Tìm giải pháp để “tàu cá 67” vươn khơi

Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, song đến nay, đội tàu cá hùng hậu đó của tỉnh Quảng Bình phần lớn làm ăn thua lỗ, nhiều chiếc hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài. Tháo gỡ khó khăn để giúp đội tàu xa bờ này vươn khơi đang là bài toán khó đối với địa phương.

Nhiều "tàu cá 67" tại Quảng Bình đánh bắt không hiệu quả do cơ cấu nghề chưa hợp lý.
Nhiều "tàu cá 67" tại Quảng Bình đánh bắt không hiệu quả do cơ cấu nghề chưa hợp lý.


Hầu hết đội tàu công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của tỉnh Quảng Bình hiện đều lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều chủ tàu trở thành “con nợ”, trong khi ngân hàng thu giữ tàu cá cũng loay hoay với món nợ khó xử lý này.

Hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt thực hiện 87 tàu cá (84 tàu cá đóng mới và 3 tàu nâng cấp), gồm 31 tàu vỏ thép, 55 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. Tổng mức đầu tư đóng tàu hơn 1.265 tỷ đồng, trong đó vốn của các chủ tàu hơn 275 tỷ đồng và ngân hàng cho vay 989 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 tàu cá vỏ gỗ đóng mới được hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg với số tiền gần 5,5 tỷ đồng.

Qua nắm bắt tình hình, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trong tổng số tàu cá thực hiện theo Nghị định 67 có 13 tàu cá hoạt động hiệu quả, chiếm 14,9%; số còn lại hoạt động không hiệu quả, nằm bờ do hư hỏng, bị ngân hàng thu giữ hoặc đã bán đấu giá, bị cháy, chìm. Đáng chú ý, đội tàu vỏ thép lần đầu có mặt trong đội hình gần 1.500 tàu cá xa bờ của tỉnh Quảng Bình, từng được kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản chủng loại, phương thức khai thác xa bờ của địa phương, tiến tới hiện đại hóa nghề cá thì nay vô cùng ảm đạm.

Toàn bộ 31 tàu cá vỏ thép đều hoạt động không hiệu quả, trong đó có 10 tàu đang bị ngân hàng thu giữ, khởi kiện ra tòa hoặc đã bán đấu giá. Chiếc tàu cá vỏ composite cũng trong tình trạng tương tự. Trong số 55 tàu cá vỏ gỗ có 13 tàu hoạt động hiệu quả, chiếm 23,6%; số còn lại đều kém hiệu quả. Đáng chú ý là ngay cả 5 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần cũng chung số phận khi đang là gánh nặng của bên cho vay vốn là các ngân hàng thương mại.

Trong tổng số 87 tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 có 80 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình, 78 tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Tuy nhiên, do nhiều tàu cá hiện không hoạt động cho nên hơn 300 lao động là ngư dân bị mất việc làm. Theo quy định đối với tàu cá, nhất là tàu vỏ thép phải duy tu, sửa chữa định kỳ nhưng trên thực tế 27/31 tàu cá vỏ thép tại Quảng Bình không thực hiện việc này, dẫn đến không đăng kiểm được, nhiều tàu nằm bờ thời gian dài trong tình trạng hư hỏng nặng.

Theo đại diện các ngân hàng thương mại tại Quảng Bình, hiện số nợ quá hạn của các chủ tàu là 470 tỷ đồng; đặc biệt 69 tàu cá nợ xấu, số tiền hơn 729 tỷ đồng. Phần lớn các chủ tàu có tư tưởng chây ỳ không chịu trả nợ, không hợp tác dẫn đến các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ. Agribank Bắc Quảng Bình là đơn vị cho vay vốn đóng mới tàu cá “67” nhiều nhất tỉnh, với 345,3 tỷ đồng cho 34 trường hợp vay, song đến nay mới thu được hơn 60,5 tỷ đồng, nợ xấu là 123,7 tỷ đồng.

Tìm giải pháp gỡ khó

Quảng Bình từng được Tổng cục Thủy sản đánh giá là một trong số ít các tỉnh thực hiện tốt Nghị định 67 của Chính phủ nhưng sau 8 năm hoạt động, phần lớn tàu cá đánh bắt không hiệu quả, không có khả năng trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thiếu ổn định, nên hiệu quả thấp. Ngư dân Phạm Văn Thủy, chủ tàu cá số hiệu 48333 ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch cho biết, nhiều tháng liền tàu cá của gia đình anh phải nằm bờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay ra khơi được thì giá dầu lại tăng kéo theo chi phí tăng cao, nên thu nhập bị giảm sút.

“Thông thường, chuyến biển của tôi 15 ngày hết gần 6.000 lít dầu, tiền mua hơn 100 triệu đồng, tàu lưới rê khai thác đánh bắt được 2 tấn đến 3 tấn cá mới đủ cho các chi phí và trả tiền công cho các bạn thuyền. Nếu chỉ được vài tạ cá trong khi tiền dầu đã tăng thì không có lãi. Tàu tôi hoạt động thường xuyên nhưng không có lãi khiến việc trả nợ cho ngân hàng gặp khó khăn”-anh Thủy chia sẻ.

Theo ngư dân Nguyễn Ngọc Huy, chủ tàu cá 91784 ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, nghề biển hiện nay không chỉ gặp khó khăn khi giá dầu tăng cao làm đội chi phí mà việc thiếu lao động cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Thu nhập từ nghề biển chưa cao, không đủ hấp dẫn lao động trẻ cho nên hầu như tàu cá nào cũng thiếu thuyền viên. Tàu xa bờ cần 12 đến 15 người mới ra khơi thì nay chỉ có 7 đến 8 bạn thuyền cũng phải xuất bến, nên công việc trên tàu thêm vất vả... Nhiều tàu cá ở Bảo Ninh đã neo bờ trong thời gian dài.

Hiện nay, việc thu hồi nợ của các chủ tàu theo hợp đồng tín dụng đã ký kết gặp khó bởi các ngân hàng thương mại không kiểm được dòng tiền thu chi, lợi nhuận của các chủ tàu trong quá trình sản xuất. Thực tế là, có nhiều chủ tàu sản xuất không hiệu quả, khó trả nợ nhưng cũng có những tàu cá đạt doanh thu mỗi chuyến biển cao song có tư tưởng chây ỳ, không trả nợ cho ngân hàng và hy vọng Nhà nước sẽ xóa nợ, giãn nợ. Nhiều tàu đã bị ngân hàng hoặc cơ quan thi hành án thu giữ, nằm bờ không đi khai thác, không được bảo dưỡng dẫn đến tàu xuống cấp nhanh chóng; trong khi chi phí neo đậu, quản lý, chi phí thi hành án lớn dẫn đến khó khăn cho các ngân hàng trong việc khởi kiện thu hồi nợ.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, chính sách bảo hiểm theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP chỉ hỗ trợ 50% chi phí bảo hiểm thân tàu và chỉ được hoàn trả sau, giá trị tàu tham gia bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm định giá thấp hơn giá trị vay vốn còn lại của chủ tàu, nên nhiều chủ tàu không mặn mà tham gia bảo hiểm, trong khi quá trình đánh bắt trên biển gặp nhiều rủi ro, tàu cá bị thiệt hại dẫn đến nguy cơ nợ xấu.

Bên cạnh đó, một số chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP như hỗ trợ chi phí duy tu sửa chữa, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hết hiệu lực từ năm 2020, đến nay chưa có quy định mới cho nên các chủ tàu không được hỗ trợ. Điều này dẫn tới việc một số chủ tàu và thuyền viên chưa có kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm vẫn phải vận hành tàu cá với các thiết bị hiện đại gây hỏng hóc, tốn kém chi phí sửa chữa, thay thế.

Để tháo gỡ khó khăn cho tàu “67”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, Lê Minh Phú kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trong đó xem xét có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay theo Nghị định này; nghiên cứu triển khai đề án khai thác thủy sản viễn dương, thực hiện ký kết hợp tác với các quốc gia, vùng biển có nguồn lợi thủy sản lớn để đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác vùng biển nước ngoài nhằm giảm cường độ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển nước ta phục vụ sản xuất nghề cá lâu dài, bền vững.

Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết; nắm bắt tình hình, hiệu quả hoạt động của các chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và phối hợp với các ngân hàng thương mại trong thu hồi nợ vay, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu; lựa chọn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại chuyển nhượng tàu cá theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, hướng dẫn các tàu hoạt động theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác, tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển các tỉnh phía nam nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; hỗ trợ, giới thiệu những tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng tàu cá đối với những trường hợp ngân hàng tiến hành xử lý tài sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ vay, xem xét hạn chế thu giữ tàu để tạo điều kiện cho chủ tàu được hoạt động, sản xuất nhằm tăng khả năng trả nợ ■

Bài và ảnh: Hương Giang