Lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản xuất khẩu

Thông điệp mạnh mẽ, giải pháp kiên quyết

Thời gian qua, Việt Nam tập trung triển khai đồng bộ và quyết liệt các hành động theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU); từng bước chủ động xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền đến ngư dân những quy định của Nhà nước về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: LÊ SEN
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền đến ngư dân những quy định của Nhà nước về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: LÊ SEN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng vừa qua, Việt Nam đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, trọng tâm là Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21-11-2017, cơ bản tiếp cận các quy định quốc tế trong quản lý nghề khai thác hải sản, khi đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý, trong đó có khuyến nghị của EC. Đồng thời khẩn trương soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản bảo đảm hoàn thành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thủy sản vào ngày 1-1-2019. Trước đó, để triển khai ngay các nội dung khuyến nghị EC đưa ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các bên có liên quan thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác IUU.

Tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, từng bước ngăn chặn, giảm dần và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác hải sản theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác bất hợp pháp đi vào chuỗi sản xuất.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đầu năm 2018 đã công bố Sách Trắng về chống khai thác IUU ở Việt Nam. Cuốn sách tập hợp các thông tin cơ bản về khai thác IUU thể hiện rõ quan điểm của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiên quyết nói không với khai thác IUU.

Về phía các địa phương, ngay sau khi Liên hiệp châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ công tác liên ngành 689 tiếp nhận thông tin về mọi vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Cùng đó, bảo đảm thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% lượng sản phẩm khai thác, 10% sản lượng lên bến của tàu vận chuyển nước ngoài nhập nguyên liệu thủy sản vào Kiên Giang. Ngoài ra, tiến hành chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Hằng tháng, tỉnh công bố công khai danh sách tàu cá, chủ tàu vi phạm về chống khai thác IUU; không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu cá có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ phải chuộc, thả, trốn về nước tạm dừng chuyển quyền sở hữu, tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng sáu tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tại Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác hải sản cũng như lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, đăng ký, cấp phép tàu cá tại địa phương.

Ở Quảng Bình, các ngành chức năng của tỉnh thắt chặt việc kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác như cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ. Ngoài thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, kiểm soát theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã còn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về khai thác IUU.

Nhờ triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp nêu trên, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt. Hiện, chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển có lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia…

Hiện, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá kim ngạch năm 2017 đạt 1,46 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016, trong đó nhập khẩu hải sản ở mức từ 350 đến 400 triệu USD/năm. Vì vậy, việc thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC và lấy lại “thẻ xanh” là yêu cầu quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay đối với ngành hàng này. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế về quyết tâm của Việt Nam trong chiến dịch chống khai thác IUU trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số vướng mắc. Đó là việc không ít ngư dân chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cũng như hiểu biết về Luật Biển, về Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Một yêu cầu quan trọng là việc ghi nhật ký khai thác phải được thực hiện thường xuyên, đầy đủ và chính xác. Còn đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, việc thực hiện chống khai thác IUU cũng có những “nút thắt”. Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp khi kê khai nguồn gốc nguyên liệu chỉ có thể biết mua của tàu nào, số lượng bao nhiêu chứ không thể xác minh được lộ trình đánh bắt của tàu cá, cho nên nguồn hàng có vi phạm việc đánh bắt bất hợp pháp hay không bản thân doanh nghiệp rất khó xác minh. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngư dân cùng tham gia tiếp tục tháo gỡ nhằm giải quyết tận gốc hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản khai thác một cách hợp pháp, trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam, các quy định quốc tế, góp phần giúp nghề cá Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và bền vững.