Quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công

Trong quá trình phục hồi kinh tế, đầu tư công đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội. Tuy vậy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các địa phương 5 tháng đầu năm 2022 còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Do đó, các tỉnh cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát yêu cầu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sẵn sàng thay thế những tổ chức, cá nhân phụ trách không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. (Ảnh HƯƠNG GIANG)
Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. (Ảnh HƯƠNG GIANG)

Bài 1: Khắc phục hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như giá nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển tăng cao, việc huy động lao động, nhà thầu, máy móc, trang thiết bị bị gián đoạn trong thời gian cách ly, phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19; thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ỳ ạch trong thời gian qua là do tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cấp chưa thật sự được quan tâm, thiếu quyết liệt, sâu sát. Nhìn nhận rõ những hạn chế này, các địa phương đang có giải pháp khắc phục, phấn đấu giải ngân đạt hơn 90% nguồn vốn đầu tư công năm 2022.

Đối với khu vực còn nhiều khó khăn như các tỉnh Bắc Trung Bộ, đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số địa phương tại khu vực này đạt thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Hiện các tỉnh đang triển khai các biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, đến hết tháng 4/2022, nguồn vốn được giải ngân là hơn 639 tỷ đồng, đạt 11,4% kế hoạch. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch vốn đã bố trí trong năm. Tương tự như vậy, tính đến giữa tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Hà Tĩnh mới đạt 6,8%; đây là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ và bằng 1/3 tỷ lệ bình quân chung của cả nước (20,27%).

Theo đại diện chính quyền hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, quá trình triển khai dự án đầu tư công gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Thứ nhất, theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình rồi mới đấu thầu thi công. Thời gian này thường mất từ bốn đến sáu tháng, nên tiến độ giải ngân vốn những tháng đầu của dự án mới khởi công khá thấp. Thứ hai, giá đất ở tăng đột biến trong thời gian gần đây đã gây khó khăn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án. Thứ ba, các dự án sử dụng vốn ODA ngoài phải thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ đầu tư, rút vốn, giải ngân theo cam kết với nhà tài trợ cho nên mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công -0
 Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công tiểu dự án đô thị Kỳ Anh từ nguồn vốn vay WB.(Ảnh NGÔ TUẤN)

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công ỳ ạch trong thời gian qua còn do tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao, năng lực của các nhà thầu, tư vấn còn hạn chế; chưa tập trung xử lý triệt để công tác đền bù giải phóng mặt bằng... Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) là một điển hình cho tình trạng chậm giải ngân vốn nhiều năm nay. Dự án có tổng mức đầu tư gần 13,6 triệu euro từ nguồn vốn ODA của Đan Mạch và vốn đối ứng, do nhà thầu Suez (Đan Mạch) thực hiện, nhằm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý rác thải công suất 3.000m3/ngày đêm cho thị xã Ba Đồn.

 Khởi công từ tháng 9/2016, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công, thế nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Giám đốc Ban quản lý dự án ODA huyện Quảng Trạch (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Thế Hảo cho biết, tiến độ thi công dự án bị chậm trễ bởi có nhiều sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế chi tiết; trong quá trình thi công không có kỹ sư thiết kế giám sát, xử lý vướng mắc tại hiện trường. Cùng với đó là các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công giữa chủ đầu tư, nhà thầu chính Suez chưa được tháo gỡ. Từ ngày 15/10/2021 đến nay, dự án tạm dừng thi công do nhà thầu Suez đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hiện Ban quản lý dự án đang đàm phán, xử lý để chấm dứt hợp đồng với nhà thầu trên; đồng thời lựa chọn nhà thầu để thi công khối lượng còn lại của hợp đồng.

Dự án nâng cấp tuyến đường An Viên Mỹ Thành (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), một dự án thành phần của dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh”, có tổng mức đầu tư hơn 111 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, cũng giải ngân chậm do năng lực của các nhà thầu, tư vấn còn hạn chế; chưa tập trung xử lý triệt để công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp III đồng bằng có chiều dài hơn 7,7km. Được bàn giao mốc giới từ cuối năm 2020, nhưng đến đầu tháng 6/2022, địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Kỹ sư Phan Văn Diệu, Chỉ huy trưởng, kiêm Giám đốc điều hành dự án (Công ty xây lắp 368), đơn vị thi công gói thầu từ Km0 - Km5+400 cho biết: Thời tiết những tháng đầu năm rất thuận lợi để thi công, nhưng do chưa có mặt bằng sạch nên các đơn vị không thể điều động nhân lực, máy móc để thi công liên hoàn. Bên cạnh đó, hiện nay thủ tục đấu nối dự án với quốc lộ 1A và quốc lộ 8B vẫn chưa được hoàn thành nên đơn vị thi công không có hướng triển khai thi công. Nếu các đơn vị liên quan không sớm giải quyết được khó khăn trên thì dự án sẽ lỡ mất “thời gian vàng” để đẩy nhanh tiến độ, bởi cuối năm thời tiết ở Hà Tĩnh rất bất thường.

Bên cạnh “điểm nghẽn” về công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế về năng lực của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng trong công tác thẩm định hồ sơ cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, tình trạng trả đi trả lại hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến.

Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng

Năm 2022, Quảng Bình đặt mục tiêu phải giải ngân đạt hơn 90% nguồn vốn đầu tư công. Do vậy, tỉnh lập các ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 và dự án đường bộ cao tốc bắc-nam (đoạn qua Quảng Bình) để thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục sau đấu thầu để dự án có thể triển khai thi công ngay, tránh tình trạng dự án đã được bố trí vốn, nhưng giải phóng mặt bằng chậm, làm đình trệ tiến độ thực hiện các dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cho biết, tỉnh đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công để rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ triển khai các dự án; đồng thời, tổ công tác thường xuyên làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư được giao nguồn vốn đầu tư công lớn trong năm 2022, nhằm kiểm tra hoạt động cũng như kế hoạch triển khai việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt từ 90% trở lên. Đồng thời, các chủ đầu tư phải xác định lại nguồn vốn có thể giải ngân trong từng giai đoạn, cụ thể hóa quá trình giải ngân nguồn vốn đối với từng dự án.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, địa phương gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương phân bổ chi tiết và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương bổ sung có mục tiêu năm 2022 cho từng dự án; bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình mới, nhất là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm; chậm nhất đến ngày 30/9/2022 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn. Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phối hợp, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

(Còn nữa)