93 mùa xuân có Đảng

Nhân lên niềm tin qua mỗi việc làm

Trong những ngày đầu xuân, đất trời, cây cỏ, như cũng mới hơn. Gặp nhau, sau lời chúc, câu hỏi đầu năm thường là: Tết này có gì mới? Thật ra, có nhiều cái mới, tùy thuộc vào tuổi tác, nghề nghiệp, cương vị, tâm trạng mà người ta cảm nhận cái mới khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Những chuyến về cơ sở của cán bộ khuyến nông giúp bà con xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tìm hướng nâng cao chất lượng cây trồng. Ảnh: Khánh Nguyên
Những chuyến về cơ sở của cán bộ khuyến nông giúp bà con xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tìm hướng nâng cao chất lượng cây trồng. Ảnh: Khánh Nguyên

Cảm nhận ấy cũng có thể nâng tầm thành niềm cảm hứng, niềm tin trong mùa xuân thứ 93 của Đảng ta. Nghĩ tản mạn như thế, tôi bỗng có một liên hệ nhỏ về niềm tin của cán bộ, đảng viên, của người dân về công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong những năm qua, nhất là từ Đại hội XIII đến nay. Liên hệ này xuất phát từ gợi ý của một đảng viên lão thành từng giữ trọng trách trong Đảng. Ông nói, đại ý, chúng ta nói niềm tin có phần giảm sút, hay niềm tin được củng cố, được nâng lên thì căn cứ vào đâu, có cơ sở khoa học không? Rồi ông tự trả lời, khi nhìn vào thực tiễn, chứng minh bằng thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, bằng những việc đã làm được khiến cho người dân thừa nhận, hưởng ứng, thì đấy chính là câu trả lời. Nó không chỉ là định hướng, định tính mà còn là định lượng. Thăm dò dư luận xã hội về sự hài lòng của người dân là một trong những cách định lượng như thế.

Chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo là việc làm vừa phù hợp nguyên lý xây dựng Đảng, vừa gắn với đòi hỏi của thực tiễn qua các thời kỳ. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta, tháng 2/1930 đã thể hiện điều đó. Sau khi chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt, Cương lĩnh toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó, tầm nhìn xa đó, cho đến hôm nay, tiếp tục được Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định con đường đi tới là vì một đất nước hùng cường, dân giàu nước mạnh, người dân trên dải đất hiền hòa bên bờ sóng có chỉ số hạnh phúc ngày càng cao. Cái chỉ số ấy đòi hỏi sự kiên trì, liên tục loại trừ, xóa bỏ những gì cũ kỹ, xơ cứng, nhân danh, lạc loài. Bác Hồ của chúng ta, ngay từ khi nước nhà giành độc lập, đã nêu lên chân lý: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" ("Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" - Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945).

Như vậy, dù khi cách mạng còn trong trứng nước hay khi đã thành công, Đảng nghĩ rộng, nghĩ xa về những bước đi, những chặng đường sắp tới. Cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, luôn chăm lo giữ gìn sức vóc Đảng khỏe mạnh, cường tráng, để gánh trên vai sứ mệnh vẻ vang của dân tộc. Tư tưởng đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã có từ rất sớm. Cuối năm 1947, sau hai năm của chính thể Việt Nam mới non trẻ, Bác Hồ đã thấy đây đó tệ lạm dụng quyền lực. Tháng 10 năm ấy, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và lần đầu tiên, Bác dùng từ "chỉnh đốn Đảng". Cho đến trước khi đi về "thế giới Người hiền", Bác vẫn đau đáu việc làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Trong đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ của Di chúc, Bác đã dùng tới bốn chữ thật: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Lời dặn của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn nóng hổi những nhu cầu tự thân, những mong mỏi cháy lòng. Ba Đại hội gần đây, Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đều dành riêng một Nghị quyết-Nghị quyết lần thứ tư-về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Số 4 như một "hằng số" của niềm tin, nhắc nhở mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nhớ tự soi, tự sửa, "thật thà tự phê bình" để hoàn thiện bản thân, để giữ tròn danh dự, danh dự mới là điều quý nhất, thiêng liêng nhất. Nghị quyết của Đảng nhắc chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên không nhất thiết phải thuộc lòng từng câu, từng chữ, nhưng phải "thuộc" cái tinh thần của nó, tinh thần ấy thấm vào cơ thể, trí não của mình. Rằng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một tờ giấy, có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Đó là một thể thống nhất trong quá trình vận động và phát triển của Đảng.

Xây và chống là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Một Đảng có sức chiến đấu cao, có văn hóa trong Đảng cao thì nhất định sẽ trong sạch, vững mạnh. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khóa XIII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới". Cái mới của nghị quyết là, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, liên tục, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cố nhiên, chống tham nhũng, tiêu cực chính là góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người phạm tội là ai. Các nhà nghiên cứu đã phân tích kỹ điều này.

Trong ngày Xuân, thiển nghĩ, không nên nói nhiều về những khoảng tối, về những vết thương cứ trở trời lại nhức buốt. Biện chứng ở đây là, thấy rõ căn bệnh trầm kha ấy và dũng cảm loại bỏ những khối u, những nhọt bọc chìm sâu trong thịt trong da. Nhưng điều cơ bản nhất, cần thiết nhất là làm cho cơ thể khỏe lên, đủ sức đề kháng các loại virus nguy hại, độc tố xâm nhập từ bên ngoài.

Xây và chống là những điều tưởng như quá quen thuộc mà luôn luôn mới, là điều mà mỗi người, mỗi tổ chức phải thường xuyên chăm lo. Xây và chống tuân theo quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, nó luôn cần đào thải và tiếp nhận nguồn năng lượng mới. Đảng ta nói đó là quy luật tồn tại và phát triển. Xây và chống không bó hẹp trong phạm vi tự phê bình và phê bình. Cao hơn, đó là làm giàu trí tuệ, bản lĩnh, làm giàu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Sáng mắt là quý, nhưng cần phải sáng tâm nữa. Thương yêu thật lòng thì không ngần ngại khi nói rõ điều đồng chí mình sai, ảo tưởng quyền lực dẫn tới tha hóa quyền lực. Thôi đừng vuốt ve, nịnh bợ. Nịnh đối nghịch với lời khen chân thành. Cũng như tụ tập, tụ bạ đối nghịch với cố kết, đoàn kết. Văn hóa trong Đảng là những chuyện có thể nhìn thấy, nghe thấy, như khi anh nhìn bông hoa hồng và nhận thấy cả ánh mặt trời trong đó, nhận thấy cả sự thanh lọc tự nhiên cái mầu đỏ nồng nàn ấy. Nói rộng ra, nói ở cấp độ cao hơn thì văn hóa trong Đảng thể hiện ở mấy vấn đề sau đây: Văn hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong việc lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; trong phương pháp quản lý, điều hành; trong đạo đức, lối sống; trong ứng xử của mỗi "công bộc của dân", nói những lời lọt tai, làm những việc đẹp mắt.

Văn hóa trong Đảng càng cao thì uy tín của Đảng càng lớn, niềm tin yêu của Dân với Đảng càng trọn vẹn. Niềm tin ấy sẽ được thắp sáng, được nhân lên qua mỗi việc làm thật sự vì nước, vì dân. Đó không chỉ là chuyện của hôm qua - thời đất nước gian lao mà còn là của hôm nay và mai sau, cho dù mai sau ấy có tươi đẹp "vạn lần hơn"