Chào mừng Lễ kỷ niệm 190 năm danh xưng An Nhơn, 10 năm thành lập Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định:

Thị xã An Nhơn trên hành trình tăng tốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh

Thị xã An Nhơn từ khi được Chính phủ quyết định thành lập theo Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28/11/2011, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số hiện trạng của huyện An Nhơn, gồm năm phường và 10 xã. Thị xã An Nhơn có tuyến quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1, quốc lộ 19, quốc lộ 19B, các tuyến tỉnh lộ và đường sắt bắc-nam đi qua, nối liền cảng biển Quy Nhơn, khu kinh tế Nhơn Hội, sân bay Phù Cát và ga Diêu Trì; có tiềm năng, khả năng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại-dịch vụ; là động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng của tỉnh. An Nhơn đã và đang giữ vai trò đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng phía nam tỉnh với các vùng phụ cận của các tỉnh duyên hải miền trung-Tây Nguyên.

Một góc khu trung tâm hành chính của thị xã An Nhơn. Ảnh: NGUYỄN QUÝ HÂN.
Một góc khu trung tâm hành chính của thị xã An Nhơn. Ảnh: NGUYỄN QUÝ HÂN.

Thành tựu nổi bật

Từ khi thành lập thị xã đến nay, các cấp ủy đảng và chính quyền thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo bước đổi thay về kinh tế, văn hóa-xã hội và diện mạo đô thị mới. Phát huy lợi thế về hạ tầng giao thông cấp quốc gia như: dự án nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 19, đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1, quy hoạch đường bộ cao tốc bắc-nam, tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn thị xã; đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài; các khu vực tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội... Đảng bộ và nhân dân thị xã đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, từng bước thể hiện được vai trò là trung tâm phía nam của tỉnh. Hiện nay, thị xã đã đạt được 52 trong số 59 tiêu chuẩn của đô thị loại III, trong đó có 34 trong số 59 tiêu chuẩn đã đạt và vượt mức tối đa so với Bộ tiêu chí của đô thị loại III được quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, với một số mặt nổi bật như:

Kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh năm 2010) bình quân hằng năm ước đạt 17,28% (Nghị quyết đề ra từ 13% đến 13,5%). Cơ cấu kinh tế giữa các ngành và nội ngành chuyển dịch tích cực, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng lên 65,52%, thương mại-dịch vụ 21,4%, nông-lâm-thủy sản chỉ còn 13,08% (Nghị quyết đề ra tương ứng là: 60-62%; 23-25%; 14-16%). Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.022 tỷ đồng (Nghị quyết đề ra 7.600 tỷ đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm 14,42% (Nghị quyết đề ra từ 8% đến 10%), số tuyệt đối tăng 780.883 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó, thu ngân sách từ kinh tế phát sinh trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 27,56% (Nghị quyết đề ra từ 10% đến 12%), số tuyệt đối tăng 701.866 triệu đồng so với năm 2015. Tổng chi ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 15% bảo đảm chi theo dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên mức 42% và tăng bình quân hằng năm 36,91%, tất cả 10 xã đều đạt xã nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1034/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 công nhận thị xã An Nhơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng về phát triển, mở rộng không gian đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo đô thị có nhiều đổi thay. Giao thông đối ngoại, giao thông đối nội, các tuyến đường nội thị được bê-tông hóa, nhựa hóa theo tiêu chuẩn đô thị; giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mở rộng phủ kín hầu hết đường làng, ngõ xóm; khu trung tâm các xã được chỉnh trang bó vỉa, lát vỉa hè và nhựa hóa đã tạo diện mạo mới mang dáng dấp đô thị.

Đến nay, tỷ lệ hộ dùng điện đã đạt 100%, các đường phố chính của năm phường và dọc các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 19 được đầu tư xây dựng, chiếu sáng đạt tỷ lệ 100%; hơn 96,83% đường khu nhà ở, ngõ xóm khu vực nội thị được chiếu sáng; toàn thị xã hiện có 44 công viên, hoa viên với diện tích 250.992 m2, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

An Nhơn đang phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, tập trung các nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý và phát triển đô thị, đạt tiêu chí đô thị loại III trong năm 2021 và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Nhiệm vụ giải pháp

Cả hệ thống chính trị của thị xã tập trung nâng cao các tiêu chuẩn hiện đạt ở mức tối thiểu so với tiêu chí đánh giá đô thị loại III, có kế hoạch từng bước xây dựng bảo đảm yêu cầu của thành phố trực thuộc tỉnh, với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Kêu gọi đầu tư và kinh doanh hệ thống các trung tâm thương mại và đại lý nhượng quyền thương mại cấp vùng và tiểu vùng, kêu gọi đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, tăng tầng cao xây dựng trong khu vực hiện hữu, gia tăng tổng diện tích sàn xây dựng; chỉnh trang nhà ở khu vực nội thị kết hợp chỉnh trang, mở rộng các tuyến hẻm theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tăng mật độ cư trú khu vực nội thị bằng cách tăng hệ số sử dụng đất khu vực nội thị hiện nay, tránh phát triển dàn trải và lãng phí đất; phát triển các khu dân cư và các khu đô thị mới đồng bộ, trong đó chú trọng hệ thống công trình công cộng cấp khu ở và cấp đơn vị ở bao gồm trường mầm non (hệ dân lập và công lập), trường tiểu học, hoa viên và công viên nhóm nhà ở; Triển khai thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch chung thị xã đến năm 2035; các quy hoạch phân khu, chi tiết đã được phê duyệt; Quản lý tốt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. 

Thị xã An Nhơn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng và đầu tư xây dựng mới các tuyến đường có tính chất động lực thúc đẩy, kết nối phát triển kinh tế-xã hội các khu vực đô thị; nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống giao thông nội thị các phường và các xã quy hoạch thành phường gắn với chương trình phát triển đô thị. Đầu tư xây dựng hình thành hai trung tâm thương mại, dịch vụ cấp đô thị ở phường Bình Định và phường Đập Đá. 

Kêu gọi đầu tư các khu dịch vụ gắn với các khu đô thị mới-thương mại mới được quy hoạch và xây dựng hoàn thành tại phường Bình Định và phường Đập Đá. Xúc tiến đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch gắn với sự phát triển các làng nghề truyền thống có tiềm năng thế mạnh của địa phương tại các xã, phường Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Lộc, Đập Đá, Nhơn Thành.

Từng bước xây dựng, tôn tạo và hình thành các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Thành Hoàng Đế, Tháp Cánh Tiên, Tháp Phú Lốc, Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh, Khu căn cứ cách mạng An Trường, Chùa Thập Tháp, Chùa Nhạn Sơn; Triển khai đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, chú trọng đầu tư xây dựng các công viên, hoa viên theo đồ án quy hoạch 1/500 được phê duyệt; tạo dựng các trục đường chính trên cơ sở mở rộng và chỉnh trang các tuyến hiện trạng trở thành trục không gian cảnh quan và thương mại chính của thị xã An Nhơn. Xây dựng quảng trường để tổ chức những sự kiện văn hóa, giải trí lớn có ý nghĩa của toàn đô thị. 

Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Đề xuất sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy hoạch, đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thị xã. Chuẩn bị tốt danh mục các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó cần tranh thủ sớm các dự án chuẩn bị đầu tư có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương gắn với các nguồn vốn viện trợ, vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA, NGO)… đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hệ thống đường ống thu gom nước thải, dự án du lịch Thành Hoàng Đế, các công trình cầu giao thông trên các trục giao thông chính trong kế hoạch trung hạn đăng ký Trung ương, tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm, nhân dân giám sát... Đối với các dự án vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục quy hoạch, kiến trúc xây dựng, thủ tục đầu tư cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh. Xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường để tranh thủ nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát triển. Tiếp tục xem xét đề xuất danh mục dự án phù hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh bảo lãnh vay nguồn vốn tín dụng nhà nước để giải phóng mặt bằng, đầu tư các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị còn thiếu.

Bước vào nhiệm kỳ mới (2021-2025), Đảng bộ thị xã An Nhơn xác định phương hướng, mục tiêu cần đạt được là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm đạt chuẩn đô thị loại III và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Về An Nhơn những ngày này dễ dàng nhận thấy bộ mặt của thị xã thay đổi khá nhanh nhờ làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị. Sự đổi thay nhanh chóng từ các phường nội thành lan tỏa mạnh mẽ đến các xã ngoại thành, nhất là năm xã sẽ trở thành phường trong thời gian tới. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, công viên, vườn hoa và hạ tầng các khu đô thị mới đã phát triển đồng đều và nhanh chóng. Các mục tiêu, tiêu chí để thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong tương lai không xa đang dần trở thành hiện thực.