"Có lẽ chỉ là tuổi già thôi"

"Không có gì đáng ngại cả, có lẽ chỉ là tuổi già thôi!". Trước chuyến thám hiểm lần thứ 11 vượt Thái Bình Dương một mình bằng thuyền buồm, Kenichi Horie-người lữ hành 83 tuổi-không một chút lo lắng.

Kenichi Horie chuẩn bị cho thuyền Suntory Mermaid III trước giờ xuất phát tại San Francisco ngày 26/3.
Kenichi Horie chuẩn bị cho thuyền Suntory Mermaid III trước giờ xuất phát tại San Francisco ngày 26/3.

Tuổi 83 ngạo nghễ

10 giờ sáng, 26/3/2022, Kenichi Horie đã bắt đầu chuyến vượt Thái Bình Dương một mình từ San Francisco (Mỹ) về quê nhà Nhật Bản. Bạn đồng hành cùng ông là chiếc thuyền buồm mang tên Suntory Mermaid III cùng lá quốc kỳ. Chiếc thuyền có chiều dài 5,8 m tính từ mũi đến đuôi thuyền, nặng khoảng một tấn và được tùy chỉnh phù hợp thể trạng, chiều cao 1m52 của ông Horie. Đó là chiếc thuyền có độ hoàn thiện và an toàn cao nhất, hơn tất cả những thuyền mà ông đã từng lái trước đó.

Horie quyết định thực hiện chuyến đi này nhằm kỷ niệm 60 năm chuyến vượt biển một mình qua Thái Bình Dương vào năm 1962, khi ông còn là một chàng thủy thủ 23 tuổi. Cuộc hành trình dự kiến sẽ kéo dài hai tháng rưỡi, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6 tới. Khi rảnh rỗi, Horie đã lên sẵn kế hoạch đọc sách và nghe radio. Dĩ nhiên, với chuyến thám hiểm này, ông Horie hy vọng sẽ đạt được kỷ lục thế giới là người cao tuổi nhất vượt Thái Bình Dương một mình, sau kỷ lục dành cho người trẻ tuổi nhất đã xác lập trước đó.

"Tôi vô cùng háo hức vì may mắn có được sức khỏe và một cơ hội tốt như thế này. Tôi luôn luôn khỏe mạnh với ngoại hình này. Không ăn quá nhiều và không uống quá nhiều"-Horie bình thản đến sửng sốt. Tính cả lần này, cả một đời lênh đênh trên đại dương, ông Horie đã thực hiện được 11 cuộc vượt biển.

Khởi đầu đam mê

Vào một ngày cuối tuần 60 năm trước, chàng thủy thủ Nhật Bản Kenichi Horie đã làm nên lịch sử, với chuyến vượt Thái Bình Dương đầu tiên khởi hành ở Nishinimiya, tỉnh Hyogo đến San Francisco, California, Mỹ.

Với chiếc thuyền buồm ván ép đơn sơ dài 5,8 m mang tên Mermaid, ông Horie lúc ấy chỉ sử dụng duy nhất kính lục phân (dụng cụ ngành hàng hải), thứ mà ông đã học trong thời gian tham gia câu lạc bộ chèo thuyền tại trường trung học, để xác định phương hướng. Ông đã lênh đênh trên biển trong 94 ngày đêm, sống nhờ vào thực phẩm đóng hộp, gạo, cá đánh bắt được trên biển, một chút rượu sake cùng 60 chai bia Asahi. Ông dè xẻn "của nả" đến mức sau khi kết thúc cuộc hành trình, vẫn còn lại vài chai bia để uống cùng các phóng viên khi họ tới phỏng vấn tại bến tàu ở San Francisco.

"Có lẽ chỉ là tuổi già thôi" ảnh 1

Không tiền, không hộ chiếu, không thị thực, vốn tiếng Anh hạn chế, ông đã bị bắt giam với tội danh nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Thị trưởng San Francisco George Christopher đã giúp ông Horie thoát khỏi cảnh giam cầm, và cấp visa 30 ngày cho ông với mong muốn tôn vinh sự dũng cảm của chàng trai "đất nước mặt trời mọc".

Lúc bấy giờ, theo các tờ báo của San Francisco, ông Horie được biết đến rộng rãi là "người hòa giải của chính sách ngoại giao thời hậu chiến" với chuyến thám hiểm này. Không chỉ vậy, ông Morgan Smith, Trưởng Bộ phận phiên dịch, giáo dục và tình nguyện tại Công viên Lịch sử quốc gia hàng hải San Francisco chia sẻ: "Câu chuyện của Horie đã truyền cảm hứng cho nhiều người lái thuyền buồm ở các bang khác ở Mỹ". Ngày nay, chiếc thuyền buồm Mermaid của ông Horie đang được trưng bày tại Bảo tàng Công viên Lịch sử quốc gia hàng hải San Francisco.

Trở về Nhật Bản, Horie viết cuốn sách với tựa đề Kodoku (tạm dịch: Cô độc) để kể về chuyến hành trình không thể nào quên của mình. Một năm sau, cuốn sách đã được đạo diễn Kon Ichikawa chuyển thể thành phim "Alone Across the Pacific" (Một mình vượt Thái Bình Dương). Bộ phim đã nhanh chóng được nhiều khán giả đón nhận, và thành công đến mức nhận được đề cử giải Quả cầu vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1964.

Những cuộc hành trình bất tận

Các chuyến đi vượt biển một mình là sở trường và niềm đam mê lớn lao của ông Horie. Vì vậy, một chuyến đi không đủ để có thể thỏa mãn người đàn ông ấy. Trong suốt 60 năm tiếp theo, ông không ngừng thực hiện các chuyến vượt Thái Bình Dương.

Đặc biệt, vào năm 2008, ông Horie lần đầu một mình vượt biển từ Hawaii đến bán đảo Kii, Nhật Bản bằng con tàu chỉ hoạt động bằng sức sóng biển. Chuyến đi này kéo dài hơn ba tháng, đi qua hơn 3.779 hải lý (7.000 km) mà không cập bất kỳ cảng nào để trở về quê nhà. Hồi tưởng về chuyến đi đáng nhớ này, ông Horie chia sẻ: "Trong lịch sử nhân loại, con người đã sử dụng sức gió để tạo ra năng lượng, nhưng chưa ai thật sự nghiêm túc quan tâm về sức mạnh của sóng. Tôi nghĩ mình là một người đàn ông may mắn vì việc sử dụng sức mạnh của sóng trong các con thuyền là thứ mà ít người dùng đến".

Với những chuyến "thám hiểm đại dương" điên rồ đó, Kenichi Horie nổi danh khắp thế giới là "Người lái thuyền buồm nổi tiếng nhất Nhật Bản". Bên cạnh đó, ông cũng trở thành người đi biển nghiệp dư đầu tiên trên thế giới thực hiện hành trình xuyên Thái Bình Dương mà không dừng chân ở bất kỳ cảng nào khi mới 23 tuổi. Ngoài ra, ông còn được ghi danh trong sách kỷ lục Guinness thế giới là người vượt Thái Bình Dương nhanh nhất bằng thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời, sau chuyến đi từ Salinas, Ecuador đến Tokyo với quãng đường hơn 7.829 hải lý (14.500 km) trên con thuyền làm từ… lon nhôm tái chế. Chính vì vậy, Chính phủ Ecuador đã lấy tên ông đặt cho mui đất ở quần đảo Galapagos ngoài khơi nước này.

Rất nhiều người đam mê hải hành ngưỡng vọng chuyến vượt Thái Bình Dương dự kiến kết
thúc vào tháng 6 này của Horie. Dường như không bị tác động bởi bất cứ gánh nặng tuổi tác nào, ông Kenichi Horie cùng những chuyến thám hiểm của mình chính là một nguồn cảm hứng bất tận, về sự dâng hiến trọn đời cho khát vọng chinh phục thế giới rộng lớn.