Phát triển Bắc Ninh theo hướng hiện đại, bền vững

NDO -

Ngày 10/6, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải nhấn mạnh, sau 25 năm tái lập tỉnh, cùng với thế và lực của đất nước đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tỉnh phát triển từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Nếu như năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh, Bắc Ninh gặp rất nhiều khó khăn, diện tích nhỏ nhất cả nước, điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển; thu ngân sách nhà nước thấp; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; sản xuất công nghiệp, thương nghiệp nhỏ lẻ; hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, xuống cấp. Đến nay, kinh tế Bắc Ninh liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 13,9%/năm); GRDP năm 2021 gấp 23,8 lần năm 1997 (năm 2021 tăng 6,9%, đứng thứ 13 cả nước). Quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần so năm 1997 (tái lập tỉnh), đứng thứ nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 21,2 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước. Hoạt động thương mại-dịch vụ tiếp tục phát triển; trong đó xuất khẩu có bước đột phá, đạt gần 45 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 13,3% xuất khẩu cả nước.

Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ về những giải pháp của tỉnh trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, gắn xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh. Đồng thời, tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, đáp ứng các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn ấn tượng với những kết quả đạt được của tỉnh Bắc Ninh thời gian qua, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được thực hiện bài bản từ chủ trương, nhận thức đến các Nghị quyết của Đảng được ban hành.

Ông Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, kết quả thực hiện sau 25 năm tái lập tỉnh của Bắc Ninh cũng cho thấy chủ trương, lộ trình, bước đi khá toàn diện, rất trúng và đúng, phù hợp xu hướng phát triển của đất nước và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Bắc Ninh cần có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững; tận dụng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi một cách bền vững giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.