"Lionel Messi" của làng bóng rổ

Trái ngược lối chơi bùng nổ sức mạnh, xuyên phá đội hình đối phương và kết thúc với những pha úp rổ uy lực truyền thống, cầu thủ nhỏ con Stephen Curry đang định nghĩa lại phong cách thi đấu ở Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) bằng một thứ bóng rổ "công nghiệp", đầy tính thực dụng, nhưng cũng thấm đẫm trí tuệ.

"Lionel Messi" của làng bóng rổ

Vượt thử thách, vươn tầm ngôi sao

Curry đã từng muốn bỏ cuộc. "Tôi phải dành hàng năm trời để hồi phục mà không được phép chơi bóng. Cảm giác như chẳng bao giờ có thể trở lại được nữa", chàng trai chia sẻ.

Ðó là quãng ba năm đầu chơi ở NBA. "Năm lần bảy lượt", chấn thương cổ chân - có từ thời còn thi đấu ở trường đại học - đeo bám không chịu buông tha cho Curry. Năm 2011 và 2012, hai lần Curry phải lên bàn phẫu thuật. Các bác sĩ chẩn đoán Steph sẽ phải chịu di chứng nặng nề. Cổ chân không lành lặn sớm muộn sẽ trở thành gánh nặng và thậm chí tạo nên bi kịch cho sự nghiệp của anh.

Wardell Stephen "Steph" Curry sinh ra và lớn lên ở Akron (bang Ohio, Mỹ), trong gia đình có bố mẹ đều là vận động viên. Bà Sonya chơi bóng chuyền, còn người cha Dell Curry là tay ném "khét tiếng" một thời tại NBA. Ông Dell thường đưa hai cậu con trai đến những buổi tập và chính đặc quyền chiêm ngưỡng bố mình "bắn" rổ trong quãng thời gian khởi động đã nhen nhóm tình yêu dành cho trái bóng cam của Stephen. Nhận ra các con hứng thú với bộ môn này, Dell Curry đã để hai anh em tham gia đội Charlotte Raptors để học bóng rổ. Sau đó, Steph đã chuyển tới Trường cao đẳng Christianway ở Toronto để tập luyện thêm. Khi quay trở lại Charlotte, anh đăng ký vào Trường trung học Charlotte Christian - nơi chàng trai sinh năm 1988 đã mài giũa những kỹ năng của mình.

"Hổ phụ sinh hổ tử", Steph đã chứng tỏ mình có đầy đủ tố chất để trở thành siêu sao. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười. "Những năm trung học của tôi thật rực rỡ, và tôi nghĩ mình ở trên đỉnh thế giới. Mọi thứ dường như đang đi đúng hướng: tới trường chuyên thể thao, chơi cho đội bóng tại đó và đi lên chuyên nghiệp với những giải đấu lớn. Bất ngờ thay, những trường đó không bao giờ gọi tôi", Steph bồi hồi kể lại. "Họ đều nói tôi quá nhỏ con, không có đủ tố chất về mặt thể lực để tiến lên chuyên nghiệp. Ðiều đó khiến tôi rất buồn. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sự nghiệp của bản thân sẽ kết thúc ngay khi vừa bắt đầu đại học".

Chỉ đến khi Trường đại học Davidson, ngôi trường không mấy danh tiếng tại NCAA (Hiệp hội thể thao đại học Mỹ) quyết định đặt niềm tin vào Steph, tia hy vọng mới lóe lên với cầu thủ trẻ đang khao khát được thể hiện mình. Mặc dù thi đấu xuất sắc ở các giải của sinh viên đại học, một lần nữa không đội tuyển chuyên nghiệp nào muốn chiêu mộ Steph.

Năm đội tuyển NBA đã lần lượt từ chối Curry, bất chấp khả năng dứt điểm từ xa đến mức thần sầu. "Khẩu pháo thần công" lập kỷ lục NCAA (với 113 cú ném ba điểm chính xác chỉ trong năm nhất đại học). Lý do họ đưa ra: Steph quá "mảnh khảnh" so các "gã khổng lồ" tại NBA, "chỉ" cao 1m90 và nặng 85 kg, và điều đó sẽ tạo nên những hạn chế về mặt phòng thủ. Chọn vị trí và dứt điểm từ xa là "đặc sản" của Curry, nhưng việc chơi tiến công hay ở đại học là một chuyện, còn thực hiện nó ở giải bóng rổ khắc nghiệt nhất thế giới NBA lại là chuyện khác.

Vào năm 2019, khi đội tuyển Minnesota Timberwolves đang tìm kiếm hậu vệ - vị trí mà Curry đảm nhiệm, dù có hai cơ hội để chọn Curry, nhưng đội bóng này đã bỏ qua cả hai lần, quyết định đặt niềm tin vào hai cầu thủ trẻ khác. Không biết là may mắn hay xui xẻo, Golden State Warriors đã giang tay chào đón Steph, dù anh không hề có ý định thi đấu cho họ. Người cha Dell Curry luôn mong muốn con trai mình được chơi cho New York Knicks.

"Lionel Messi" của làng bóng rổ ảnh 1

Quả ngọt cho người xứng đáng

Sau chấn thương hồi đầu sự nghiệp, Curry nhận ra: Cầu thủ không được chơi bóng cũng giống như đại bàng mất đi đôi cánh. Anh lao vào tập luyện thể lực điên cuồng với sự trợ giúp của Giám đốc hiệu suất đội bóng - Keke Lyles. Họ cùng nhau tạo ra kỹ thuật mới, nơi Steph chuyển sang dùng lực hông và cơ trọng tâm để giảm áp lực lên cổ chân. Ðến tận bây giờ, ngôi sao này vẫn sử dụng phương pháp tập luyện ấy. Người ta thường thấy anh tập bằng một chân, gia tăng đáng kể khả năng chịu lực phần cơ trung tâm.

Sau quãng thời gian dài khổ luyện bằng phương pháp này, những chấn thương đeo bám đã giảm rõ rệt. Từ cầu thủ chỉ chơi được 26 trận mỗi mùa giải, nay Steph có thể ra sân đến 80 lần ở thời điểm lần đầu tiên anh vô địch NBA.

Khắc chế được chấn thương, Curry như trút bỏ được gánh nặng. Anh thi đấu thăng hoa khiến đội bóng dần trở thành thế lực không thể ngăn cản ở NBA. Trong bốn mùa giải (từ năm 2014 đến 2018), những "chiến binh" Golden State Warriors vô địch… ba mùa. Riêng Steph còn giành rất nhiều giải thưởng cá nhân cao quý như MVP (Cầu thủ xuất sắc nhất giải), nhà vô địch ném bóng ba điểm,…

Với Curry, ngoại hình nhỏ con ở NBA lại là điểm mạnh phục vụ lối chơi tinh quái và lắt léo. Cầu thủ 33 tuổi có thể ghi điểm từ gần như bất cứ vị trí nào trên sân và rất nhiều lần khán giả thấy anh ném ở khoảng cách rất xa (từ giữa sân), trước ánh mắt ngạc nhiên của đối thủ. Lối chơi của NBA vốn thiên về sự bùng nổ sức mạnh, là cuộc chơi của những gã to con, nay đã trở thành sàn diễn cho "khẩu pháo" Curry liên tục nhả đạn.

Mùa giải vừa qua, chính Curry đã phá kỷ lục ném ba điểm của bản thân mình và trở thành tay ném xuất sắc nhất mọi thời đại. "Steph có thể bắn phá từ bất kỳ vị trí nào trên sân với tốc độ cực nhanh. Cậu ấy thật sự là tay ném chuẩn xác nhất tôi chứng kiến trong đời", cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ cảm xúc, sau khi xem trận đấu của Curry.

Từ chàng trai bị từ chối hết lần này đến lượt khác vì thân hình nhỏ con, nay Stephen Curry đã trở thành một trong những ngôi sao sáng giá và nổi tiếng nhất tại NBA, niềm mơ ước của những em nhỏ ở Mỹ. Khi hào hứng với những khoảnh khắc siêu sao trên sàn đấu, mấy ai biết rằng, để có được thành công như hôm nay, Curry đã phải vượt qua những gì. Quả ngọt, thật sự, chỉ dành cho kẻ xứng đáng!