Ánh thép của bông hồng

"Ðừng sợ thất bại, hãy sợ phải nuối tiếc!" - Deshauna Barber, nữ quân nhân đầu tiên giành được vương miện cho người phụ nữ đẹp nhất nước Mỹ năm 2016, sau tận… sáu lần thất bại, có lẽ là minh chứng rõ nhất nói lên điều ấy.

Ánh thép của bông hồng

Tin tưởng và kiên trì

Lớn lên trong một gia đình quân nhân: cả bố mẹ, các anh trai đều phục vụ trong quân đội, và chính Deshauna cũng gia nhập Lực lượng Quân đội Dự bị Hoa Kỳ, khi mới mười bảy tuổi. Barber miễn cưỡng bước vào một con đường xa lạ với người lính, chỉ bởi lời khẳng định của một vị khách lần đầu gặp mặt tại Target, khi đang tranh thủ kỳ nghỉ để đi làm thêm: "Chắc chắn cháu sẽ trở thành hoa hậu mùa tiếp theo! Bởi cháu là cô gái đẹp nhất cô từng thấy". Sau này, cô luôn hóm hỉnh cho rằng, đúng là chỉ có một cô nhóc mới lớn mới có thể tin tưởng lời khen ấy.

Hai người có buổi gặp chính thức đầu tiên tại tiệm cà-phê vào ngay ngày hôm sau. Người phụ nữ lạ mặt mang đến một chồng sách về lịch sử các cuộc thi hoa hậu để chuẩn bị một buổi diễn thuyết cho riêng Barber. Và với suy nghĩ của một "đứa nhóc", hiển nhiên cô bị thuyết phục để nghiêm túc tìm hiểu về cuộc thi. Lớn lên cùng những kỷ luật quân đội, cô bé nhanh chóng bị thu hút bởi các khái niệm của thế giới làm đẹp: trang điểm, làm tóc, làm móng…

Ba tháng sau, nữ quân nhân 19 tuổi ấy lần đầu tiên tham dự cuộc thi hoa hậu bang, rồi thất bại. Tiếp tục chuẩn bị một năm, lại thất bại. Lần thứ ba, thứ tư, thứ năm và tận thứ sáu, vẫn đều… thất bại. Sau sáu năm, từ một thiếu nữ 19 tuổi trở thành người phụ nữ 25 tuổi, Barber tưởng chừng không thể kiên trì thêm được nữa. Cô gọi cho người hướng dẫn của mình: "Cô đã nói rằng cháu có thể thành công cơ mà?". Trả lời câu chất vấn đầy chán nản ấy, người phụ nữ bí ẩn vẫn một mực nói với Barber rằng: "Hãy cố gắng và đừng từ bỏ!". Thế là cô gái 25 tuổi lại như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục tin tưởng và kiên trì.

Không lâu sau, người hướng dẫn tinh thần của Barber qua đời vì căn bệnh bạch cầu, không kịp chứng kiến hoa hậu của lòng mình lên ngôi. Nhưng có lẽ, sự ra đi đó đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ khiến Barber không thể thất bại thêm nữa!

Ánh thép của bông hồng -0
 

Sân khấu cuộc đời

Khoảnh khắc cái tên thí sinh đại diện bang Washington được xướng lên, tân Hoa hậu vỡ òa trong hạnh phúc, nhưng đi kèm đó là ánh mắt không hài lòng của rất nhiều khán giả, bởi họ cho rằng nhan sắc của cô hoàn toàn thua kém hai á hậu.

Ðăng quang ở độ tuổi được xem là quá lứa (26 tuổi), là một đại diện da mầu, ngoại hình nhỏ so với dàn thí sinh, Barber có lẽ không phải là một gương mặt "sáng giá". Tuy nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận sự thật phần thi ứng xử của cô chính là phần thi hay nhất đêm chung kết. Ban giám khảo đã hỏi rằng: "Bạn suy nghĩ thế nào về việc Chính phủ Mỹ vừa chính thức cho phép phụ nữ được tham gia tất cả các vị trí chiến đấu trong quân đội, những khu vực trước nay chỉ dành cho đàn ông?". Barber đã được khán giả dành cho những tràng vỗ tay thật lớn khi trả lời ngay không một chút chần chừ: "Là một phụ nữ trong quân đội Mỹ, tôi nghĩ Chính phủ đã làm một việc thật tuyệt vời khi cho phép phụ nữ được tham gia vào mọi đơn vị của quân đội. Chúng tôi cũng kiên cường chẳng kém gì cánh đàn ông. Là chỉ huy ở đơn vị nơi tôi công tác, tôi rất có uy tín. Tôi tận tụy với công việc. Và thật quan trọng khi nhận ra rằng giới tính không hề cản trở chúng ta trong quân đội".

Ðể khỏa lấp điểm yếu ngoại hình, Barber đã thuyết phục khán giả và ban giám khảo bằng sự thông minh, khéo léo, quan trọng hơn cả là thần thái tự tin từ ánh mắt, nụ cười, cách trình diễn… và đặc biệt là mục tiêu cô đang theo đuổi trong cuộc sống.

Có lẽ chính ban tổ chức cuộc thi năm đó cũng đang cố gắng thay đổi định kiến của khán giả về hoa hậu. Họ cố tình kéo dài thời lượng phát sóng chỉ với mục đích cho khán giả thấy rõ hơn về cuộc sống hằng ngày, cũng như giới thiệu quá trình trưởng thành từ bé cho đến khi được đứng trên "sân khấu của cuộc đời" trong phần giới thiệu 52 thí sinh Hoa hậu Mỹ 2016.

Chiến thắng của Barber là minh chứng cho thực tế: Quân nhân cũng có thể quyến rũ và xinh đẹp. Và Hoa hậu người Mỹ gốc Phi khẳng định: "Chiếc vương miện của tôi chính là đôi cánh chắp thêm cho ước mơ của mọi cô bé ngoài kia, bởi đến tôi còn có thể trở thành Hoa hậu Mỹ cơ mà!".

Tiếp tục hành trình

Suốt một năm giữ chiếc vương miện, Barber tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về ung thư vú và ung thư buồng trứng, cũng như các chương trình chăm sóc rối loạn căng thẳng sau chấn thương cho các cựu chiến binh và đưa những người lính từ nước ngoài trở về.

Mục tiêu đó cho đến nay vẫn được cựu Hoa hậu nỗ lực thực hiện. Ðầu năm nay, Deshauna Barber được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành Mạng lưới hành động vì nữ quân nhân (SWAN). SWAN là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ các nhu cầu cá nhân và tập thể của phụ nữ hoạt động trong quân đội và nữ cựu chiến binh. SWAN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội công việc quân sự cho nữ quân nhân, buộc tội phạm tình dục phải chịu trách nhiệm trong hệ thống tư pháp quân sự, loại bỏ các rào cản đối với yêu cầu bồi thường tàn tật cho những người đã trải qua chấn thương trong quân đội và mở rộng khả năng tiếp cận với một loạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ quân nhân.

Cựu Giám đốc điều hành SWAN, Ellen Haring, Tiến sĩ, đại tá Quân đội Mỹ khẳng định: "Chúng tôi rất vui mừng khi có Deshauna là Giám đốc điều hành mới của tổ chức. Với nền tảng quân sự, kinh nghiệm chuyên môn và khả năng chỉ huy, Deshauna hoàn toàn là người phụ nữ phù hợp vào đúng thời điểm để đưa SWAN lên một tầm cao mới".

Deshauna Barber vẫn đang tiếp tục hành trình, một hành trình mới đầy thách thức nhưng cũng rất giàu cảm hứng, dành cho cô và mọi nữ quân nhân.