và các mô hình dự đoán trước đó. Nhờ vào sức mạnh của máy tính, mô hình khí hậu mà Manabe đặt nền móng đã đóng vai trò "phòng thí nghiệm ảo", cung cấp những dự đoán về biến đổi khí hậu cho các nhà hoạch định chính sách.

Mô hình của Manabe dự đoán rằng lượng CO2 tăng gấp đôi sẽ làm tăng nhiệt độ của khí quyển lên khoảng 2 độ C. Nửa thế kỷ sau, mô hình này vẫn chính xác: CO2 tăng khoảng 50% và nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C. Ngày nay, rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội đều ứng dụng mô hình khí hậu, như trong nông nghiệp hay các trung tâm dự báo thiên tai.

“Kể cả những câu hỏi ngu ngốc”

Syukuro Manabe lớn lên ở vùng nông thôn Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nơi việc học bị gián đoạn liên tục vì bom đạn. Ngay từ bé, ông đã được định hướng theo nghề y, vì cha và ông nội đều là bác sĩ đa khoa. Với trí tuệ và sự chăm chỉ, Manabe dễ dàng đỗ vào một trường y khoa danh tiếng. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm học, Manabe cảm thấy không còn hứng thú. Ông quyết định chuyển sang khoa vật lý, lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều về tư duy logic.

Khoa vật lý ở Trường đại học Tokyo khi đó có bốn nhánh, gồm vật lý lý thuyết, vật lý thực nghiệm, địa vật lý và vật lý thiên văn. Manabe, ngày đó, không cho rằng bản thân đủ thông minh và giỏi toán để theo học vật lý lý thuyết, tay chân cũng không đủ khéo léo và cẩn thận trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng, ông chọn địa vật lý theo phương pháp loại trừ. Chẳng thể ngờ, quyết định ngẫu nhiên đó thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Và rất có thể, là cả tương lai của hành tinh.

Thời điểm ông học cử nhân và thạc sĩ ở Trường đại học Tokyo, khoa học khí hậu vẫn là một khái niệm rất xa lạ. Điểm kết nối duy nhất của một chàng sinh viên địa vật lý năm đó và một nhà khoa học khí hậu hiện tại chính là thái độ tò mò với mọi biến thiên của thế giới chung quanh. "Đừng bao giờ xem mọi sự thay đổi của thiên nhiên chung quanh bạn là điều hiển nhiên. Hãy đào sâu và đặt câu hỏi về mọi thứ, kể cả những câu hỏi ngu ngốc", Syukuro Manabe đã luôn nhắc mình như vậy.

Syukuro Manabe rời Trường đại học Tokyo để đến Mỹ vào năm 1957, và đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình tại Phòng thí nghiệm Động lực học Chất lỏng địa vật lý và đại dương quốc gia (NOAA). Từ một người không thích học toán, Manabe đã cố gắng cải thiện điểm số môn này, vì phát hiện ra những ứng dụng tuyệt vời của toán học với những công trình ông theo đuổi. Toán học chính là trụ cột trong việc xây dựng các mô hình dự đoán khí hậu sau này. Để ứng dụng khoa học máy tính vào việc tạo lập các mô hình, Manabe cũng tự tay viết mã phần mềm máy tính ở Trường đại học Princeton. Ông là đại diện của mẫu nhà khoa học không nề hà đào sâu học hỏi những lĩnh vực khác, miễn đó là thứ phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình.

Quả ngọt cuối đời

Tháng 9 vừa qua, Syukuro Manabe tròn 90 tuổi, và vẫn là một nhà khoa học khí hậu cao cấp tại Trường đại học Princeton. Trong suốt sự nghiệp, ông là người góp công lớn đưa khái niệm “biến đổi khí hậu” từ chỗ xa lạ với thế giới trở thành một trong những hiện tượng khoa học được thảo luận rộng rãi nhất trong thời đại của chúng ta.

"Syukuro Manabe là động lực thúc đẩy sự phát triển của khoa học khí hậu, từ kỷ băng hà đến sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Ông là một trong những nhân vật cao quý nhất ở lĩnh vực này", Giáo sư Vật lý Raymond T. Pierrehumbert ca ngợi.

Những đóng góp của “Suki” cho khoa học khí hậu không chỉ gói gọn trong các công trình nghiên cứu. Manabe còn không ngừng khuyến khích và nuôi dưỡng tài năng của những thế hệ sinh viên kế thừa. Sự nhiệt tình không ngừng của ông đối với khoa học đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Ở tuổi “gần đất xa trời”, có lẽ điều mà Syukuro Manabe quan tâm nhất chính là kết quả của COP26, chứ không phải là Giải Nobel Vật lý mà ông vừa nhận. Các nhà khoa học đã âm thầm làm tốt nhiệm vụ của mình hàng chục năm qua, và bây giờ là lúc những người đứng đầu các quốc gia cần phải chung tay cứu lấy Trái đất trước những thảm họa khí hậu.

Syukuro Manabe từng từ chối trở thành bác sĩ cứu người. Nhưng, với những phát hiện to lớn về biến đổi khí hậu, người đàn ông 90 tuổi này đã mang đến cho nhân loại cơ hội tự cứu lấy tương lai của mình.

Nguyễn Thế Đại Dương